1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Những câu hỏi sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyến thăm Mỹ bất ngờ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã mang lại những kết quả cụ thể cho Kiev, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa thể giải đáp về tương lai chiến sự.

Những câu hỏi sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng hôm 21/12 (Ảnh: Reuters).

Reuters nhận định, với Tổng thống Zelensky, chuyến thăm được công bố vào giờ chót của ông tới thủ đô Washington đã thành công: Ông trở về nước với những cam kết về quân sự và tài chính từ Mỹ cho Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga.

Tuy nhiên, sau chuyến thăm, cũng còn những câu hỏi bỏ ngỏ như liệu Mỹ sẽ hỗ trợ gì và như thế nào cho Ukraine trong giai đoạn tới, sự ủng hộ từ lưỡng đảng Mỹ có thể duy trì trong bao lâu và quan trọng nhất là cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào?

Mỹ sẽ trợ giúp gì tiếp theo cho Ukraine?

Trong gói viện trợ mới nhất cho Kiev trị giá hơn 1,8 tỷ USD, giới quan sát đặc biệt chú ý tới tổ hợp phòng không tầm xa Patriot. Việc Mỹ quyết định đưa lá chắn này tới Ukraine được xem là sự ủng hộ lớn nhất của Washington cho Kiev trong chiến sự hơn 10 tháng qua. Mỹ trước đó đã thể hiện sự cẩn trọng chiến lược khi không cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine để tránh leo thang căng thẳng trực tiếp với Nga.

Mặc dù vậy, Patriot về bản chất vẫn là một hệ thống phòng thủ và các chuyên gia nhận định, nó có thể sẽ không tạo ra đột phá trên chiến trường, nơi 2 bên đang giằng co quyết liệt trong một cuộc đối đầu có tính chất tiêu hao.

Mỹ đã thừa nhận họ sẽ không thể cấp cho Ukraine mọi vũ khí mà Kiev đề nghị, bao gồm cả tên lửa ATACMS có tầm tấn công 300km, hay xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại.

"Mục đích của Mỹ là vừa hỗ trợ Ukraine vừa đảm bảo Washington và NATO không bị kéo vào một cuộc chiến rộng lớn hơn. Chiến lược này sẽ tiếp tục ngăn Mỹ cấp cho Ukraine loại vũ khí mà Kiev thực sự muốn", Rachel Rizzo, học giả tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định.

Hai quan chức Mỹ giấu tên nói với Reuters rằng, Washington đang tập trung để gia tăng năng lực phòng thủ của Ukraine khi các cuộc tập kích dồn dập của Nga trong thời gian qua đã gây ra thiệt hại nặng nề cho đối thủ.

Vì vậy, hiện chưa rõ liệu Mỹ có gửi cho Ukraine các vũ khí có khả năng tấn công để thay đổi cuộc chơi trong thời gian kế tiếp hay không? Đây là yếu tố rất quan trọng, vì với nền công nghiệp quốc phòng bị tàn phá nghiêm trọng, Ukraine giờ đây phải trông đợi vào phương Tây và Mỹ để duy trì năng lực chiến đấu.

Sóng ngầm trong nội bộ Mỹ?

Trong 10 tháng qua, giới chức Mỹ đạt được sự thống nhất chính trị từ lưỡng đảng để hỗ trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc chiến đã cán mốc 300 ngày, ngày càng nhiều tiếng nói trong đảng Cộng hòa không đồng tình với khoản tiền viện trợ khổng lồ từ Mỹ cho Ukraine.

"Sẽ không còn những tấm séc trắng cho Ukraine", Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Andy Biggs viết trên Twitter vài giờ trước khi ông Zelensky tới Washington.

Một số thành viên đảng Cộng hòa - bên chuẩn bị lên nắm quyền ở Hạ viện - tỏ ra không hài lòng vì họ cho rằng Mỹ nên dành hàng tỷ USD tập trung vào các vấn đề nội bộ nước này, ví dụ như việc giải quyết cuộc khủng hoảng biên giới phía nam với lượng người nhập cư ồ ạt đổ về trong thời gian qua.

Những câu hỏi sau chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Zelensky - 2

Ông Zelensky phát biểu tại quốc hội Mỹ hôm 21/12 (Ảnh: Reuters).

Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine 45 tỷ USD. Trước đó, Mỹ đã chuyển và cam kết chuyển cho Kiev 50 tỷ USD. Một quan chức đảng Cộng hòa nói với Reuters rằng, gói 45 tỷ USD trên có khả năng cao được thông qua.

Tuy nhiên, sau khi đảng Cộng hòa lên nắm quyền tại Hạ viện, các khoản chi ra sẽ đối mặt với sự giám sát gắt gao hơn. Quan chức trên nói rằng, đảng Cộng hòa sẽ yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn cách Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ và yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden giải thích rõ ràng hơn về các khoản chi.

Câu hỏi đặt ra trong giai đoạn kế tiếp là, sự ủng hộ lưỡng đảng Mỹ cho Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài trong bao lâu và có đủ thời gian để Kiev xoay chuyển tình hình trong bối cảnh Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng cho một cuộc chiến kéo dài?

Chiến sự sẽ kết thúc thế nào?

Cuối cùng, chuyến thăm của ông Zelensky và các động thái của Mỹ vẫn khiến cho câu hỏi nói trên chưa có câu trả lời chính xác.

Tổng thống Ukraine nói rằng, ông Biden đã tán thành "kế hoạch hòa bình 10 điểm" của ông, trong số đó kêu gọi rút hoàn toàn quân đội Nga khỏi lãnh thổ Ukraine và xét xử tội phạm chiến tranh - những điều kiện mà Moscow đã thẳng thừng từ chối. 

"Đối với tôi, với tư cách là Tổng thống, hòa bình không phải là sự thỏa hiệp đối với chủ quyền, tự do và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước tôi", ông Zelensky nói.

Trước đó, ông nhấn mạnh rằng, chiến thắng với Ukraine là họ sẽ giành lại cả bán đảo Crimea.

Sau các phát ngôn từ Ukraine và Mỹ, Điện Kremlin ngày 21/12 tuyên bố không thấy bất cứ cơ hội nào để đàm phán hòa bình với Ukraine.

Trong bối cảnh Mỹ cam kết tiếp tục chuyển vũ khí cho Kiev, Moscow và Kiev vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, không thỏa hiệp, việc 2 bên thỏa thuận được điều kiện để đàm phán khép lại chiến sự dường như trở nên khó hơn bao giờ hết. Cơ hội thương lượng hòa bình vẫn còn rất mơ hồ, chưa có dấu hiệu rõ ràng.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine