Những khoảnh khắc “chín mặt” hạ bệ ứng viên tổng thống Mỹ
(Dân trí) - Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay đang bước vào giai đoạn nước rút và sự kiện được trông đợi nhiều nhất sẽ là màn “đấu khẩu” trực tiếp vào thứ tư này. Dù vậy đôi khi một bài phát biểu hùng hồn lại bị hỏng chỉ bởi những khoảnh khắc bối rối đáng quên…
Ngày 3/10 tới, ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney sẽ có màn tranh luận trực tiếp đầu tiên với đương kim tổng thống Mỹ Obama trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Đây được xem là dịp tốt để mỗi người ghi điểm, lôi kéo cử tri về phía mình. Dù vậy lịch sử cũng cho thấy đôi khi những khoảnh khắc tác động nhiều nhất đến kết quả các buổi tranh luận lại là những điều nhỏ nhặt mà họ không mong muốn.
RickPerry phải bỏ cuộc vì một phút đãng trí trong buổi tranh luận
1. Khoảnh khắc đãng trí của Rick Perry
Trong cuộc chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa hồi tháng 11 năm ngoái, thống đốc bang Texas Rick Perry đã làm hỏng cả chiến dịch tranh cử chỉ vì một phút đãng trí. Trước câu hỏi của phóng viên CNBC về 3 cơ quan liên bang nào ông muốn cắt giảm nếu trở thành tổng thống, ông Perry chỉ có thể gọi tên 2 cơ quan là Bộ Thương mại và Bộ Giáo dục.
“Ông nghiêm túc đấy chứ”, phóng viên John Harwood của CNBC hỏi dồn Perry trong cuộc tranh luận. “Ông không thể kể tên cơ quan thứ ba sao?”. Đáp lại Perry chỉ lúng búng: “Cơ quan chính phủ thứ ba tôi muốn loại bỏ là: giáo dục, à ừ, thương mại và…để xem nào”, Perry nói. “Tôi không thể nhớ nổi cái thứ ba. Xin lỗi. Oops”. Rất nhanh chóng tỷ lệ người ủng hộ Perry lao dốc. Và vị thống đốc bang Texas quyết định ngừng chiến dịch tranh cử sau đấy 2 tháng.
Richard Nixon từng mất điểm vì liên tục toát mồ hôi khi phát biểu
2. Richard Nixon toát mồ hôi
Trở lại năm 1960 khi cuộc “đấu khẩu” giữa thượng nghị sỹ John F. Kennedy và phó tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Richard Nixon trở thành cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng viên tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp. Vấn đề của Nixon khi đó không phải ở bài diễn văn mà lại ở chỗ ông toát mồ hôi quá nhiều.
Trong cuộc tranh luận, Nixon vã mồ hôi như tắm. Trước đó ông đã vừa mới có 12 ngày nằm viện để phẫu thuật đầu gối và bị nhiễm khuẩn cầu chùm. Khi ấy ông sụt cân nghiêm trọng và quần áo thì không vừa. Do đó cuộc tranh luận được miêu tả là khoảnh khắc đẫm mồ hôi trong lịch sử chính trị Mỹ. Và lần đầu tiên hai ứng viên tổng thống hòa nhau trong màn tranh luận.
Cựu tổng thống Mỹ Bush (cha) mất điểm vì nhìn đồng hồ
3. Sự thiếu kiên nhẫn của George H.W. Bush
Vị tổng thống thứ 41 của nước Mỹ đã phải ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai với rất nhiều khó khăn về kinh tế cùng sự tấn công từ phía ứng viên Bill Clinton. Tình hình càng trở nên tệ hơn trong cuộc tranh luận trực tiếp lần hai với Bill Clinton và Ross Perot năm 1992. Khi được khán giả hỏi suy thoái đã ảnh hưởng tới cá nhân mình thế nào, ông Bush đã chỉnh lại trang phục, nhìn đồng hồ và đưa ra một câu trả lời dài dòng mà không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi.
Cử chỉ của Bush bị đa số công chúng xem là cho thấy sự nhàm chán, thiếu kiên nhẫn trước một câu hỏi được nhiều người Mỹ quan tâm. Và với việc đã bị chỉ trích vì không có quyết sách phù hợp với tình hình kinh tế, khoảnh khắc trong buổi tranh luận đó khiến ông thậm chí còn không đáng trở thành ứng viên tổng thống.
Cựu phó tổng thống Al Gore nổi tiếng vì tiếng thở dài
4. Tiếng thở dài của Al Gore
Hành động này sau đó đã được gọi là tiếng thở dài vọng khắp thế giới. Năm 2000 khi vị phó tổng thống Al Gore đang cố gắng cải thiện hình ảnh của mình với tư cách một chính trị gia quá kín đáo, ông đã trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong các cuộc tranh cử chỉ chiếc với áo len.
Nhưng ấn tượng cuối cùng lại đến từ phản ứng của ông trước George Bush trong buổi tranh luận. Ông đã thở dài rất to và liên tục vì khó chịu mỗi khi vị thống đốc bang Texas khi đó phát biểu. Tiếng thở dài đó càng khiến Gore trở thành người kẻ cả, khó gần. Hành động này sau đó bị các kênh truyền hình đem ra châm biến và các phụ tá đã phải yêu cầu ông Gore xem những chương trình này trước khi bước vào cuộc tranh luận kế tiếp.
Michael Dukakis (phải) đã thua trong màn tranh luận với Bush
5. Tranh luận về án tử hình của Michael Dukakis
Vị thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis có lẽ sẽ cảm thấy tiếc nuối với cách mình trả lời câu hỏi về án tử hình trong cuộc đua năm 1988. Trong màn tranh luận với George H.W. Bush, ứng viên đảng Dân chủ được hỏi liệu ông có đồng ý tuyên án tử hình cho hung thủ đã hiếp và giết vợ mình. “Không, tôi không thích. Và có lẽ các bạn đều biết suốt cả đời mình tôi luôn phản đối án tử hình”.
Phản ứng của Dukakis ngay lập tức bị xem là quá lạnh lùng và thiếu cảm xúc mặc dù phóng viên CNN Bernard Shaw cũng đã bị chỉ trích vì đưa ra câu hỏi này. Sau buổi phỏng vấn tỷ lệ người ủng hộ Dukakis giảm hẳn và hầu hết các chính trị gia đều cho rằng câu trả lời đó đã khiến ông mất cơ hội trở thành tổng thống Mỹ.
Obama đã khéo léo vượt lên bà Hillary trong phiên tranh luận
6. Barack Obama: “Bà cũng đáng mến đấy, Hillary”
Trong cuộc chạy đua để trở thành ứng viên tổng thống năm 2008, Hillary Clinton và Barack Obama đã có những màn tranh luận nảy lửa. Trước câu hỏi mình sẽ nói gì với cử tri New Hampshire, những người thích bản lí lịch của bà nhưng lại cho rằng Obama đáng mến hơn, bà Clinton trả lời:
“Ồ, nó khiến tôi đau lòng”, bà Clinton phản ứng lại một cách hơi ngượng ngùng trước những tiếng cười phía dưới. “Nhưng tôi sẽ cố gắng sống chung với nó. Ông ấy quả là người rất đáng mến”, bà Clinton nói tiếp. “Tôi đồng ý với điều đó nhưng tôi không cho rằng mình lại tệ đến vậy”.
Tranh thủ phút lúng túng của bà Clinton, Obama đã ngước lên và nói chen vào: “Bà cũng đáng mến đấy Hillary” rồi tiếp tục chuẩn bị tài liệu. “Tôi đánh giá cao điều đó”, bà Clinton vừa cười vừa đáp lại. Và Obama đã chiến thắng để trở thành tổng thống thứ 44 của nước Mỹ.
Thanh Tùng
Theo ABC News