Những giờ phút "cân não" của nhóm giải cứu đội bóng Thái Lan
(Dân trí) - Để giải cứu thành công 13 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan mắc kẹt trong hang, các thợ lặn quốc tế và giới chức Thái Lan đã cân nhắc để đưa ra những quyết định không hề dễ dàng.
Cuộc gọi định mệnh
Bác sĩ người Australia Richard “Harry” Harris và cộng sự Craig Challen là hai trong số những thợ lặn được ca ngợi như những người hùng giúp giải cứu 13 thành viên đội bóng Lợn Rừng mắc kẹt hơn 2 tuần trong hang Tham Luang, tỉnh Chiang Rai của Thái Lan.
Tuy nhiên, chỉ suýt chút nữa ông Challen đã không thể tham gia chiến dịch giải cứu này nếu để lỡ cuộc gọi quan trọng từ chính phủ Thái Lan nhờ giúp đỡ.
"Khi đó tôi sắp xếp hành lý chuẩn bị cho chuyến đi tới Nullarbor. Tôi và Harry sẽ tới đó vào ngày hôm sau. Và tôi chỉ có 45 phút để tới sân bay. Nhưng rồi, cuối cùng tôi phải bỏ lại hành lý, sắp xếp lại những trang thiết bị cần dùng để sẵn sàng cho chuyến đi (tới Thái Lan)", ông Challen nói.
Những giờ phút “cân não”
Thiếu tá Charles Hodges, chỉ huy đơn vị tác chiến đặc biệt 353 của Không quân Mỹ cho biết, đội cứu hộ đã có những giờ phút căng thẳng để đưa ra các phương án giải cứu 13 thành viên đội bóng và phương án thợ lặn kèm cầu thủ ra ngoài là lựa chọn cuối cùng.
Ông Hodges cho biết, phương án tiếp tế để đội bóng bám trụ trong hang đến khi mùa mưa kết thúc trong vòng 4-5 tháng không khả thi.
"Nếu tính tối thiểu 1 bữa mỗi ngày thì chúng tôi cần tính đến việc tiếp tế khoảng 1.800 bữa ăn vào bên trong. Không gian bên trong hang không đủ để một lúc có thể tiếp tế tới 1.800 bữa ăn, nghĩa là chúng tôi sẽ phải tiến hành 18 đợt lặn tiếp tế. Chúng tôi hiểu rằng đó không phải là phương án khả thi bởi mưa sẽ nhanh chóng trút xuống trước khi chúng tôi hoàn tất", ông Hodges nói.
Theo quan chức này, đội cứu hộ đã đưa ra rất nhiều phương án giải cứu như khoan trần hang, đặt các cầu thủ vào túi nilong có bơm dưỡng khí, nhưng cuối cùng phương án thợ lặn kèm cặp các em ra ngoài được đánh giá là khả thi nhất khi họ phải chạy đua với thời gian, chạy đua với nước.
Để đảm bảo an toàn cho cầu thủ và thợ lặn trong phương án giải cứu được đánh giá là nhanh nhất, khả thi nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất, các thợ lặn đã phải diễn tập cứu hộ trẻ em tại bể bơi một trường học gần đó.
Cuộc giải cứu "nghẹt thở"
Thượng sĩ Derek Anderson thuộc Không quân Mỹ cho biết, để sẵn sàng đưa các cầu thủ ra ngoài, nhóm của ông và các chuyên gia khác trong đội cứu hộ đã phải tập dượt giải cứu với các trẻ em địa phương tại một bể bơi của một trường học gần hang Tham Luang. "Chúng tôi đã đề nghị lực lượng SEAL của Hải quân Thái Lan rằng chúng tôi muốn kết nối với một số em nhỏ trong vùng cùng độ tuổi, vóc dáng, sau đó chúng tôi sẽ đeo những thiết bị này lên người các em để thử. Bọn trẻ đã vui vẻ giúp đỡ. Chúng tôi và các thợ lặn đã tập dượt", ông Anderson nói.
Jason Mallinson, thành viên đội bơi khám phá hang động của Anh, cũng cho biết họ cũng tập dượt với chính các cầu thủ của đội bóng ở trong hang.
Ông chỉ ra hai rủi ro lớn nhất khi đưa các cầu thủ ra ngoài. "Hai rủi ro lớn nhất có thể giết chết bọn trẻ đó là không may mặt nạ dưỡng khí bị tuột ra, nước tràn vào bên trong, mà chúng tôi thì không thể xử lý khi ở dưới nước. Chúng tôi không có thiết bị dự phòng cho chúng. Rủi ro nữa là nếu bình dưỡng khí cạn kiệt", ông Malllinson nói.
“Bọn trẻ không biết chuyện gì đang xảy ra”
Sau khi quyết định phương án thợ lặn đưa cầu thủ ra ngoài cũng là lúc đội cứu hộ tính đến phương án dùng thuốc an thần cho các em khi được kéo ra.
"Bọn trẻ phải uống thuốc an thần. Chúng tôi phải tìm cách để giúp chúng không hoảng loạn. Nếu hoảng loạn, điều đó sẽ nguy hại cho cả bọn trẻ và thợ lặn", ông Challen cho biết với Telegraph ngày 15/7.
Thợ lặn người Tây Ban Nha Fernando Raigal xác nhận với Dailymail rằng, các cầu thủ đều được dùng thuốc an thần và không biết chuyện gì xảy ra khi được các thợ lặn kéo ra ngoài bằng cáng qua đoạn hang hơn 1km ngập nước.
Cảnh sát Thái Lan cuối tuần trước cũng chia sẻ trên tài khoản Facebook: "Các em không cần phải làm gì cả, chỉ cần mặc đồ lặn, ở yên, thở, ngủ và sẽ được mang ra".
Thái Lan cấp quy chế miễn trừ ngoại giao cho 2 thợ lặn Australia
Hai thợ lặn người Australia tham gia nhiệm vụ giải cứu các thành viên đội bóng thiếu niên mắc kẹt trong hang Tham Luang đã được Thái Lan cấp quyền miễn trừ ngoại giao đề phòng trường hợp nỗ lực cứu hộ thất bại.
Kênh ABC (Australia) đưa tin, 2 chuyên gia lặn người Australia Richard Harris và Craig Challen dường như đã được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao trước khi cuộc giải cứu bắt đầu.
Theo ABC, một nguồn tin nội bộ cho hay chính phủ Australia và Thái Lan đã thương lượng để cấp quyền miễn trừ ngoại giao cho 2 ông Harris và Challen nhằm bảo vệ họ khỏi việc có thể bị truy tố nếu có rủi ro xảy ra trong nhiệm vụ giải cứu căng thẳng.
Bộ Ngoại giao Australia từ chối đưa ra bình luận về thông tin trên, cho biết các quan chức Thái Lan là người chịu trách nhiệm về việc lên kế hoạch và thực thi chiến dịch giải cứu.
Bác sĩ Richard Harris, 53 tuổi, được cho là là một trong những người đóng vai trò chủ chốt, quyết định trong kế hoạch giải cứu đội bóng thiếu niên. Ông đã đáp máy bay đến Thái Lan tham gia chiến dịch cùng với gần 20 thợ lặn của Australia.
Bác sĩ Harris đã trực tiếp thảo luận kế hoạch giải cứu đội bóng cùng với lực lượng Đặc nhiệm Hải quân Thái Lan và nhóm cứu hộ quốc tế trước khi 18 thợ lặn bắt đầu vào hang để giải cứu các em nhỏ vào sáng 8/7.
Ông đã trực tiếp vào trong hang để đánh giá tình hình sức khỏe của các cầu thủ. Sau đó, ông cũng chính là người thuyết phục giới chức Thái Lan thay đổi kế hoạch giải cứu đội bóng vào phút chót. Cụ thể, ông cho rằng nên đưa những thiếu niên có thể trạng yếu nhất ra đầu tiên, tránh trường hợp các em sẽ bị nguy kịch trong điều kiện tối tăm, ẩm ướt, thiếu oxy trong hang.
Ông Challen cho rằng chiến dịch mà ông phối hợp cùng với đặc nhiệm Thái Lan là “nhiệm vụ sinh tử” vì toàn bộ các chuyên gia và lực lượng cứu hộ đều không thể chắc chắn được liệu họ có thể cứu thoát được toàn bộ 13 người ra khỏi hang an toàn hay không.
Các thợ lặn cho biết họ đã diễn tập trước với trẻ em địa phương ở một hồi bơi gần đó, trước khi hướng dẫn các cầu thủ nhí làm quen với việc mặc đồ và đeo mặt nạ lặn.
Việc đưa các em nhỏ lách qua khe hẹp trong điều kiện tăm tối và nước đầy bùn đất là một trong những nhiệm vụ đầy thách thức. Thợ lặn người Anh Jason Mallinson nói với ABC rằng ông chỉ có thể phát hiện ra khu vực chật hẹp khi đầu ông va vào trần bên trên.
Mallinson cho biết ông tự tin có thể đưa các thiếu niên ra ngoài, nhưng không hoàn toàn chắc chắn rằng liệu các cầu thủ nhí có còn sống hay không. “Vì nếu chúng tôi đẩy các cầu thủ quá mạnh, có thể va vào đá và làm mặt nạ của các thiếu niên bị hỏng, khiến nước tràn vào thì điều đó có nghĩa là cậu bé ấy sẽ ra đi. Chúng tôi không có thiết bị dự phòng cho các cậu bé trong trường hợp đó”.
Theo cơ quan y tế Thái Lan, hiện sức khỏe của 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên đã dần hồi phục.
Đức Hoàng
Minh Phương
Theo News.com.au