Cặp vũ khí sát thủ trên không của Nga gây "ác mộng" cho phi công Ukraine
(Dân trí) - Một phi công Ukraine tiết lộ về sự nguy hiểm của tên lửa siêu vượt âm R-37M Nga trong không chiến, và sự kết hợp của nó với tiêm kích tàng hình Su-57 được xem có thể tạo ra một cặp sát thủ trên không.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Mỹ, phi công lái tiêm kích MiG-29 của Ukraine có mật danh là Juice đã đề cập tới sự nguy hiểm của tên lửa R-37M mà Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt đã kéo dài gần 11 tháng qua.
R-37M là tên lửa không đối không (AAM) tầm xa có khả năng tấn công các mục tiêu trên không tốc độ cao từ hơn 300-400km. Nó được gọi là sát thủ trên không nhờ khả năng tập kích ấn tượng.
Đây được xem là một trong những tên lửa không đối không tầm xa nhất thế giới. Nó có khả năng theo dõi mục tiêu thông qua hệ thống radar chủ động và bán chủ động. Điều này có nghĩa là một khi R-37M được phóng đi, nó sẽ độc lập hoàn toàn với phương tiện phóng.
R-37M có khả năng di chuyển tốc độ Mach 5 - Mach 6 (6.125-7.350 km/h) để tấn công các máy bay trên không, tức là nhanh gấp 5-6 lần tốc độ âm thanh.
Nga bắt đầu sử dụng R-37M ở Ukraine vào mùa hè năm ngoái. Kể từ đó, theo Eurasian Times, nhiều phi công tiêm kích Ukraine đã bày tỏ lo ngại vì R-37M có thể đe dọa tới các phi cơ của Kiev ngay cả khi nó được bắn đi từ trong không phận Nga.
Phi công Juice thừa nhận R-37M nguy hiểm tới mức, nhiều phi công Ukraine không thể hoàn thành được nhiệm vụ mà phải tìm cách cơ động nhanh chóng để né tránh.
"Bởi vì chúng tôi hiểu chiến thuật của họ khi phóng R-37M, chúng tôi đã rút ra kỹ thuật để né tránh. Tuy nhiên, việc né tránh làm hạn chế khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên không của Ukraine. Tất nhiên, khi cơ động để tránh bị bắn trúng, chúng tôi không thể làm gì khác, bao gồm cả tấn công đối thủ (theo kế hoạch), vì vậy điều này thực sự khó khăn trên không và cũng rất rủi ro. Nếu bạn không nhận biết kịp tên lửa đang bay tới, bạn sẽ bị loại bỏ khỏi vòng chiến đấu", phi công Juice thừa nhận.
Cơ chế khiến R-37M đặc biệt nguy hiểm chính là nó sẽ bay rất nhanh tới hướng mục tiêu và chỉ bật thiết bị tìm kiếm radar khi còn cách mục tiêu khoảng 32km để xác định chính xác vật cần tấn công rồi lao vào.
Điều này có nghĩa là radar cảnh báo trên tiêm kích Ukraine hiện chỉ biết được tên lửa R-37M khi nó còn cách mục tiêu khoảng 32km - tức là phi công Kiev chỉ có vài giây để né tránh trước khi bị bắn rơi.
R-37M ban đầu được chế tạo để tích hợp trên tiêm kích đánh chặn MiG-31. Sau đó, Nga quyết định nâng cấp loại vũ khí này để tương thích hơn với các máy bay chiến Su-30, Su-35 và Su-57. Các chuyên gia tin rằng tên lửa này có khả năng cải thiện đáng kể hiệu suất của máy bay chiến đấu.
Các chuyên gia từ viện RUSI (Anh) nhận định, các cuộc tuần tra phòng thủ trên không của Nga đã chứng tỏ hiệu quả cao trước các máy bay tấn công và máy bay chiến đấu của Ukraine, với cặp MiG-31BM và tên lửa không đối không tầm xa R-37M đặc biệt nguy hiểm.
Khi kết hợp với Su-57, Eurasian Times cho rằng, R-37M thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn nữa. Hồi tháng 10 năm ngoái, Su-57 được trang bị R-37M đã bắn rơi tiêm kích Su-27 của Ukraine.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Moscow có triển khai Su-57 làm nhiệm vụ tập kích Ukraine, nhưng dường như chỉ cho nó bay trong không phận Nga để bắn ra tên lửa không đối đất hoặc không đối không tầm xa vào Ukraine.
Một giả thuyết khác được đưa ra là Nga có đưa Su-57 tới Ukraine nhưng không để lại dấu vết vì tiêm kích thế hệ 5 này có khả năng tàng hình hiệu quả. Nếu giả thuyết này chính xác thì sự kết hợp giữa Su-57 và R-37M có thể gây ra thách thức lớn với Ukraine.