1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các lữ đoàn máy bay trực thăng của Ukraine không những hoạt động hiệu quả trên bầu trời đầy nguy hiểm sau 1 năm chiến sự mà còn là nguồn cảm hứng cho nỗ lực chiến đấu của nước này.

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine - 1

Các thành viên lữ đoàn hàng không Sikorsky số 18 nạp tên lửa cho một trực thăng chiến đấu ở miền đông Ukraine vào tháng 2 (Ảnh: NYT).

Trên một cánh đồng phủ đầy tuyết, 3 chiếc trực thăng của Ukraine có từ thời Liên Xô cũ đang sẵn sàng chiến đấu. Các phi công và phi hành đoàn đã kiểm tra kế hoạch bay cho mục tiêu tiếp theo, trong khi các kỹ thuật viên chất các tên lửa mỏng màu xám vào bệ phóng và xếp pháo sáng vào giá đỡ phía sau ống xả.

Một năm sau khi cuộc chiến nổ ra, bất chấp mọi khó khăn, các lữ đoàn trực thăng của Ukraine vẫn hoạt động. Mỗi ngày trong tuần, nhiều lần trong ngày, họ tham gia các trận chiến chống lại lực lượng Nga, tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa dọc theo chiến tuyến để hỗ trợ bộ binh. Thỉnh thoảng, họ lọt vào tầm ngắm của lực lượng phòng không Nga khi thực hiện các nhiệm vụ bí mật gần lãnh thổ của đối thủ.

Biệt đội truyền cảm hứng

Dù bị không kích dữ dội ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, họ không bị đánh gục. Máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của Ukraine vẫn tiếp tục bay, vẫn hoạt động hiệu quả và truyền cảm hứng chiến đấu cho toàn lực lượng.

Khi có cơ hội hiếm có tiếp cận Lữ đoàn Sikorsky số 18, lữ đoàn trực thăng hàng đầu trong số 4 lữ đoàn trực thăng của Ukraine trong 2 ngày, các sĩ quan và phi công ở đây đã mô tả cách các lữ đoàn Ukraine di chuyển máy bay đến nơi an toàn khi chiến sự bùng nổ. Mục tiêu của họ là tránh các cuộc tấn công của Nga.

Họ cũng nỗ lực điều chỉnh chiến thuật của mình để chiến đấu với một đối thủ mạnh hơn và được trang bị tốt hơn rất nhiều. "Chúng tôi đi đến nơi không nên đến. Nhiệm vụ chính là tiêu diệt kẻ thù bằng hỏa lực", ông Oleksiy, 38 tuổi, phó chỉ huy lữ đoàn, cho biết.

So với cuộc chiến trên bộ được ghi chép đầy đủ ở Ukraine, nơi có thể thấy rõ xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, không nhiều người biết về cuộc chiến trên không, một phần vì có ít bằng chứng hình ảnh và video.

Nhưng các máy bay chiến đấu của Nga đã tấn công dữ dội các mục tiêu trong những tuần đầu tiên xung đột bùng nổ, và các máy bay chiến đấu của cả hai liên tục đối đầu nhau trên bầu trời khi chiến sự ở bên dưới mặt đất cũng rất khốc liệt.

Cả hai bên cũng sử dụng máy bay trực thăng cho các nhiệm vụ quan trọng vì tính cơ động của chúng. 

Nga đã đổ bộ quân trong những ngày đầu tiên tại ít nhất 2 địa điểm, và Ukraine đã thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ ở nhà máy Azovstal ở Mariupol, mà lúc đó bị Nga bao vây.

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine - 2

Quân đoàn 18 hỗ trợ bộ binh tấn công các mục tiêu của kẻ thù đôi khi chỉ cách chiến hào của Ukraine vài km (Ảnh: NYT).

Tuy nhiên, các máy bay trực thăng cũng rất dễ bị tổn thương khi giao tranh chủ yếu biến thành cuộc chiến pháo binh trên vùng đồng bằng rộng mở ở miền đông Ukraine, và các nhiệm vụ chỉ giới hạn ở việc bắn tên lửa từ các tuyến của Ukraine.

Trực thăng quá cũ

Ukraine sử dụng các máy bay trực thăng cũ kỹ do Nga sản xuất từ thời Liên Xô cũ, chủ yếu là Mi-8 và Mi-24, cả hai đều được sử dụng làm trực thăng tấn công.

"Đây là những chiếc trực thăng có từ thế kỷ trước", Oleksiy, người có 8 năm kinh nghiệm chiến đấu, với nhiều chiến dịch tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cho biết.

Vũ khí của họ, tên lửa không điều khiển từ thời Liên Xô, "rất lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu của chiến đấu hiện đại". "Chúng tôi không có vũ khí chính xác tầm xa. Trong chiến đấu hiện đại, bất kỳ máy bay nào,  trực thăng, máy bay chiến đấu cần là phương tiện mang vũ khí chính xác cao", ông nói thêm.

Giống hầu hết các lực lượng trong quân đội Ukraine, ông Oleksiy và nhóm binh sĩ của mình cảm thấy họ chỉ có thể giành chiến thắng khi có vũ khí thông minh hiện đại hơn. Ông nói: "Chúng tôi phải tránh xa trực thăng Nga".

Mỹ đã gửi hơn 10 trực thăng vận tải do Nga sản xuất, mà ban đầu dự kiến trang bị cho quân đội Afghanistan, cho Ukraine vào tháng 6/2022. Vào tháng 11/2022, Anh cho biết đã gửi 3 trực thăng Sea King và cam kết sẽ huấn luyện 10 phi công quân sự Ukraine sử dụng loại này.

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine - 3

Lữ đoàn giấu máy bay trực thăng ở nơi thoáng đãng, trên thảo nguyên rộng lớn phủ đầy tuyết ở miền đông Ukraine (Ảnh: NYT).

Theo các chuyên gia quân sự, lực lượng Nga cũng đang bay những cỗ máy tương tự nhưng Moscow có lợi thế lớn về số lượng máy bay trực thăng và đạn dược. "Hầu hết vũ khí của họ cũng có từ thời Xô Viết", ông Oleksiy nói và cho biết thêm, "nhưng bạn không thể đánh giá thấp thực tế là họ có rất nhiều loại  máy bay như thế này".

Hỏa lực áp đảo của Nga đã buộc Ukraine phải nỗ lực xoay chuyển chiến lực để thay đổi cục diện chiến sự.

"Chúng tôi yếu hơn, vì vậy nên sử dụng một cách tiếp cận thông minh hơn", ông Roman, 34 tuổi, một trong những phi công giàu kinh nghiệm nhất từ lữ đoàn 16, người đã được biệt phái sang lữ đoàn 18, cho biết. "Chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt nhất có thể".

Điều đó đòi hỏi phải có chiến lược đào tạo lại, liên tục thích nghi với các điều kiện và cũng có một số chiến lược hoạt động táo bạo hơn. Lữ đoàn cất giữ các máy bay trực thăng ở nơi an toàn, trên thảo nguyên rộng lớn, phủ đầy tuyết ở miền đông Ukraine, sử dụng các sân bay tạm thời, thường xuyên di chuyển để đảm bảo an ninh.

Họ cũng đã đưa ra một phương pháp tấn công bên dưới hàng cây, cách mặt đất chưa đến 9m, ôm sát đường viền của vùng đất với tốc độ lên tới gần 250km/h. Độ cao thấp là nguy hiểm, nhưng để tránh radar phát hiện. Sau đó, ngay tại tiền tuyến, họ đột ngột bay lên để bắn một loạt 30-40 tên lửa trước khi bay trở về.

Những chuyến bay mạo hiểm

Phía Ukraine tấn công theo cặp, đôi khi thành kiểu "bầy đàn" 4 máy bay. Đội ngũ này có thể bắn vào các vị trí của Nga mà không cần bay quá gần, nhưng điều này lại thử thách giới hạn của phi công và máy móc, và trong những giây nguy hiểm khi bay lên sẽ có nguy cơ đối mặt với các hệ thống phòng không của Nga.

Tiếp cận chiến tuyến của kẻ thù, máy bay chiến đấu và trực thăng của Ukraine thực hiện hàng loạt các cuộc tấn công của Nga, từ gây nhiễu vô tuyến điện tử đến tên lửa phòng không bắn từ máy bay chiến đấu và từ mặt đất.

"Mỗi cuộc hành quân, mỗi cuộc xuất kích đều là một chuyến bay anh hùng. Không nhiều quân đội thực hiện các chuyến bay như vậy", ông Oleksiy nói.

Một phi công thuộc Lữ đoàn 18, Ivan, 31 tuổi, đã bị lực lượng phòng không Nga bắn trúng khi đang phóng tên lửa vào tháng 6/2022. Anh nhớ lại mọi thứ trước mắt tối xầm nhưng anh cố xoay xở để quay chiếc trực thăng trở về.

Máy bay bị rơi trong một khu rừng lỗ chỗ với những miệng núi lửa và bốc khói từ đạn pháo. Anh cho biết, cơ phó của anh đã thiệt mạng, nhưng Ivan và kỹ sư  bị văng ra ngoài trước buồng lái khi chiếc máy bay bốc cháy.

Nhanh chóng định thần, anh gửi tọa độ vị trí cho lữ đoàn của mình. Dưới làn đạn pháo chỉ cách các vị trí của quân Nga vài km, họ nằm bất động khi một máy bay không người lái (UAV) do thám bay qua đầu mà không rõ là của ai cho đến khi các nhân viên y tế Ukraine đến giải cứu họ.

Các lữ đoàn trực thăng Ukraine đều thiệt hại về người và máy móc, mặc dù không rõ con số là bao nhiêu. Nhưng các nhà phân tích quân sự cho biết, việc họ vẫn sống sót và tiếp tục hoạt động sau một năm chiến tranh là một thành công lớn.

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine - 4

Máy bay trực thăng của Lữ đoàn 18 bay thấp trên chiến hào khi làm nhiệm vụ chiến đấu (Ảnh: NYT).

Điều quan trọng đối với hệ thống phòng không Ukraine là các lực lượng Nga chưa giành được thế kiểm soát hoàn toàn trên không. Cả hai bên vẫn tiếp tục điều máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công lẫn nhau, mặc dù đã tránh mạo hiểm đi vào sâu trong lãnh thổ của nhau vì sợ bị bắn hạ.

Một trong những ngoại lệ nổi bật là một loạt các chuyến xâm nhập táo bạo mà máy bay trực thăng Ukraine thực hiện vào nhà máy thép Azovstal, một đồn trú cuối cùng của quân đội Ukraine tại thành phố Mariupol bị bao vây.

"Không thể", ông Oleksiy nói khi nhớ lại phản ứng đầu tiên đối với kế hoạch Azovstal. Nhưng các phi công đã tình nguyện chiến đấu và họ đã thành công trong việc bay qua hơn 100km lãnh thổ do Nga nắm giữ để vào nhà máy thép mà không bị phát hiện, vận chuyển đạn dược và sơ tán những người bị thương.

"Các nhiệm vụ đầu tiên đã thành công vì phía Nga không thể tưởng tượng được rằng người Ukraine sẽ dám làm như vậy. Sau khi họ nhận ra chúng tôi đang làm điều đó, cách chúng tôi đến đó thì đã muộn", ông Oleksiy nhớ lại. Các chuyến bay kết thúc sau khi phía Ukraine mất 3 chiếc trực thăng, chỉ vài ngày trước khi tuyên bố rút lui.

May mắn cho phía Ukraine là một phần lực lượng trực thăng của họ đang thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cộng hòa Dân chủ Congo khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt. Phi đội này đã không thể quay trở lại trong vài tháng, nhưng khi quay trở lại đã giúp bổ sung thêm các phi công có kinh nghiệm và nhiều máy bay trực thăng hơn cho Kiev.

Những đội trực thăng đặc biệt của Ukraine - 5

Sân bay Hostomel gần Kiev, nơi chiếc máy bay lớn nhất thế giới, Antonov An-225, bị phá hủy (Ảnh: NYT).

Những ngày này, lữ đoàn Sikorsky đã ổn định thói quen luyện tập. Các phi công dậy sớm, tập bay trên bầu trời và có thể thực hiện tới 10 chuyến bay mỗi ngày, quay trở lại tiếp nhiên liệu, trang bị lại và chờ nhiệm vụ tiếp theo. Các phi công vẫn tự tin về năng lực của mình nhưng cũng nhận thức sâu sắc về những hạn chế.

"Chúng tôi luôn ở gần 'những chú ngựa sắt' để chờ nhận nhiệm vụ", phi công Ivan cho biết. Theo phi công này, nhờ được phương Tây  huấn luyện, phi hành đoàn đã chủ động hơn trong việc lựa chọn lộ trình và chiến thuật chiến đấu.

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm