Những hoạt động ngoại giao đầu tiên của ông Kim Jong-un chinh phục thế giới
(Dân trí) - Chỉ trong vòng 1 năm, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã khá thành công trong việc xây dựng hình ảnh, khẳng định vị thế trên trường quốc tế với hàng loạt hoạt động ngoại giao chưa từng có như lần đầu tiên công du nước ngoài, lần đầu tiên họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ.
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên
Tháng 3/2018, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm không chính thức đến Trung Quốc, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011. Cuộc hội đàm giữa ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được cho là cuộc hội đàm đầu tiên với một nguyên thủ nước ngoài.
Ông tiếp tục gây bất ngờ với liên tiếp các chuyến thăm Trung Quốc sau đó, tổng cộng 4 chuyến thăm trong vòng 1 năm. Các chuyến công du này đều gắn với những sự kiện ngoại giao mang tính bước ngoặt của Triều Tiên với Hàn Quốc và Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên
Cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở khu phi quân sự liên Triều hồi tháng 4/2018. (Ảnh: Reuters)
Trong một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng, ông Kim Jong-un đã chủ động phát đi tín hiệu sẵn sàng đối thoại với Hàn Quốc. Trong thông điệp năm mới 2018, ông Kim Jong-un bày tỏ thiện chí cử một phái đoàn tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang ở Hàn Quốc và sẵn sàng đàm phán để giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Một “chương mới trong quan hệ liên Triều” đã mở ra khi ông Kim Jong-un nhận lời tiến hành hội nghị thượng đỉnh liên Triều với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở khu phi quân sự liên Triều vào tháng 4/2018. Ông Kim cũng trở thành lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên trong 65 năm bước qua đường ranh giới quân sự sang Hàn Quốc.
Ông Kim Jong-un nói: "Khi đến đây, tôi nghĩ, tại sao đến đây lại khó như thế? Đường ranh giới không cao đến mức không thể bước qua được. Bước qua đường ranh giới quá dễ và chúng ta mất 11 năm để làm được điều đó".
Sau cái bắt tay lịch sử ở biên giới liên Triều, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm và ra một tuyên bố chung cam kết thực hiện mục tiêu chung giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Cuộc hội đàm lịch sử này đã mở đường cho các hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp sau đó và cũng mở đường cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa ông với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore hồi tháng 6/2018.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Mỹ
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6/2018. (Ảnh: Reuters)
Sau nhiều lần kế hoạch thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên cứ chốt rồi lại hủy, cuối cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp thượng đỉnh lần đầu tiên vào ngày 12/6/2018 tại Singapore trước sự quan tâm đặc biệt của thế giới.
Hội nghị diễn ra trước sự bất ngờ của cả thế giới khi mà chỉ vài tháng trước đó, người ta vẫn còn nghi ngại một cuộc xung đột quân sự lớn trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi Bình Nhưỡng cảnh báo dội "mưa" tên lửa vào Mỹ, Tổng thống Trump cũng tuyên bố sẵn sàng "phá hủy" Triều Tiên.
Song rốt cuộc, thế giới không còn thấy bất cứ vụ thử tên lửa, hạt nhân nào của Triều Tiên, thay vào đó là hình ảnh ông Kim Jong-un tươi cười với cái bắt tay lịch sử với Tổng thống Trump tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Triều Tiên hội đàm với một tổng thống đương nhiệm của Mỹ.
Giới quan sát nhận định Kim Jong-un, 34 tuổi, đã ghi dấu ấn bằng phong cách ngoại giao tự tin, không lép vế trước nguyên thủ một quốc gia hàng đầu thế giới.
Tại hội nghị, hai nhà lãnh đạo đã ký một thỏa thuận với cam kết hướng tới mục tiêu giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ dỡ bỏ trừng phạt cho Triều Tiên. Mặc dù những cam kết trên bị cho là vẫn mơ hồ, chưa cụ thể, song hội nghị đã mở đường cho các hoạt động nhằm cải thiện quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington và tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 tới. Hội nghị được kỳ vọng sẽ đưa ra những bước đi cụ thể hơn nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Minh Phương
Theo CNTG