1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh luận trực tiếp - phép thử của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Hai ngày nữa, tại Mỹ sẽ chính thức khởi động vòng tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên Tổng thống: Barack Obama và Mitt Romney. Dù không mang tính đấu loại trực tiếp, nhưng đây được xem như phép thử trước khi hai bên bước lên “sàn đấu” chính thức ngày 6/11 tới.

Tranh luận trực tiếp – phép thử của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên của đảng Cộng hòa Mitt Romney – ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới?


Mặc dù đang giành được nhiều sự ủng hộ hơn đối thủ, song đương kim Tổng thống Obama vẫn phải vật lộn để khôi phục những cảm xúc mạnh mẽ và sự hứng khởi mà dân chúng từng dành cho ông cách đây 4 năm, yếu tố quyết định giúp ông thẳng tiến vào tòa Bạch Ốc trên đồi Capitol.

Trong khi đó, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng đang nỗ lực nắm bắt cơ hội cuối cùng, cũng là cơ hội tốt nhất, để “tiếp lửa” cho chiến dịch tranh cử của mình sau tháng 9 với nhiều thất bại không mong muốn.

Theo kế hoạch, cuộc tranh luận đầu tiên sẽ diễn ra ngày 3/10 tại Denver với chủ đề chính tập trung vào các chính sách đối nội. Tiếp đó, ngày 16/10, hai ứng cử viên sẽ tiếp tục tranh luận tại Hempstead ở thành phố New York trước khi có cuộc tranh luận cuối cùng tại Boca Raton ở bang Florida vào ngày 22/10 tới.

Trong khi đó, hai “phó tướng” của ông Obama và Romney là Phó Tổng thống Joe Biden và TNS Paul Ryan cũng sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp riêng vào ngày 11/10 ở Danville, bang Kentucky.

Trong số hàng trăm lần xuất hiện trong các chiến dịch tranh cử, hàng nghìn các chương trình quảng cáo chính trị và hàng tỷ USD đầu tư vào cuộc tranh cử, các cuộc tranh luận trực tiếp là thời khắc mang tính quyết định nhất. Dự đoán mỗi cuộc tranh luận sẽ thu hút khoảng 50 triệu người theo dõi, lượng khán giả lớn nhất trong năm nếu chỉ tính trong lĩnh vực chính trị. Điều này càng làm tăng thêm tầm quan trọng và gay cấn của các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình.

Tạo hứng khởi cho gương mặt cũ

Trong vòng tranh luận trực tiếp, ông Obama có một lợi thế rất lớn trước đối thủ khi ông đang ở vị trí đương kim Tổng thống, có thể tiếp cận mọi nguồn thông tin cần thiết để phục vụ cho các lập luận đanh thép của mình nhằm nuôi dưỡng giấc mơ lưu lại Nhà Trắng nhiệm kỳ hai.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, lợi thế này cũng chính là trở ngại đối với Obama khi ông không còn là gương mặt mới như trong cuộc tranh cử năm 2008. Các cử tri Mỹ sẽ trông đợi ở ông nhiều hơn, sẽ có cái nhìn khe khắt hơn và khó có thể dành cho ông hai chữ “cảm thông” nếu như ông tỏ ra thiếu sức thuyết phục.

Vì vậy, trong các vòng tranh luận trực tiếp bắt đầu từ thứ Tư tuần này, ông phải thuyết phục những cử tri Mỹ còn nhiều hoài nghi rằng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, ông có đủ quyết tâm và khả năng hoàn thành nốt những gì không kịp thực hiện trong nhiệm kỳ đầu, đồng thời sẽ nỗ lực khôi phục hoàn toàn kinh tế Mỹ. Sự thuyết phục này chỉ có được khi ông Obama chứng minh được rằng ông có câu trả lời thực sự cho những vấn đề chưa được giải quyết cũng như những vấn đề còn nhiều bất ổn.

Trước đó, trong nhiều cuộc vận động tranh cử tại các bang, ông Obama từng cam kết và hứa hẹn rằng nếu các cử tri Mỹ cho ông thêm một cơ hội nữa, ông sẽ không chỉ làm “thay đổi” (Change) nước Mỹ mà sẽ đưa đất nước “tiến lên phía trước” (Forward) đúng như khẩu hiệu tranh cử lần này.

Tạo niềm tin cho gương mặt mới

Trong khi đó, dù có xuất phát điểm thấp hơn chút đỉnh cho với đối thủ Obama, song ứng cử viên Romney của đảng Cộng hòa không được phép tỏ ra yếu thế, chí ít là trong biểu hiện bên ngoài.

Ông Romney sẽ phải tận dụng tối đa “sự mới mẻ” của mình để gây ấn tượng với các cử tri, làm cho họ tin tưởng rằng ông là lựa chọn đáng tin cậy cho vị trí tổng thống và rằng, ông có kế hoạch tốt hơn để củng cố nền kinh tế.

Nói cách khác, ông Romney cần thể hiện “tính cách và sự chín chắn phù hợp với vị trí Tổng thổng của nước Mỹ”.

Trong một tuyên bố mới đây, chính trị gia, doanh nhân 65 tuổi này miêu tả mình sẽ là “chỉ huy trưởng sẵn sàng chèo lái nước Mỹ thành quốc gia hùng mạnh và thịnh vượng”. Cựu Thống đốc bang Massachussettes cũng tuyên bố sẽ ưu tiên cao nhất cho vấn đề tạo việc làm, thúc đẩy doanh nghiệp tự do, cắt giảm nợ công hiện đã lên mức kỷ lục 16.000 tỷ USD và cải thiện quan hệ với Israel nếu ông được bầu làm Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.  

Và những cái khó của cả hai

Theo kết quả thăm dò dư luận công bố ngày 24/9/2012 của trường Đại học George Washingto, Tổng thống Obama hiện đang dẫn trước đối thủ Mitt Romney với tỷ lệ 50% - 47%. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Obama đạt ngưỡng quan trọng 50%, trong khi tỷ lệ cử tri có thiện cảm với ông Romney đã giảm từ 49% xuống 47%.

Theo Giáo sư Wayne Fields chuyên nghiên cứu thuật hùng biện chính trị của trường Đại học Washington ở St.Louis dù lớn tiếng chỉ trích Obama song các cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tới đây sẽ là nhiệm vụ không dễ dàng đối với “tân binh” Mitt Romney.

“Xét trên nhiều khía cạnh, ông Romney đang chịu nhiều gánh nặng hơn. Câu hỏi đặt ra hiện nay là không hiểu ông ấy đã sẵn sàng cho công việc này chưa?”, Giáo sư Fields băn khoăn.

Ý thức được thế khó của ông Romney, đảng Cộng hòa đang tỏ ra rất lo lắng nếu như ứng cử viên của của mình không giành được chiến thắng, hay chí ít là ấn tượng tốt đẹp, trong cuộc tranh luận đầu tiên mang tính quyết định này. Bởi theo nhận định của đảng Cộng hòa cũng như các nhà phân tích chính trị kỳ cựu, nếu bị thất thế ngay trong “buổi ra quân” đầu tiên, ông Romney sẽ tiếp tục đà đi xuống và đánh mất cơ hội lấy lại được động lực cho các buổi “khẩu chiến” tiếp theo.

Các nhà tài trợ và các chiến lược gia cũng lo ngại khả năng sẽ có một số thành viên trong đảng Cộng hòa, vì quá thất vọng trước những thành tích nghèo nàn của ông Romney trong thời gian qua, sẽ quay sang chỉ trích ông hay thậm chí quay lưng lại với ông khiến Romney càng mất tinh thần trước khi bước vào trận quyết đấu.  

Theo Steve Lombard, chuyên gia thăm dò dư luận của đảng Cộng hòa và là người từng làm việc cho Romney năm 2008, ông Romney đang chịu áp lực cao hơn so với Tổng thống Obama trong các cuộc tranh luận sắp tới.

“Ông Romney không những phải làm tốt mà còn cần phải giành chiến thắng quyết định. Nếu Romney chỉ làm ngang bằng với đương kim Tổng thống thì điều đó là chưa đủ”, ông Lombard nói.

Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Obama đang giành được thành công tại những bang có tính cạnh tranh cao nhất. Do đó, ông Romney phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nhằm đảo ngược tình thế trong các cuộc tranh luận trực tiếp, đặc biệt là tại các bang còn dao động. Theo luật bầu cử Mỹ, các bang dao động (chưa quyết định sẽ ủng hộ đảng Dân chủ hay Cộng hòa) sẽ quyết định kết quả cuộc tranh cử Tổng thống vì Tổng thống được lựa chọn thông qua các cuộc đua ở từng bang chứ không phải do cử tri cả nước trực tiếp bầu ra.

Trong bối cảnh các cuộc bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu vắng mặt đang được thực hiện ở hơn một nửa số bang tại Mỹ, bất kể ấn tượng nào được tạo ra trong các cuộc tranh luận cũng sẽ trở thành những ấn tượng cuối cùng và những gì các ứng cử viên nói ra chắc chắn sẽ trở thành đề tài thu hút được sự quan tâm lớn nhất.

Thế nhưng đôi khi nội dung nói chưa chắc đã quan trọng bằng cách nói.

“Thị giác bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm hơn thính giác. Chúng ta thường có xu hướng nhớ những gì mà chúng ta nhìn thấy lâu hơn là những ngôn từ mà chúng ta nghe được”, Giáo sư Alan Schroeder của trường Đại học Đông Bắc, người đang viết cuốn sách về lịch sử các cuộc tranh luận trong tranh cử Tổng thống Mỹ nói.

“Các ứng cử viên tươi cười hay nhăn nhó, tấn công một cách tự tin hay chỉ phòng thủ, nói bằng giọng sang sảng hay căng thẳng, tất cả sẽ được người xem chú ý. Điều này đặc biệt đúng đối với những cử tri còn do dự chưa biết lựa chọn ứng cử viên nào, cũng như những cử tri sẵn sàng thay đổi sự lựa chọn của họ”, Giáo sư Schroeder nói thêm.

Patti Wood, chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể làm việc tại Atlanta, cũng cho rằng, bên cạnh những cử tri kiên định với lựa chọn của mình cũng sẽ có những người đi theo xu hướng ít tính đảng phái hơn.

“Với những người còn đang lo ngại cho cuộc sống của họ và những người cảm thấy không được an toàn, họ sẽ chọn người có sức lôi cuốn hơn", bà Wood nhận định.

Cũng theo bà Wood, về mặt này, cả hai ứng cử viên đều có những thách thức lớn cần vượt qua.

“Ông Obama, 51 tuổi, gần đây tỏ ra rất mệt mỏi và căng thẳng. Còn ông Romney, 65 tuổi, lại không thể tỏ ra mãnh mẽ và giỏi giang hơn”, bà nói.

Tất nhiên, nếu đánh giá một cách tổng quan, cả ông Obama và Romney đều là những nhà tranh luận giỏi và có kinh nghiệm. Cả hai người đều tỏ ra đánh giá cao đối thủ, đề cao kỹ năng của người kia và đánh giá thấp khả năng tranh luận của chính mình.

Trong một phát biểu gần đây, ông Romney đã miêu tả Tồng thống Obama là "người có khả năng thể hiện quan điểm" trong các cuộc tranh luận năm 2008. Tuy nhiên, ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa cũng nói thêm rằng ông Obama “không thể giành chiến thắng chỉ bằng lời lẽ, bởi những thành tích của ông mới là điều chúng ta quan tâm”.

Đáp lại, bà Jen Psaki - phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Obama - cũng nói rằng ông Romney đang "tập trung hơn bất kỳ ứng cử viên Tổng thống nào trong lịch sử hiện đại" để chuẩn bị cho các cuộc tranh luận sắp tới.

Xuất phát từ những lợi tán tụng (chưa biết có bao nhiêu phần trăm sự thật) này, dư luận nước Mỹ và cả những người quan tâm đến tình hình chính trị thế giới đều đang rất nóng lòng hướng tới các cuộc tranh luận trực tiếp tới đây giữa hai ông Obama và Mitt Romney.  Người ta muốn biết hai ứng cử viên tổng thống sẽ tận dụng các cuộc tranh luận này như thế nào để lôi kéo sự ủng hộ về phía mình, mỗi bên sẽ tung ra những “ngón đòn” gì để hạ gục đối phương và làm thế nào cho người dân Mỹ thấy rằng họ mới xứng đáng là chủ nhân tương lai của Nhà Trắng.  

Trong phát biểu mới nhất ngày 30/9 tại thành phố Las Vegas, ông Obama cho biết ông chờ đợi một “cuộc tranh luận nghiêm túc” với đối thủ Mitt Romney. Đây cũng là điều mà cử tri Mỹ mong muốn được chứng kiến trong các buổi tranh luận trực tiếp tới đây vì trên thực tế, họ đang đứng trước sự lựa chọn không phải là đảng Dân chủ hay Cộng hòa, mà là lựa chọn con đường tương lai của nước Mỹ.

Đức Vũ