1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ukraine tìm được cách khắc chế chiến thuật "mưa hỏa lực" của Nga?

Đức Hoàng

(Dân trí) - Chuyên gia nhận định, Ukraine đã tích hợp tốt các hệ thống phòng không phương Tây viện trợ vào trận địa để đánh chặn tên lửa và UAV của Nga, nhưng Kiev vẫn gặp thách thức trong cuộc chiến tiêu hao.

Ukraine tìm được cách khắc chế chiến thuật mưa hỏa lực của Nga? - 1

Cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bị tàn phá nghiêm trọng do chiến sự với Nga trong hơn một năm qua (Ảnh: AP).

Tháng 10 năm ngoái, khi Nga bắt đầu chiến thuật "mưa hỏa lực" bằng việc phóng hàng loạt tên lửa, UAV tự sát vào các thành phố lớn của Ukraine, phía Kiev ghi nhận thiệt hại nặng nề. Có thời điểm, Ukraine thừa nhận khoảng 50% cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đã bị phá hủy.

Tuy nhiên, theo CNN, trong thời gian qua, tỷ lệ đánh chặn UAV và tên lửa của Ukraine đã có dấu hiệu gia tăng. Chỉ trong tháng này, Nga đã thực hiện 8 vụ tập kích quy mô lớn vào Kiev. Tuy Ukraine chưa thể đánh chặn hoàn toàn những mục tiêu này, nhưng họ đã cải thiện đáng kể khả năng phòng vệ trước các mối đe dọa trên không.

Theo CNN, sự thay đổi đáng kể trong vòng vài tháng qua trong năng lực phòng không của Ukraine đến từ các hệ thống phòng thủ phương Tây viện trợ cho Kiev. Hãng tin Mỹ cho rằng, sự xuất hiện của 2 tổ hợp Patriot đã tạo ra sự thay đổi, giúp nâng cao năng lực phòng ngự của Ukraine, khi nó có thể truy dò mục tiêu từ xa, đánh chặn hiệu quả tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình.

Tuy nhiên, chỉ Patriot là chưa đủ. Ukraine trong thời gian qua đã nhận được thêm các tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung từ các nước NATO như IRIS-T của Đức hay Hawk - tổ hợp tiền nhiệm của Patriot.

"Các nhà lãnh đạo Ukraine đã tuyên bố rằng hệ thống IRIS-T có tỷ lệ đánh chặn thành công là 90%", chuyên gia Ian Wiliams thuộc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS cho biết. Ngoài ra, ông nói rằng, tổ hợp NASAMS mà Mỹ viện trợ cho Ukraine cũng có khả năng đánh chặn hiệu quả.

Ngoài ra, theo báo cáo của CSIS, các hệ thống từ thời Liên Xô như S-300 hay Buk cũng có tỷ lệ đánh chặn khoảng 80% đối với tên lửa hành trình Nga.

Mặt khác, Ukraine thành lập các đội phòng không cơ động được trang bị nhiều loại vũ khí tầm ngắn, bao gồm pháo phòng không tự hành như Shilka thời Liên Xô và Gepard do Đức sản xuất, tên lửa vác vai của Mỹ sản xuất Stinger và thậm chí cả súng máy hạng nặng DShK do Liên Xô thiết kế kết hợp với đèn rọi. 

Việc tích hợp các hệ thống vũ khí được viện trợ vào trận địa phòng không đã giúp Ukraine phát huy hiệu quả khả năng đánh chặn. Các tổ hợp sẽ đánh chặn theo từng lớp dựa vào tầm bắn của tên lửa nó phóng ra. Việc hiệp đồng tác chiến các tổ hợp trong một trận địa được xem là rất quan trọng để giúp Ukraine loại bỏ các mục tiêu đa dạng của Nga từ tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo cho tới UAV bay tầm thấp, UAV bay tầm trung.

Những thách thức

Từ năm ngoái, chiến sự Nga - Ukraine đã biến thành cuộc chiến tiêu hao, đồng nghĩa với việc bên nào có thể đảm bảo được đủ nguồn lực để chiến đấu lâu hơn sẽ là bên chiến thắng.

Một thực tế cho thấy, dù Ukraine nhận được một số tổ hợp phòng không uy lực của phương Tây, về bản chất họ vẫn sử dụng nhiều hệ thống từ thời Liên Xô để lại. Theo CSIS, Ukraine đang dần cạn kiệt kho đạn dược cho các hệ thống từ thời Liên Xô và rất khó để bù đắp kịp tốc độ tiêu hao. Trong khi đó, Nga đang dồn toàn lực trong ngành công nghiệp quốc phòng để sản xuất vũ khí mới cho chiến dịch quân sự đặc biệt.  

Báo cáo của CSIS cho biết: "Với số lượng tên lửa hạn chế còn lại, người Ukraine sẽ cần giữ chúng cho các mục tiêu ưu tiên cao nhất - máy bay hoặc tên lửa của Nga tấn công vào những địa điểm nhạy cảm nhất".

Mặt khác, dù phương Tây gia tăng viện trợ cho Ukraine các hệ thống phòng không theo chuẩn NATO, nhưng đạn dược và tên lửa đi kèm cũng ở mức hạn chế. Ukraine sẽ phải cân nhắc xem mục tiêu nào sử dụng vũ khí nào, vì nếu bắn ra tên lửa trị giá hàng trăm nghìn tới hàng triệu USD để chặn một chiếc UAV 20.000 USD sẽ là không tối ưu về mặt dài hạn.

Thách thức về đạn dược tiếp tục gia tăng khi Nga đang tích cực kéo căng và bào mòn hệ thống phòng không của Ukraine bằng cách phóng đi lượng lớn tên lửa, UAV trong các cuộc không kích với tần suất cao

Chuyên gia Williams viết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, các chiến thuật của Nga dường như nhằm mục đích chính xác là làm cạn kiệt năng lực phòng thủ của Ukraine".

Mặt khác, Ukraine cũng gặp phải thách thức khi Nga đang nhằm mục tiêu vào các hệ thống vũ khí quan trọng mà phương Tây chuyển cho Kiev, ví dụ Patriot. Vụ việc Nga dùng chiến thuật tập kích Patriot ngày 16/5 cho thấy họ đang nhằm thẳng vào "át chủ bài" của Ukraine.

Nga tuyên bố đã phá hủy trạm radar quan trọng của Patriot, diễn biến có thể khiến cho hệ thống này phải tạm dừng một thời gian để sửa chữa và điều này có thể làm suy giảm năng lực phòng không của Ukraine trong thời gian tới.

Theo Guardian