1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nhật Bản muốn G7 ra tuyên bố chung về phán quyết vụ kiện Biển Đông

(Dân trí) - Nhật Bản đang vận động các quốc gia thành viên trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) để ra tuyên bố chung về phán quyết của vụ kiện Biển Đông, với nỗ lực kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của tòa và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)
Lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5 (Ảnh: Reuters)

Theo Inquirer, Nhật Bản đang tích cực đóng vai trò trung gian trong việc vận động các nước G7 ra tuyên bố chung về phán quyết của vụ kiện Biển Đông như một phần trong nỗ lực thúc đẩy “ngoại giao chủ động”. Động thái này của Tokyo diễn ra khi chỉ vài giờ tới, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan tới yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng, tuyên bố chung của G7 sẽ gây áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, đồng thời tuân thủ luật pháp và các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp. Trung Quốc đến nay vẫn ngang ngược tuyên bố không công nhận thẩm quyền xét xử của tòa và không công nhận bất kỳ phán quyết nào do tòa đưa ra.

Tiến sĩ Masashi Nishihara, Giám đốc Viện nghiên cứu hòa bình và an ninh Nhật Bản, nhấn mạnh rằng Tokyo, với vai trò là chủ tịch của G7 năm nay, đang nỗ lực “đưa các đối tác G7 xích lại gần hơn với những người bạn ASEAN”.

“Trước khi các cuộc họp G7 diễn ra, một số nước châu Âu không mấy hứng thú với vấn đề Biển Đông, nhưng kể từ sau các cuộc họp đó, họ bắt đầu dành sự quan tâm nhiều hơn tới khu vực này”, Tiến sĩ Masashi Nishihara cho biết.

Tại Đối thoại an ninh Shangri-La vừa diễn ra ở Singapore hồi tháng trước, Pháp từng bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và đề xuất các lực lượng hải quân châu Âu cùng phối hợp tuần tra tại các vùng biển châu Á nhằm tăng cường trật tự hàng hải và tuân thủ luật pháp trong khu vực.

Trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc lần này tại tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS, Nhật Bản không phải là quốc gia có liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, nhưng chứng kiến sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực, Nhật Bản đã cam kết hỗ trợ cho Hải quân Việt Nam và Philippines để đối phó với những thách thức trên biển.

Theo Inquirer, nhiều chuyên gia nhận định rằng các nước Đông Nam Á vốn có “tiếng tốt” trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua quy trình luật pháp quốc tế và tôn trọng đầy đủ các phán quyết của cơ quan trọng tài. Điển hình phải kể tới tranh chấp giữa Singapore và Malaysia xung quanh Pedra Branca, một đảo nằm cách bờ biển Singapore 50 km. Mặc dù Singapore đã sở hữu đảo này nhưng họ vẫn đồng ý đưa vụ việc ra Tòa Công lý quốc tế (ICJ) để tranh tụng cùng Malaysia. Năm 2008, tòa tuyên bố Singapore là bên thắng kiện và cả hai nước sau đó đều chấp nhận phán quyết của tòa. Từ đó, quan hệ song phương giữa Singapore và Malaysia vẫn được duy trì tốt đẹp.

Thành Đạt

Theo Inquirer