1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thợ lặn tiết lộ lý do dùng thuốc an thần với các cầu thủ nhí Thái Lan

(Dân trí) - Những thông tin liên quan tới chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan dần được các thợ lặn tiết lộ, bao gồm cách thức đưa các cầu thủ nhí ra khỏi hang an toàn.

Hành trình gian nan của đội cứu hộ trong hang Tham Luang

Tâm lý nhẹ nhõm

Thợ lặn Anh Rick Stanton tham gia cứu hộ đội bóng tại hang Tham Luang (Ảnh: Getty)
Thợ lặn Anh Rick Stanton tham gia cứu hộ đội bóng tại hang Tham Luang (Ảnh: Getty)

Sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên tại Thái Lan, các thợ lặn Anh hôm qua 12/7 đã trở về nước và chia sẻ những thông tin liên quan tới chiến dịch này với truyền thông. Rick Stanton, lính cứu hỏa nghỉ hưu, đã có mặt tại sân bay Heathrow ở ngoại ô thủ đô London với các thợ lặn khác gồm Josh Bratchley, Chris Jewell, Connor Roe và Jim Warny cùng các chuyên gia cứu hộ hang động Mike Clayton và Gary Mitchell.

Cùng với John Volanthen, Rick Stanton là một trong hai thợ lặn đầu tiên tìm thấy đội bóng Thái Lan trên một mô đất sau 9 ngày bị mắc kẹt trong hang. Stanton nói rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm khi đếm đủ 13 người có mặt trong hang vào thời điểm đó.

“Ban đầu, tất nhiên, là cảm xúc phấn khởi và nhẹ nhõm khi biết họ vẫn còn sống. Khi họ tiến lại gần mô đất, chúng tôi bắt đầu đếm cho tới khi đủ hết 13 người. Thật không thể tin được”, Stanton nhớ lại cảm xúc khi phát hiện toàn bộ đội bóng Thái Lan vẫn còn sống trong hang Tham Luang.

“Chúng tôi mang cho họ thêm một chút ánh sáng. Họ vẫn còn ánh sáng. Sức khỏe của họ vẫn tốt. Sau đó khi chúng tôi rời đi, tất cả những gì chúng tôi suy nghĩ là làm thế nào để đưa họ ra khỏi hang. Tâm lý nhẹ nhõm trộn lẫn với sự bất an”, Stanton nói thêm.

Cuộc trò chuyện đầu tiên của đội bóng Thái Lan sau 9 ngày mắc kẹt

Tuy nhiên, thợ lặn Anh từ chối kể chi tiết về việc nhóm cứu hộ của anh đã giải cứu đội bóng Thái Lan như thế nào.

“Điều quan trọng nhất là cần phải có mặt nạ che kín mặt với áp suất đủ để cho phép bọn trẻ thở cũng như đủ sự thoải mái để chúng không cảm thấy có bất kỳ sự lo lắng nào trong quá trình cứu hộ”, Stanton nói.

“Có rất nhiều sự hỗn loạn, nhưng do chúng tôi tập trung vào công việc nên đã vượt qua tất cả và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ từng bước một cho tới khi đạt được thành công. Chúng tôi có phải là anh hùng không ư? Không, chúng tôi chỉ đang vận dụng các kỹ năng chuyên sâu mà thông thường chúng tôi dùng để phục vụ cho chính lợi ích của mình, và đôi khi chúng tôi sử dụng chúng để phục vụ cộng đồng”, Stanton cho biết.

Trong khi đó, thợ lặn Jewell tiết lộ rằng điều kiện lặn trong hang Tham Luang “cực kỳ thử thách”.

“Chính quyền Thái Lan đã triển khai nhiều cách để chuyển hướng các con sông chảy từ trên đỉnh núi và cách làm này đã giúp chúng tôi có thêm thời gian để đạt được kết quả cứu hộ”, Jewell chia sẻ.

Vai trò của chuyên gia nước ngoài

thai 1

Các thợ lặn nước ngoài tham gia chiến dịch giải cứu đội bóng Thái Lan (Ảnh: Reuters)

Là một nhà thám hiểm hang động sống ở Chiang Rai, Vern Unsworth đã có công trong việc kết nối chính quyền Thái Lan với các chuyên gia Anh. Vern đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch giải cứu đội bóng Lợn Rừng khi vận dụng chính những kiến thức sâu rộng của ông về hệ thống hang Tham Luang. Vern mô tả Tham Luang như “ngôi nhà thứ hai” sau khi dành tới 6 năm để khám phá hang động này. Trước đó, Vern từng tham gia vào các chiến dịch giải cứu hang động ở Anh, tuy nhiên chưa lần nào có quy mô lớn như tại hang Tham Luang.

Chính Vern ban đầu là người đã phán đoán vị trí mà ông cho rằng 13 người mắc kẹt đang đứng trong hang Tham Luang. Đội bóng sau đó được tìm thấy chỉ cách vị trí này khoảng 200m.

Trước đó, nhiều người đã lên tiếng chỉ trích huấn luyện viên đội bóng Lợn Rừng vì đã dẫn các cầu thủ nhí vào hang Tham Luang khi bất chấp cảnh báo mùa mưa sắp đến. Tuy nhiên theo Vern, việc nước lũ tràn vào hang là không thể đoán trước vì đến sớm hơn so với năm ngoái từ 3-4 tuần.

“Bọn trẻ chỉ là không may mắn thôi. Sai thời gian, sai địa điểm. Mưa lũ ập đến rất nhanh. Bạn không thể đổ lỗi cho huấn luyện viên, cũng không thể đổ lỗi cho bọn trẻ”, chuyên gia về hang động Anh cho biết.

Khi chiến dịch giải cứu đội bóng vừa mới bắt đầu, Vern đã nhanh chóng nhận ra rằng vai trò của các chuyên gia nước ngoài là rất cần thiết. Ông đã khuyên các nhà chức trách Thái Lan mời thêm các thợ lặn chuyên về hang động - những người từng có kinh nghiệm tham gia các vụ giải cứu tương tự trước đó.

“Đó là cuộc đua với thời gian. Họ cần những thợ lặn đẳng cấp thế giới”, Vern nói.

Vern là người đầu tiên đề xuất với chính quyền Thái Lan về việc mời các thợ lặn Volanthen, Stanton và Robert Harper tới hang Tham Luang. Vai trò của các thợ lặn này sau đó đã làm nên thành công của chiến dịch giải cứu.

Thách thức khi giải cứu

Một thành viên đội bóng được chuyển bằng cáng ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)
Một thành viên đội bóng được chuyển bằng cáng ra khỏi hang Tham Luang (Ảnh: Reuters)

Theo Vern, những thách thức của việc lặn trong hang cũng như tuyến đường đi nguy hiểm mà các thợ lặn phải hộ tống các cầu thủ nhí ra ngoài trong khi các em không biết bơi là lý do khiến đội cứu hộ quyết định sử dụng thuốc an thần cho các cầu thủ. Mục đích của việc làm này là nhằm tránh tâm lý hoảng loạn có thể xảy ra đối với các cầu thủ trong quá trình đưa các em ra khỏi hang.

“Đó là cách duy nhất. Một số đứa trẻ không thể bơi, trong khi chúng bị đưa xuống nước lạnh trong bộ đồ lặn ẩm ướt và mặt nạ che kín mặt. Tất cả đều lạ lẫm với các em”, Vern cho biết.

Cũng theo chuyên gia Anh, thuốc an thần sẽ giúp làm giảm ảnh hưởng lâu dài về mặt tâm lý cho các cầu thủ nhí vì sau khi sử dụng thuốc, các em sẽ không còn nhớ quá trình mình được giải cứu như thế nào.

Vern Unsworth cũng tiết lộ một thách thức nữa trong quá trình giải cứu đội bóng là sự phối hợp giữa các nhóm khác nhau, bao gồm đội đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan và các tình nguyện viên quốc tế.

“Họ chưa bao giờ tham gia vào chiến dịch nào kiểu này. Tôi nghĩ đó là vấn đề giao tiếp. Việc giao tiếp đôi khi gặp khó khăn. Đôi khi mọi chuyện bị hiểu sai ý”, Vern cho biết.

Ngoài ra, thời tiết ngày càng xấu đi cũng là một trong những mối lo ngại đối với đội cứu hộ tại Tham Luang.

“Ngày cuối cùng là ngày tồi tệ nhất. Trong ngày thứ ba giải cứu, đội cứu hộ phải đưa 5 người (trong đội bóng) ra ngoài, cùng với 4 đặc nhiệm SEAL của Hải quân, trong khi thời tiết thay đổi chóng mặt. Mực nước tăng lên từ hôm 10/7. Có thể cảm nhận thấy sự căng thẳng”, Vern nhớ lại.

Thành Đạt

Tổng hợp