Moscow lên tiếng khi 3 nước Baltic đồng loạt cắt nguồn điện từ Nga
(Dân trí) - Nga đã đưa ra bình luận sau khi 3 quốc gia Liên Xô cũ thuộc vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva ngắt kết nối khỏi lưới điện BRELL do Moscow vận hành.
Quyết định của các quốc gia vùng Baltic ngắt kết nối khỏi hệ thống năng lượng thống nhất với Nga và Belarus sẽ chỉ làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế của EU, Phái bộ Nga tại Liên minh châu Âu tuyên bố, nhấn mạnh rằng động thái này mang động cơ chính trị.
Estonia, Latvia và Litva - 3 quốc gia thành viên NATO và EU - đã bắt đầu quá trình kéo dài 2 ngày để ngắt kết nối khỏi mạng lưới BRELL hôm 8/2.
Sau đó, họ sẽ kết nối vào mạng lưới điện châu Âu có tên ENTSO-E. Đây là một phần trong nỗ lực của các quốc gia EU nhằm cắt đứt các mối liên kết năng lượng lâu dài với Nga.
"Việc ngắt kết nối khỏi BRELL là một động thái mang động cơ chính trị, điều này sẽ khiến giá điện trong khu vực tăng cao, làm cho lưới điện kém ổn định hơn và tiếp tục làm suy giảm năng lực cạnh tranh kinh tế của EU", Phái bộ Nga tuyên bố hôm 8/2, nhấn mạnh rằng các hộ gia đình và doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là tại các nước Baltic, sẽ phải gánh chịu chi phí này.
Phái bộ cũng lưu ý rằng kinh tế EU đạt mức tăng trưởng 0,8% vào năm ngoái, đồng thời cảnh báo rằng xu hướng cắt đứt quan hệ năng lượng với Moscow sẽ chỉ làm triển vọng kinh tế thêm xấu đi.
Ba nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ đã quyết định rời khỏi hệ thống BRELL và gia nhập ENTSO-E từ năm 2018. Trong tháng này, họ có kế hoạch kiểm tra hệ thống điện của mình trong trạng thái độc lập trước khi kết nối với hệ thống năng lượng EU qua Ba Lan.
Hệ thống BRELL, được xây dựng dựa trên các mạng lưới điện có từ thời Liên Xô, được thành lập vào ngày 7/2/2001. Hệ thống này đồng bộ hóa lưới điện của Belarus, Nga, Estonia, Latvia và Litva dưới sự điều phối trung tâm của Moscow.
Ban đầu, các nước Baltic phụ thuộc vào Nga để duy trì sự ổn định của lưới điện, trong khi Nga dựa vào hệ thống này để cung cấp điện cho vùng lãnh thổ hải ngoại của Moscow, Kaliningrad. Tuy nhiên, Nga đã nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng tại Kaliningrad, giảm dần sự phụ thuộc vào lưới điện Baltic.
Chính quyền 3 quốc gia Baltic đã nhiều lần khẳng định rằng việc phụ thuộc vào mạng lưới do Nga kiểm soát gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng của họ, vì Moscow có thể sử dụng điện làm "vũ khí" và đơn phương cắt nguồn cung. Tuy nhiên, cho đến nay, điều này chưa từng xảy ra.
Giá điện do nhà nước kiểm soát ở Nga hiện thuộc nhóm thấp nhất thế giới, trung bình khoảng 0,055 USD/kWh vào năm 2024. Trong khi đó, giá điện tại EU dao động tùy từng quốc gia, với Đức là nước có mức giá cao nhất vào năm ngoái, đạt 0,3951 EUR (tương đương 0,40 USD) mỗi kWh.
Đối với Nga, việc tách rời có nghĩa là vùng Kaliningrad của nước này, nằm giữa Litva, Ba Lan và Biển Baltic, bị cắt khỏi lưới điện chính của Nga, khiến Nga phải tự duy trì hệ thống điện của mình.
Các nước Baltic đã chi gần 1,6 tỷ euro (1,66 tỷ USD) kể từ năm 2018 để nâng cấp lưới điện để chuẩn bị, trong khi Moscow đã chi 100 tỷ rúp (1 tỷ USD), bao gồm cả việc xây dựng một số nhà máy điện chạy bằng khí đốt ở Kaliningrad.