1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhiệm vụ đặc biệt của lá chắn "Rồng lửa" S-400 Nga tại Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, ngoài giúp các lực lượng của Nga phòng vệ, lá chắn S-400 dường như còn được sử dụng để tập kích các mục tiêu của Ukraine, một nhiệm vụ được xem bất thường của tổ hợp này.

Nhiệm vụ đặc biệt của lá chắn Rồng lửa S-400 Nga tại Ukraine - 1

Một tổ hợp S-400 (Ảnh: AFP).

Hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga được thiết kế để bắn hạ máy bay và tên lửa ở tầm xa và độ cao lớn. Tuy nhiên, theo Business Insider, các báo cáo ở hiện trường cho thấy, Moscow dường như đã sử dụng S-400 để đánh chặn các rocket HIMARS do Mỹ sản xuất hoặc thậm chí như một vũ khí để tập kích vào các mục tiêu của phía Kiev - một động thái được xem là khá bất thường.

Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, chiến thuật này cho thấy, không quân của Ukraine chưa đủ khả năng để ngăn cản Moscow, khiến Nga có thể dùng các tên lửa phòng không để tập kích mục tiêu đối phương. Trong khi đó, phía Ukraine cho rằng, trải qua hơn 15 tháng chiến sự, Nga đã dường như cạn kiệt kho vũ khí tới mức họ phải tận dụng hỏa lực từ S-400.

S-400 Triumf là hệ thống đất đối không di động, tầm xa. Tên lửa đánh chặn S-400 có tầm bắn ước tính khoảng 400km và đánh chặn được máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo cũng như máy bay không người lái.

Đã có những báo cáo cho thấy Nga dường như sử dụng S-400 đánh chặn rocket HIMARS của Ukraine. Nếu xét theo nhiệm vụ của S-400, thì việc tổ hợp phòng không này đánh chặn hỏa lực của đối phương không phải là điều lạ thường. Theo, Ian Williams, chuyên gia tại tổ chức CSIS (Mỹ), vấn đề nằm ở chỗ, đạn HIMARS bắn không phải là tên lửa mà là rocket dẫn đường bằng GPS với tầm bắn khoảng 80km, ngắn hơn nhiều so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Ông Williams tin rằng, S-400 có thể đánh chặn rocket HIMARS nhưng không quá dễ dàng để làm nhiệm vụ này. Theo ông, việc Nga dùng tới S-400 để đánh chặn mục tiêu tầm tương đối gần như rocket HIMARS có thể là dấu hiệu cho thấy Moscow đang đối phó với những thách thức với việc triển khai trận địa phòng không tại các khu vực mà họ kiểm soát. Nga đang kéo căng lực lượng dọc trên hơn 1.000km tiền tuyến và việc đảm bảo an toàn cho những khu vực này đang đối mặt với thách thức trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị phản công.

Ngoài ra, theo ông Williams, việc Nga sử dụng tên lửa phòng không như S-300 hay S-400 để tập kích Ukraine là động thái khác thường. Thứ nhất, tên lửa trên S-400 có đầu đạn nặng 181kg, đủ sức công phá máy bay hoặc tên lửa đối phương. Tuy nhiên, con số này thực sự nhỏ bé nếu so với đầu đạn trên tên lửa hành trình Kh-22, vào khoảng hơn 900kg. Dùng tên lửa S-400 tấn công mục tiêu mặt đất sẽ không tạo được sức công phá đủ lớn. Ngoài ra, theo ông Williams, tên lửa S-400 hoạt động rất hiệu quả với vai trò đất đối không, nhưng không thực sự quá chính xác khi tập kích đất đối đất. Vì vậy, việc Nga dùng dòng tên lửa phòng không này dường như để gây áp lực lên Ukraine, hơn là để phá hủy mục tiêu, theo chuyên gia trên.

Nga nhiều lần bác bỏ giả thuyết rằng họ cạn kiệt tên lửa khi Moscow liên tục tuyên bố nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Tới nay, Nga vẫn đủ khả năng thực hiện chiến thuật "mưa hỏa lực" nhằm vào các mục tiêu của Ukraine.

Theo Business Insider