Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ: "Át chủ bài" thống trị đại dương
(Dân trí) - Hải quân Mỹ đang vận hành 11 tàu sân bay, trong đó có 10 chiếc lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Ford, tạo nên lực lượng hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất thế giới.
Hải quân Mỹ thống trị đại dương bằng đội tàu sân bay hùng hậu
Hiện nay, Hải quân Mỹ đang vận hành 11 siêu tàu sân bay, trong đó có 10 chiếc lớp Nimitz và 1 chiếc lớp Ford, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỗi chiếc trong số chúng là một soái hạm, đóng vai trò trung tâm của một nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) trong biên chế Hải quân Mỹ.
Thành phần trong một CSG thường bao gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 2-3 tàu khu trục. Ngoài ra, tùy theo tình hình nhiệm vụ mà nó còn được phối thuộc thêm 1-2 tàu ngầm hạt nhân nhằm đối phó với các mối đe dọa dưới mặt nước và có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất khi cần.
Hải quân Mỹ sử dụng các nhóm tác chiến tàu sân bay nhằm tung phóng sức mạnh không quân trên hướng biển. Thông thường, luôn có ít nhất 3 tàu sân bay Mỹ hoạt động đồng thời trên biển, nếu không có gì đột biến, chúng sẽ được định kỳ luân phiên.
Trong thời gian không hoạt động trên biển, tàu sân bay có thể về cảng căn cứ để bảo dưỡng sửa chữa hoặc đại tu nâng cấp cũng như tiến hành công tác huấn luyện.
Theo South Front, tại thời điểm ngày 20/6, ở phía Tây Thái Bình Dương có sự hoạt động của 2 CSG gồm nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) và nhóm tàu USS Nimitz (CVN-68).
Hai bên bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương Mỹ có 8 chiếc, trong khi ở gần châu Âu đang có sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Gerald R. Ford (CVN-78) đời mới nhất.
Đáng chú ý là hầu hết các tàu sân bay Mỹ đều có cảng nhà nằm ven bờ biển Mỹ thì chỉ có duy nhất tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN-76) được đặt tại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản.
Ngoại trừ USS Nimitz (CVN-68), USS Carl Vinson (CVN-70) và USS John C. Stennis (CVN-74), các tàu còn lại đều được đặt theo tên các tổng thống Mỹ như tàu USS Ronald Reagan (CVN-76).
Sau khi đưa tàu USS Gerald R. Ford hiện đại nhất vào hoạt động, Hải quân Mỹ đang triển khai kế hoạch đóng mới thêm 3 chiếc tàu sân bay cùng loại gồm USS John F. Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller nhằm thay thế dần dần cho các tàu sân bay lớp Nimitz.
Sức mạnh của tàu sân bay Mỹ
Tàu sân bay lớp Nimitz được ví như một "thành phố nổi" trên đại dương bởi kích thước khổng lồ: chiều dài 332,8m, rộng 76,8m, mớm nước 12,5m, lượng choán nước lên tới 117.000 tấn cùng thủy thủ đoàn hơn 5.000 người, trong đó hơn 3.000 người vận hành các hệ thống trên tàu cùng hơn 2.000 nhân viên hàng không, phi công.
Các tàu sân bay Mỹ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể di chuyển với tốc độ cao, hoạt động dài ngày trên biển trong liên tục nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không cần tiếp nhiên liệu, giúp chúng nhanh chóng đến các điểm nóng trên thế giới phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Về động lực
Để thực hiện nhiệm vụ trên khắp các đại dương trong thời gian dài, tàu sân bay lớp Nimitz được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân Westinghouse-brand A4W với tổng công suất 260.000 mã lực, cung cấp năng lượng cho hệ thống động cơ và điện, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa 56km/h khi đầy tải.
Lò phản ứng có thể giúp tàu hoạt động từ 20-25 năm mà không cần nạp nhiên liệu.
Về khả năng phòng thủ
Tàu có hệ thống phòng không tầm thấp RIM-116 với phạm vi diệt mục tiêu tới 9km và hệ thống pháo tự động bắn nhanh MK-15 Phalanx để phòng thủ tầm cực gần, chuyên đánh chặn tên lửa, tên lửa hành trình và vũ khí có dẫn đường của đối phương.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị 3 bệ phóng tên lửa phòng không tầm trung RIM-162 Evolved Sea Sparrow, mỗi bệ phóng chứa 8 tên lửa có thể đánh chặn mục tiêu ở cự ly tới hơn 50km.
Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ tàu sân bay chủ yếu do các tàu hộ tống đảm nhiệm và khi cần, các máy bay chiến đấu trên hạm sẽ xuất kích đánh chặn.
Về khả năng tung phóng sức mạnh
Các tàu sân bay Mỹ thực sự là một thế lực thống trị trên biển cho dù được trang bị vũ khí phòng thủ khá khiêm tốn, chủ yếu mang tính chất phòng thủ. Tuy nhiên, sức mạnh thực sự của chúng nằm ở phi đội máy bay, còn bản thân tàu thuần túy là sân bay nổi, cơ động trên khắp các đại dương.
Xương sống trong mỗi hàng không mẫu hạm chính là số lượng máy bay lên đến 90 chiếc mà nó mang theo gồm:
Tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet là máy bay chủ lực làm nên sức mạnh của tàu sân bay Mỹ, có bán kính tác chiến khoảng 1.095km, tốc độ tối đa 1.915km/h, cho phép mỗi CSG có tấn công sâu vào lãnh thổ đối phương mà không cần hàng không mẫu hạm phải tiến vào quá gần, có thể bị đe dọa bởi tên lửa bờ.
F/A-18E/F có thể mang tới 8 tấn vũ khí trên 11 giá treo trên cánh và giữa thân, từ tên lửa không đối không, đối hải, đánh mục tiêu mặt đất, cho tới các loại bom và khí tài tác chiến điện tử, cho phép tiến hành các cuộc tập kích tầm xa và đánh chặn máy bay đối phương tấn công vào tàu sân bay.
Thông thường, trên tàu sân bay lớp Nimitz có khoảng 44 máy bay chiến đấu F/A-18 E/F Super Hornet, một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới.
Tiêm kích tác chiến điện tử EA-18G Growler sử dụng chung khung thân với F/A-18 Super Hornet để mang các hệ thống gây nhiễu chiến thuật AN/ALQ-99 và AN/ALQ-218 cùng nhiều thiết bị điện tử tân tiến khác.
Mỗi tàu sân bay có 5 chiếc máy bay loại này, chuyên làm nhiệm vụ áp chế radar trinh sát và điều khiển hỏa lực đối phương, tạo nên chiếc ô điện tử che chắn cho phi đội tấn công.
Không chỉ chuyên nhiệm trong tác chiến điện tử, EA-18G Growler thực sự là máy bay công - thủ toàn diện nhờ mang được tên lửa không đối không tầm gần AIM-9 Sidewinder hoặc tầm trung xa AIM-120 AMRAAM và tên lửa diệt radar AGM-88 HARM hoặc các dòng bom dẫn đường hiện đại.
Trực thăng MH-60S Seahawk, được thiết kế thực hiện các nhiệm vụ tác chiến mặt nước và chống ngầm cùng với vai trò thứ cấp bao gồm yểm trợ hỏa lực, săn ngầm, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hậu cần và chuyển tiếp liên lạc. Mỗi tàu sân bay thường có từ 6-8 chiếc trực thăng loại này.
MH-60S Seahawk mang được nhiều loại vũ khí gồm súng máy, rocket APKWS, ngư lôi chống ngầm Mk50 hoặc Mk46, tên lửa chống tăng Hellfire, tên lửa diệt hạm AGM-119 Penguin.
Được trang bị 2 động cơ T700-GE-401C, công suất 1.890 mã lực/động cơ, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 270km/h, phạm vi hoạt động hơn 800km.
Máy bay cảnh báo sớm E-2D Advance Hawkeye, là phiên bản hiện đại nhất của dòng E-2, được ví như là "mắt thần trên không".
Máy bay được trang bị radar cảnh giới nhìn vòng APY-9 quét 360 độ có tầm trinh sát phát hiện mục tiêu ở cự ly 345 dặm (556km), giúp phát hiện các mục tiêu bay cỡ nhỏ.
E-2D có thể hoạt động liên tục 6 giờ hoặc lâu hơn nữa nhờ hệ thống tiếp dầu trên không nhằm duy trì cảnh giới phát hiện mục tiêu, nhận diện địch-ta và truyền tham số mục tiêu cho các sở chỉ huy và đơn vị chiến đấu.
Máy bay vận tải C-2 Greyhound, mẫu máy bay vận tải cánh bằng duy nhất hoạt động trên các tàu sân bay của Hải quân Mỹ và thế giới, được thiết kế để làm cầu nối cung cấp nhu yếu phẩm.
Máy bay có kích thước dài 17,3m, sải cánh 24,6m, trọng lượng cất cánh tối đa 22,4 tấn, tải trọng khoảng 9,3 tấn. Ngoài nhiệm vụ chở hàng, C-2 có thể chở 26 binh sĩ hoặc 12 cáng cứu thương.
Tới đây, C-2 Greyhound vốn đã tương đối lỗi thời sẽ được thay thế bằng CMV-22B Osprey, loại máy bay quân sự cánh nghiêng có thể bay với tốc độ nhanh như máy bay cánh cố định và bay treo như một trực thăng để hạ cánh thẳng đứng trên tàu sân bay.
Những mối đe dọa tiềm tàng
Mặc dù rất mạnh mẽ và thực sự là thế lực thống trị trên đại dương, nhưng các tàu sân bay Mỹ vẫn có những mối đe dọa nhất định, đó là các loại tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa siêu vượt âm. Chẳng hạn, Trung Quốc sở hữu lửa đạn đạo DF-26, có khả năng tấn công tàu sân bay đang cơ động trên biển ở cự ly lên tới gần 4.000km.
Trong khi đó, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga có tốc độ Mach 10-12 được phóng đi từ tiêm kích MiG-31 nâng cấp cũng trở thành mối đe dọa lớn. Những tên lửa thế hệ mới này hầu như không thể bị đánh chặn.