1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhà khoa học Trung Quốc trốn trong lãnh sự quán ở Mỹ bị bắt khi khám bệnh

Minh Phương

(Dân trí) - Juan Tang bị bắt khi cô rời lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco (Mỹ) để đi khám bệnh. Cô bị cáo buộc gian lận thị thực, che giấu thân phận quân nhân.

Nhà khoa học Trung Quốc trốn trong lãnh sự quán ở Mỹ bị bắt khi khám bệnh - 1

Cô Juan Tang (Ảnh: AFP)

Bị bắt khi khám bệnh

Hãng tin Sacramento Bee dẫn thông tin từ tòa án thành phố Sacramento, bang California, cho biết cô Tang bị bắt hôm 23/7 và hiện bị giam giữ tại trại giam Sacramento để chờ phán quyết tại phiên tòa ngày 31/7 về việc có được tại ngoại hay không.

Alexandra Negin, luật sư được chính phủ Mỹ chỉ định cho cô Tang, cho hay, các nhân viên FBI đã tới lãnh sự quán Trung Quốc và thông báo rằng họ có lệnh bắt giữ cô Tang nhưng không thể vào bên trong lãnh sự quán. Các nhân viên của lãnh sự quán Trung Quốc cho biết, họ sẽ chuyển lời đến cô Tang về lệnh bắt giữ và việc rời đi hay ở lại lãnh sự quán phụ thuộc vào quyết định của cô Tang.

Luật sư này cho biết thêm, cô Tang có ý định sẽ ra trình diện cơ quan chức năng, nhưng bị hoảng khi nghe tin lệnh bắt giữ. Các nhân viên lãnh sự quán cho rằng, Tang bị hen suyễn và cần phải đi khám bác sĩ.
Lực lượng hành pháp của Mỹ được cho là đã giám sát bên ngoài lãnh sự quán và ngay khi thấy cô Tang bước khỏi lãnh sự quán lên một chiếc ô tô rời đi, họ cũng theo sát đến tận phòng khám và bắt giữ cô.

Cô Tang, 37 tuổi, nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng 12 năm ngoái và làm nghiên cứu tại Đại học Davis, thành phố San Francisco. Cô bị cáo buộc gian lận hồ sơ xin thị thực vào Mỹ khi nói dối về mối quan hệ với quân đội Trung Quốc. Các nhà điều tra đã phát hiện các bức ảnh cho thấy người phụ nữ này mặc quân phục Trung Quốc. Giới điều tra Mỹ cũng phát hiện bà Tang là nhà nghiên cứu làm việc tại Đại học Quân Y của Không quân Trung Quốc.

Các điều tra viên của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã thẩm vấn cô Tang, tại căn hộ riêng ở Davis hồi tháng 6, nhưng ngay sau đó cô đã tới lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco và ở đó hơn 1 tháng.

"Cố thủ" trong lãnh sự quán Trung Quốc hơn 1 tháng

Theo luật sư, ngay sau khi đến Mỹ vào hôm 27/12 năm ngoái, cô Tang đã chuyển đến sống tại một căn hộ ở Davis. Tuy nhiên, ít lâu sau cô nhận được tin phòng thí nghiệm nơi cô làm việc bị đóng cửa do dịch Covid-19.

"Vào tháng 6 năm nay, cô Tang nhận ra rằng cô không thể quay trở lại phòng thí nghiệm để làm việc, nên đã quyết định trở lại Trung Quốc... Cơ quan chức năng đã thẩm vấn cô ấy và tiến hành khám xét nơi ở của cô hôm 20/6. Khi đó, họ đã tịch thu hộ chiếu và thị thực của cô Tang", luật sư cho biết.

Luật sư riêng cho biết thêm, lo ngại gặp rắc rối và không thể trở lại Trung Quốc như kế hoạch vì không còn thị thực, cô đã thông báo sự việc đến lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco để đề nghị sự giúp đỡ và đã ở lại trong lãnh sự quán một tháng.

Luật sư nói rằng, cô Tang không hay biết việc mình bị buộc tội hình sự cho đến tận hôm 23/7 và cô chỉ ở lại trong lãnh sự quán để đợi thông tin về tư cách pháp lý của mình trước khi xin hộ chiếu mới.

Vụ bắt giữ cô Tang diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc leo thang căng thẳng. Cô là 1 trong 4 nhà khoa học Trung Quốc bị bắt giữ gần đây giữa lúc Washington cáo buộc Bắc Kinh tiến hành các hoạt động gián điệp trên lãnh thổ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/7 bất ngờ yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cho các nhân viên ngoại giao ở đây 72 giờ để rời đi. Các quan chức Washington cáo buộc lãnh sự quán này là một “trung tâm gián điệp” của Trung Quốc. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc, chỉ trích quyết định của Mỹ và đáp trả bằng việc yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Thành Đô.