1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiều nước tuyên bố ngừng các chuyến bay đến thiên đường du lịch của Ai Cập

(Dân trí) - Hà Lan và Đức đã “nối gót” Anh tuyên bố tạm đình chỉ các chuyến bay tới khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Sharm el-Sheikh của Ai Cập sau vụ rơi máy bay chở 224 người của một hãng hàng không Nga mới đây, trong bối cảnh có nhiều nhận định cho rằng máy bay này đã bị đặt bom.

 


Hiện trường vụ tai nạn máy bay Nga tại Ai Cập (Ảnh: Getty)

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Nga tại Ai Cập (Ảnh: Getty)

Hà Lan ngày 5/11 đã thông báo quyết định ngừng đã chuyến bay tới Sharm el-Sheikh cho tới ngày 8/11.

Hãng hàng không Lufthansa của Đức cho biết các công ty con của hãng này là Edelweiss và Eurowings cũng ngừng các chuyến bay đi Sharm el-Sheikh như một biện pháp đề phòng và các chuyến bay trở về từ khu nghỉ dưỡng này dành cho các hành khách hiện đang ở đây sẽ được sắp xếp riêng.

Pháp, Bỉ và Hà Lan hôm qua cũng đồng loạt lên tiếng khuyến cáo các công dân không đi du lịch tới Ai Cập.

Trước đó, Anh tuyên bố dừng tất cả các chuyến bay đi và đến khu nghỉ dưỡng Sharm El-Sheikh của Ai Cập kể từ hôm qua 4/11, sau khi có các thông tin tình báo cho biết thảm họa máy bay Nga có thể do bom gài trên máy bay gây ra.

Thủ tướng Anh David Cameron nói rằng ông phải đặt sự an toàn của các công dân Anh trước tiên.

Các hãng hàng không của Anh dự kiến hôm nay sẽ bắt đầu đưa các du khách đang mắc kẹt tại Sharm El-Sheikh về nước, nhưng chỉ cho hành khách mang hành lý xách tay.

Theo BBC, các du khách Anh dự trở về từ Sharm el-Sheikh trên các chuyến bay đi Anh ngày 6/11 đã được thông báo rằng hàng lý ký gửi của họ sẽ được vận chuyển riêng rẽ.

Chiếc máy bay của hãng hàng không Nga cất cánh từ sân bay thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh bên bờ Biển Đỏ để tới St. Petersburg. Nó đã rơi xuống bán đảo Sinai của Ai Cập hôm 31/10, làm toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng.

Giới chức Anh và Mỹ cho biết các thông tin tình báo mới nhất cho thấy vụ rơi máy bay Nga nhiều khả năng do bom bị đặt trên máy bay, và chủ mưu là nhóm phiến quân IS hoặc một nhóm liên minh.

An Bình

Theo BBC