1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Những nước không theo “trào lưu” trục xuất tập thể nhà ngoại giao Nga

(Dân trí) - Ngoài Áo, một số quốc gia châu Âu khác vẫn quyết định không trục xuất các nhà ngoại giao Nga theo số đông để đáp trả vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc tại Anh.

Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl (Ảnh: EPA)
Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl (Ảnh: EPA)

Hồi đầu tuần, hơn 20 quốc gia, bao gồm 18 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Canada và NATO, đã tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga ra khỏi lãnh thổ. Mỹ trục xuất 60 người, trong khi các quốc gia châu Âu khác chỉ trục xuất từ 1-4 người. Lệnh trục xuất tập thể này được đưa ra sau khi Anh công bố quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái Yulia nghi bị đầu độc tại thành phố Salisbury hôm 4/3.

Trong bối cảnh các nước phương Tây đồng loạt gây sức ép với Nga, một số quốc gia vẫn giữ lập trường, từ chối hành động cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất. Áo là một trong những nước đi đầu trong nhóm các quốc gia này.

Thủ tướng và Ngoại trưởng Áo ngày 26/3 khẳng định Vienna sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao Nga như cách Anh và nhiều nước khác đã làm. Theo Ngoại trưởng Karin Kneissl, quyết định của Áo cho thấy lập trường mang tính nguyên tắc của nước này, đó là rất hiếm khi Áo sử dụng biện pháp trục xuất các nhà ngoại giao trong quan hệ quốc tế.

“Nếu các bằng chứng cho thấy vụ (đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal) có liên quan tới Nga hoặc do Nga ra lệnh, cơ chế hành động tập thể (nhằm vào Nga) có thể được đưa ra dựa trên cơ sở của Hiệp ước Vũ khí Hóa học. Tuy nhiên, các hành động song phương của chúng tôi không nằm trong chương trình này và chúng tôi loại trừ khả năng (trục xuất các nhà ngoại giao)”, bà Kneissl nói với kênh truyền hình ORF-2.

“Chúng tôi đã khẳng định rằng Áo sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì trong thời khắc sống còn, một điều vô cùng quan trọng là phải duy trì các kênh đối thoại. Chúng tôi hành xử dựa trên các kinh nghiệm trước đây và luôn thận trọng trong việc trục xuất các nhà ngoại giao”, Ngoại trưởng Áo cho biết thêm.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Áo cho biết Anh và Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) chưa cung cấp 100% bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên. Do vậy, Áo sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cũng ủng hộ lập trường của Bộ Ngoại giao, cho biết Vienna không trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì vẫn muốn duy trì các kênh đối thoại với Moscow.

Người phát ngôn của chính phủ Áo Peter Launsky-Tieffenthal khẳng định Vienna “sẽ không tiến hành bất kỳ biện pháp nào ở cấp độ quốc gia”.

“Chúng tôi sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao. Lý do cho điều này là vì chúng tôi vẫn muốn duy trì các kênh đối thoại mở với Nga. Áo là nước trung lập và là cầu nối giữa Đông và Tây (Âu)”, ông Launsky-Tieffenthal cho biết.

Các nước không theo số đông

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: AFP)
Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal (Ảnh: AFP)

Ngoài Áo, một số quốc gia cũng khẳng định quan điểm riêng trong vụ cựu điệp viên Nga nghi bị đầu độc tại Anh, gồm Bulgaria, Malta, Slovenia và Bồ Đào Nha.

Thụy Sĩ ngày 27/3 cho biết nước này sẽ đợi cho tới khi có kết quả chính thức về cuộc điều tra để đưa ra quyết định cuối cùng. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ khẳng định nước này “ủng hộ các cơ chế và thể chế có thể độc lập làm rõ các dữ liệu và chứng cứ an ninh”.

Cyprus từ chối trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào của Nga khi chưa có bằng chứng cụ thể. Trong khi đó, Slovakia cũng chưa vội vàng ngả theo số đông trong vụ việc này, song đã triệu hồi đại sứ Nga.

Tuần trước, trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Theresa May trong khuôn khổ hội nghị của Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhấn mạnh sự cần thiết của việc điều tra vụ sát hại cựu điệp viên Skripal trước khi đi đến kết luận.

Thành Đạt

Tổng hợp