1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh cử Tổng thống Mỹ 2012: Tường trình từ “chảo lửa” Ohio

Chiến dịch tranh cử giữa đương kim Tổng thống Obama và ứng viên Đảng Cộng hòa Mitt Romney nóng hơn bao giờ hết khi nước Mỹ đang gần kề ngày quyết định, ngày 6/11.

Một gian vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Ảnh: Phương Thủy.

Một gian vận động tranh cử của đảng Dân chủ. Ảnh: Phương Thủy.

Theo kết quả thăm dò mới nhất, ông Romney đã lần đầu tiên bứt phá và thu hẹp dần khoảng cách dẫn điểm của Tổng thống Obama ở mức dưới 2%.

 

Ưu thế “đương nhiệm”
 

Trao đổi với đoàn phóng viên quốc tế tìm hiểu bầu cử Mỹ, hầu hết các chuyên gia phân tích đều nhận định đây sẽ là một trong những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sít sao nhất. Ông Jack Quinn - người đồng sáng lập và Chủ tịch Hiệp hội Quinnn Gillespie&Associates thuộc phe Dân chủ - cho rằng chính vì điều này, chi phí tranh cử của cả hai đảng đều đã tăng đến mức kỷ lục. “Hàng trăm triệu USD đang được cả phe Dân chủ và Cộng hòa tung ra cho các quảng cáo tranh cử, chủ yếu trên truyền hình, tại 9 bang còn dao động về lá phiếu (swing states) như Ohio, Florida, Wisconsin... để mong thay đổi ý kiến của các lá phiếu đại cử tri”.

Tuy nhiên, ông Quinn khẳng định Tổng thống Obama sẽ vẫn giành chiến thắng dù có thể chỉ với tỉ lệ dẫn điểm sít sao. Lý do mà ông Quinn đưa ra là vì ông Obama đang giành điểm từ các tầng lớp đồng tính, phụ nữ và các cử tri trẻ. Tổng thống Mỹ hiện có tỉ lệ người hâm mộ trên các mạng xã hội lớn nhất.

Về cặp đôi Mitt Romney-Paul Ryan của Đảng Cộng hòa, ông Quinn nhận xét: “Mitt Romney không phải là người biết kết nối với những người khác. Ông ta không có cuộc sống giống những người bình thường như tôi và các bạn. Ông ta chẳng bao giờ đi ra ngoài uống bia, hay trò chuyện vui vẻ với mọi người. Dư luận đã nói quá về “vũ khí tranh cử” Paul Ryan của Đảng Cộng hòa. Người dân Mỹ không tin Ryan. Ông ta có thể trẻ, đẹp trai, lôi cuốn và có kinh nghiệm về tài chính, nhưng lại đang nói dối về hệ thống bảo hiểm y tế Medicare”.

Ông Steve Baas – Phó Chủ tịch Hội đồng DN thành phố Milwaukee (Wisconsin) – cho rằng, ưu điểm và là thách thức của ông Obama chính là chức vụ Tổng thống đương nhiệm. Ông Baas nhấn mạnh một trong những đặc trưng của nền chính trị Mỹ chính là “sự nguyên trạng”. Kể từ Thế chiến II đến nay, chỉ có 3 tổng thống Mỹ thất bại trong tái tranh cử nhiệm kỳ hai. Người gần nhất là Tổng thống Đảng Cộng hòa George H.W.Bush (cha) mất ghế vào tay đối thủ Bill Clinton của phe Dân chủ năm 1992.

“Chảo lửa” Ohio

Sau khi chia làm 4 nhóm tỏa đến 4 bang dao động phiếu bầu (swing states) - được ví như “những tuyến lửa” trong bầu cử Mỹ - đoàn phóng viên gồm 22 nhà báo quốc tế tụ hội trở lại tại bang Ohio vào đúng ngày Tổng thống Obama có buổi diễn thuyết tranh cử tại thủ phủ Columbus. Đáng tiếc, nhóm đến Ohio sớm nhất cũng... chậm 1 giờ, sau khi ông Obama rời khỏi bang. Jeff - người tài xế da màu đến đón nhóm báo chí của tôi tại sân bay Columbus vào nửa đêm - tỏ ra tự hào vì vị trí chiến lược của bang Ohio trong bản đồ bầu cử Mỹ. “Nếu các bạn đến vào đầu giờ chiều sẽ khó vào được thành phố vì đông người. Xe của tôi cũng được điều động để đưa đón nhóm ông Obama” - ông nói.

Niềm tự hào của Jeff là hoàn toàn chính đáng. Ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2012 phải là người... thắng cuộc tại Ohio. Chưa có bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào từng nhậm chức Tổng thống Mỹ mà thua cuộc tại Ohio. Về phía đảng Dân chủ, duy nhất John F.Kennedy là người mất phiếu tại Ohio nhưng vẫn đắc cử tổng thống Mỹ. “Ohio là bang nắm lá phiếu quyết định ai sẽ là chủ nhân kế tiếp của Nhà Trắng” - ông Michael F.Curtin - nguyên Tổng Biên tập tờ Columbus Dispatch và hiện là ứng viên Dân chủ tranh cử vào nghị viện Ohio - khẳng định. Trong một chương trình gameshow ca nhạc sáng 22.9 của kênh truyền hình số 10TV, cứ 10 phút lại có một quảng cáo tranh cử. “Tỉ lệ tăng quảng cáo của 10TV trong năm bầu cử 2012 so với năm trước đó là 100%. Các bạn biết đấy, 10TV là kênh có tỉ lệ khán giả cao nhất của Ohio” - ông Thomas C.Griesdorn - Tổng Giám đốc 10TV nói với tôi.

45.000 và 4.500

Dĩ nhiên, Đảng Cộng hòa đánh giá không mấy tích cực cho buổi diễn thuyết của ông Obama. “Chỉ cần so sánh con số 45.000 người tham dự cuộc vận động tranh cử của ông Obama tại Columbus hồi năm 2008 với con số 4.500 người tuần vừa rồi là đủ thấy cử tri Mỹ đánh giá như thế nào về tổng thống” - ông Matthew J.Borges - GĐ điều hành Văn phòng Đảng Cộng hòa tại Ohio – cho hay.

Nền kinh tế yếu kém chính là “gót chân Asin” của ông Obama trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai. Trong quảng cáo tranh cử mới nhất tung ra vào giữa tháng 9, phe Cộng hòa đưa ra hàng loạt thống kê ảm đạm như: “Thu nhập hộ gia đình Mỹ giảm 4.000USD mỗi năm”, “Nợ quốc gia: 16.000 tỉ USD và vẫn còn tăng”...

Thậm chí, các quảng cáo bầu cử của Đảng Cộng hòa còn lấy luôn bài diễn văn hùng hồn của cựu Tổng thống Bill Clinton, vốn đã giúp ông Obama giành điểm sau Đại hội Đảng Dân chủ hồi đầu tháng 9, làm mũi dùi tấn công. “Khi nền kinh tế xuống dốc và có nguy cơ thất bại trong tranh cử, ông Barack Obama phải cầu viện người tiền nhiệm Clinton. Ông ấy (Clinton) chỉ là một người lính hết lòng giúp đỡ tổng thống của đảng mình. Nhưng Bill Clinton đã nói gì về Obama năm 2008?”. Đoạn video tranh cử tiếp tục: “23 triệu người Mỹ đang vật lộn tìm việc làm. Tầng lớp trung lưu đã bị đẩy vào khó khăn”.

Ngay tiếp đó, vang lên giọng của cựu Tổng thống Bill Clinton chỉ trích ông Obama trong chiến dịch tranh cử ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ với bà Hillary Clinton hồi năm 2008: “Cho tôi xin! Toàn bộ những lời hứa này chỉ là chuyện cổ tích mà thôi”.

Trong chương trình truyền hình mới phát sóng tối chủ nhật, đạo diễn Hollywood kỳ cựu Clint Eastwood lên tiếng: “Tôi muốn hỏi vì sao ông Obama không giữ tất cả những lời hứa mà ông ấy đã đưa ra”. “Tổng thống Obama là người chơi khăm hay nhất đối với người dân Mỹ. Romney và Ryan chắc chắn sẽ điều hành đất nước tốt hơn nhiều” – ông Clint Eastwood nói thêm.

Cơ hội mong manh của ông Romney

Bên trong văn phòng tranh cử của Đảng Cộng hòa đặt tại một dãy phố nhỏ tĩnh lặng ở thành phố Milwaukee, Samantha Machart – người phụ trách văn phòng tranh cử – tất bật bên điện thoại. Từ tháng 7 đến nay, Machart làm việc 7 ngày/tuần, 12 tiếng/ngày cùng các tình nguyện viên (TNV) quảng bá cho ứng viên Mitt Romney.

“Chúng tôi gọi điện đến từng nhà để hỏi về ý định bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Nếu chủ thuê bao không trả lời, các TNV sẽ đến từng nhà” – Machart nói.

Đầu mục công việc của các TNV là thu thập thông tin, phát tờ rơi và hỏi ý kiến người dân về việc họ sẽ bầu cho ai. Từ đây, thông tin sẽ được nhập vào hệ thống và gửi về tổng hành dinh ở Boston để xử lý và đưa ra khuyến nghị với ông Mitt Romney về những khu vực tranh cử nóng bỏng mà ông cần tới. Khó khăn lớn nhất, đối với Machart, là nhiều người Mỹ không thích bị quấy rầy. “Khi gọi đến, số máy bàn sẽ hiện rõ tên văn phòng tranh cử Đảng Cộng hòa, nên nhiều người dân đơn thuần không nhấc máy, hoặc họ nhấc lên và dập luôn xuống” - cô nói.

Tại bang lân cận Ohio, Matthew J.Borges đang điều hành chiến dịch tranh cử của văn phòng Đảng Cộng hòa tại thủ phủ Columbus, nơi ông phụ trách và kết nối gần 2.000 TNV tham gia phát tờ rơi, thực hiện chiến dịch tiếp xúc trực tiếp từng cử tri, gõ cửa từng nhà để vận động bầu cử cho ông Romney. Borges còn đảm nhận việc lên kế hoạch tổ chức các cuộc tuần hành và thuyết trình tranh cử cho các ứng viên Cộng hòa tại Columbus. “Tôi hoàn toàn tin tưởng vào cơ hội chiến thắng của ông Romney. Bởi đến giờ, Tổng thống Barack Obama vẫn chỉ thúc giục người dân Mỹ phải tin vào giấc mơ mà ông ấy đã đưa ra từ 4 năm trước. Nhưng liệu thực sự cuộc sống của người dân Mỹ có tốt hơn? Câu trả lời là không!” - Borges nói.

Ông Borges cũng than phiền về việc các phương tiện truyền thông tại Mỹ quá ưu ái đưa tin tích cực về đương kim Tổng thống Obama, trong khi thường xuyên công kích phe Cộng hòa. “Báo chí không phải là đồng minh của chúng tôi” - ông Borges nói. Tuy nhiên, GĐ điều hành văn phòng Cộng hòa tại Columbus vẫn khẳng định “cử tri Mỹ không còn tin vào những lời hứa của ông Obama”. Trái với sự tự tin của Borges, ông Machart - GĐ văn phòng Đảng Cộng hòa tại Milwaukee - lại chần chừ khi được hỏi về cơ hội chiến thắng của ứng viên Đảng Cộng hòa: “Còn quá sớm để nói lên điều gì”.

 

Theo Tô Phương Thủy (Từ Ohio, Mỹ)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm