1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những vũ khí "làm mưa, làm gió" trong chiến sự Nga - Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Cuộc giao tranh khốc liệt giữa Nga và Ukraine đã chứng kiến sự xuất hiện của dàn vũ khí hiện đại làm khuynh đảo chiến trường, thậm chí được xem là có thể thay đổi xu hướng tác chiến trong tương lai.

Kể từ khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hôm 24/2, cuộc chiến "hao người, tốn của" này đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt vũ khí hiện đại.

Trong khi Ukraine nhiều lần thừa nhận nước này đã trở thành bãi thử vũ khí cho các nhà sản xuất phương Tây, Nga cũng đã đưa tới nước láng giềng những khí tài hàng đầu.

UAV - "Sát thủ trên không"

Sau một vài cuộc xung đột diễn ra trong thời gian trước chiến dịch quân sự của Nga, giới chuyên gia quân sự đã nhiều lần đánh giá máy bay không người lái (UAV) sẽ trở thành một phần quan trọng trong hoạt động tác chiến tương lai.

Những diễn biến thực tế tại Ukraine trong nhiều tháng qua cho thấy nhận định này khá chính xác.

Chưa bao giờ UAV được sử dụng nhiều như trong xung đột Nga - Ukraine, khi ưu thế của cả hai bên phụ thuộc rất nhiều vào các máy bay này, từ tập kích đối phương đến trinh sát, chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Sự phổ biến của UAV tự sát được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá là do sự biến đổi về phương thức tác chiến hiện đại và việc sử dụng rộng rãi các loại công nghệ hiện đại giúp rút ngắn quá trình phát hiện - tiêu diệt mục tiêu.

Những vũ khí làm mưa, làm gió trong chiến sự Nga - Ukraine - 1

Một chiếc UAV TB2 (Ảnh: Military).

Trong giai đoạn đầu của chiến sự, Walter Dorn, giáo sư nghiên cứu quốc phòng tại Trường Quân sự Hoàng gia ở Kingston, Canada nhận định một trong những vũ khí nổi bật nhất là UAV Bayraktar TB2 - sản phẩm được xem là niềm tự hào của ngành công nghiệp quân sự Thổ Nhĩ Kỳ. Ukraine đã mua TB2 từ Ankara vài năm trước.

Điểm mạnh của TB2 là khả năng bay ở tốc độ 200 km/h, với sải cánh 12m. UAV này có thể bắn ra vũ khí từ tầm thấp để nhằm vào mục tiêu với độ chính xác cao hơn, trước khi di chuyển lên cao để tăng khả năng sống sót trước lá chắn phòng không đối thủ.

TB2 có giá thành thấp so với một UAV tấn công có thể tái sử dụng, khoảng 2 triệu USD/chiếc. Nó có thể mang các loại bom hạng nhẹ, dẫn đường bằng laser, và giúp Ukraine thực hiện các vụ tấn công chính xác và bất ngờ. 

UAV này không mang tới rủi ro gây thiệt hại về nhân lực, có thể tái sử dụng và di chuyển linh hoạt. Nó tạo ra không ít tổn hại cho Moscow khi Ukraine sở hữu năng lực quân sự bất đối xứng so với Nga.

Tuy nhiên, chuyên gia Jack Watling từ Viện Royal United Services (Anh), nhận định rằng TB2 chỉ hoạt động hiệu quả ở giai đoạn đầu chiến sự, trước khi Nga đẩy mạnh triển khai mạng lưới phòng thủ ở Ukraine. Sau khi Nga đưa các lá chắn phòng không và tác chiến điện tử tới Ukraine, vai trò của TB2 đã bị giảm nhẹ. Trên thực tế, bắt đầu từ khi Nga tập trung chiến dịch quân sự vào khu vực Donbass hồi tháng 4, Moscow đã bắn rơi khá nhiều chiếc UAV, trong đó có TB2 của Ukraine.

Những vũ khí làm mưa, làm gió trong chiến sự Nga - Ukraine - 2

Một UAV tự sát của Nga trên bầu trời Kiev, Ukraine (Ảnh: AFP).

Tới khoảng tháng 10, khi Ukraine bắt đầu đạt được đà phản công ở nhiều khu vực, giới quan sát nhận thấy, Nga bắt đầu triển khai chiến thuật "mưa hỏa lực" bằng cách phóng số lượng lớn tên lửa chính xác cao và UAV tự sát vào mục tiêu quân sự, năng lượng, thông tin liên lạc trên khắp Ukraine. Bằng cách này, Nga dường như muốn gây áp lực lên Ukraine khi mùa đông tới gần. Việc Ukraine phải chịu cảnh mất điện cũng ảnh hưởng tới quá trình tiếp tế hậu cần cho tiền tuyến.

Nga đã sử dụng một số dòng UAV tự sát, trong đó nổi bật nhất là Geran-2.

Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga mua hàng nghìn UAV Shahed-136 của Iran rồi sơn lại thành Geran-2 để triển khai ra chiến trường. Tuy nhiên, Nga tuyên bố họ có khả năng sản xuất UAV và chỉ sử dụng UAV tự sát nội địa trong chiến dịch quân sự với Ukraine.

Geran-2 có thể mang theo đầu đạn nặng 36kg. Các chỉ huy Ukraine cho hay chúng thường hoạt động theo biên đội 2 chiếc để đối phó lưới phòng không và tăng tối đa năng lực tác chiến. Kiev đồng thời thừa nhận các khẩu đội phòng không rất khó phát hiện Geran-2 bởi chúng có kích thước bé và hoạt động ở tầm tương đối thấp. Geran-2 có khả năng lao bất ngờ xuống mục tiêu. Nó đủ độ chính xác để tấn công trực tiếp vào hệ thống vũ khí, cơ sở quan trọng của Ukraine.

Tuy nhiên, công nghệ hiện đại không phải là thế mạnh lớn nhất của Geran-2 mà chính là giá thành rẻ và số lượng lớn.

Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov giải thích, Nga hiện đang sử dụng chiến thuật tập kích quy mô lớn hàng loạt bằng UAV giá rẻ rồi mới phóng tên lửa vào các mục tiêu quan trọng. Các UAV giá rẻ có tác dụng làm rối loạn hệ thống phòng không của đối thủ, khiến Ukraine phải bắn ra các tên lửa đánh chặn đắt tiền trị giá hàng triệu USD. Sau đó, các tên lửa đắt đỏ của Nga sẽ được ưu tiên đánh vào các mục tiêu giá trị cao như sở chỉ huy quân sự, khí tài và cơ sở hạ tầng chủ chốt của đối thủ.

Giới quan sát cho rằng, Ukraine sẽ khó duy trì việc dùng tên lửa phòng không đắt tiền để đánh chặn UAV giá rẻ của Nga trong thời gian dài, vì đây là một phương án không hiệu quả về kinh tế.

Hệ thống hỏa lực phóng loạt

Video siêu pháo "lửa mặt trời" Nga phóng hỏa lực vào mục tiêu Ukraine

Trong giai đoạn 2 của chiến sự diễn ra ở khu vực Donbass vào khoảng tháng 5-7, Nga đã đạt được bước tiến đáng kể trên chiến trường nhờ vào các hệ thống hỏa lực phóng loạt.

Theo chuyên gia Jack Watling từ Viện RUSI (Anh), về cơ bản các trận địa pháo phóng loạt của Nga đã được duy trì với tốc độ dồn dập vào các mục tiêu, gây áp lực khiến quân đội Ukraine phải rút khỏi vị trí để tránh thương vong lớn hơn. Hỏa lực được bắn ra với số lượng lớn cũng khiến phía Ukraine không thể tập hợp đủ lực lượng kịp thời để phản công. Sự áp đảo của Nga về số lượng hỏa lực đã khiến cho họ có được đà tiến trong vài tháng.

Khả năng bắn trúng mục tiêu của các hệ thống pháo không chỉ có sức công phá đáng kể mà nó cũng tác động sâu sắc đến tinh thần binh sĩ đối thủ như một hình thức "tâm lý chiến", theo các chuyên gia quân sự.

"Ngôi sao" trên chiến trường của Nga được giới chuyên gia nhắc tới là pháo phản lực Uragan và TOS-1A.

Pháo phản lực Uragan được thiết kế và phát triển với mục đích tấn công binh lính, các loại xe bọc thép, pháo, hệ thống phòng không, máy bay trực thăng, cũng như phá hủy các cơ sở vật chất và kho tàng của đối phương.

Với tổng cộng 16 ống phóng cỡ nòng 220mm, pháo phản lực này có thể bắn toàn bộ tên lửa về phía đối phương trong vòng 20 giây. Uragan có thể bắn trúng mục tiêu trong phạm vi 36km và bao quát được một khu vực rộng 42,6ha.

Trong khi đó, hệ thống TOS-1A còn được gọi với tên Solntsepyok (lửa mặt trời). Đây là hệ thống phóng đa nòng gồm 24 tên lửa nhiệt áp, có khả năng nhằm vào binh sĩ, khí tài và bất kỳ công sự nào của đối phương trong khu vực rộng tương đương 6 sân bóng đá, lên tới 40.000m2.

Ngoài ra, Solntsepyok còn sử dụng đầu đạn nhiệt áp, cho phép phun ra các dung dịch dễ cháy khi bắn trúng mục tiêu và phát hỏa. Trong môi trường nhất định, nhiệt độ từ đầu đạn nhiệt áp của Solntsepyok có thể đạt tới mức 1.000 độ C mang lại sức công phá đáng kể. Chính vì vậy, hệ thống này được gọi là "lửa mặt trời".

Những vũ khí làm mưa, làm gió trong chiến sự Nga - Ukraine - 3

Ukraine đã xoay chuyển cục diện chiến sự nhờ HIMARS do Mỹ viện trợ (Ảnh: Reuters).

Câu trả lời của Ukraine với các hệ thống hỏa lực của Nga là HIMARS. Các chuyên gia đánh giá, sự xuất hiện của HIMARS do Mỹ viện trợ cho Ukraine từ tháng 6 là một bước ngoặt của cuộc chiến.

Các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn ở Mỹ, nhận định, Ukraine đã đạt lợi thế ở Kherson, tại miền Nam nhờ sử dụng sáng tạo hệ thống tên lửa chính xác HIMARS để phá vỡ đường tiếp tế của Nga qua sông Dnieper.

Cụ thể, với HIMARS, Ukraine đã phá hủy gần như tất cả các cây cầu lớn do Nga kiểm soát ở khu vực phía nam Kherson, khiến Nga bị cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự và nhân lực quan trọng từ Crimea tới bờ bên phải con sông.

Cộng với việc Ukraine cũng đã sử dụng vũ khí này tấn công chính xác vào các mục tiêu quan trọng của Nga như kho đạn, tuyến đường hậu cần, tiếp tế quan trọng trên tiền tuyến, Moscow đối mặt với bài toán khó để tiếp tục duy trì được lực lượng ở bên trái phải Dnieper. Cuối cùng đã phải ra quyết định rút quân về bờ trái để tránh thiệt hại lớn.

Dàn tên lửa uy lực

Trên chiến trường, cả Nga và Ukraine đều triển khai dàn tên lửa uy lực đáng gờm, nhưng nếu như Ukraine thiên về các tên lửa phòng thủ, nhằm phá hủy xe tăng, xe thiết giáp và bắn rơi máy bay, thì Nga thiên về các tên lửa chính xác cao nhằm trúng các mục tiêu có giá trị của đối thủ.

Phương Tây đã gửi cho Ukraine dàn vũ khí chống tăng có thể giúp "thay đổi cuộc chơi", theo Pavel Felgenhauer, chuyên gia quân sự tại Jamestown Foundation (Mỹ). Những vũ khí nổi bật nhất có thể kể tới là tên lửa Javelin và tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới NLAW.

Những vũ khí làm mưa, làm gió trong chiến sự Nga - Ukraine - 4

Tên lửa Javelin được Ukraine dùng để phá hủy xe tăng, xe bọc thép đối phương (Ảnh: Reuters).

Cả Javelin và NLAW đều có khả năng tấn công xe tăng từ trên cao, nơi lớp giáp của khí tài này yếu nhất. Các tên lửa này còn cho phép người sử dụng di chuyển ra xa sau khi bắn, từ đó làm giảm nguy cơ bị phản công khi vị trí của họ bị lộ. Theo các chuyên gia, ngay cả những siêu tăng "đình đám" của Nga như T-90 cũng có thể tổn thương trước Javelin vì tên lửa này có 2 đầu đạn được xem "khắc tinh" của giáp phản ứng nổ trên các thiết giáp hiện đại với khả năng xuyên thủng cả 2 lớp bảo vệ xe tăng.

Trên thực tế, Ukraine đã sử dụng cả Javelin và NLAW, cùng với các vũ khí chống tăng khác gây không ít tổn thất tới dàn thiết giáp của Nga. Hai vũ khí này được xem đã làm chậm đà tiến của Nga ở giai đoạn đầu chiến sự.

Chiến hạm Nga phóng 4 tên lửa hành trình vào kho nhiên liệu Ukraine

Kể từ khi mở chiến dịch quân sự, Nga thông báo rằng các tên lửa chính xác cao của họ đã thực hiện hàng loạt các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu quân sự có giá trị của Ukraine.

Một trong những tên lửa được Nga tin cậy sử dụng là Kalibr. Đây chính là tên lửa đã mở màn chiến dịch của Nga ở Ukraine, khi họ phóng 30 quả Kalibr vào các mục tiêu của Kiev. Một số phiên bản của tên lửa Kalibr có thể đạt tới tốc độ siêu thanh vào giai đoạn cuối nhằm tránh việc bị hệ thống phòng không đối phương hạ gục. Dòng tên lửa Kalibr mà Nga từng sử dụng ở Syria có hiệu suất tương đương tên lửa "sát thủ" Tomahawk do Mỹ sản xuất.

Tuy nhiên, để nhằm vào các mục tiêu chủ chốt, có giá trị cao, Nga sử dụng tên lửa Iskander có tầm bay khoảng 500 km và đầu đạn uy lực hơn Kalibr, có thể phá hủy các công trình lớn và những cứ điểm kiên cố của quân đội Ukraine.

Iskander-M có thể khai hỏa vào 2 mục tiêu khác nhau trong vòng một phút. Điểm đặc biệt của dòng tên lửa này là khả năng bay không theo đạn đạo thông thường nên rất khó bị đánh chặn và đạn tên lửa được điều khiển trong toàn bộ quá trình bay.

Nga đã kết hợp khả năng tác chiến của tên lửa và UAV tự sát trong các vụ tập kích trên khắp Ukraine và chiến thuật này đang gây ra những thiệt hại lớn cho phía Kiev.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine