1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nguy cơ sa lầy của quân đội Mỹ nếu “động binh” với Iran

(Dân trí) - Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài không lối thoát, thậm chí phức tạp hơn cuộc chiến Iraq, nếu quyết định phát động chiến tranh với Iran.

Nguy cơ sa lầy của quân đội Mỹ nếu “động binh” với Iran - 1

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln tập trận cùng tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge trên biển Ả rập gần Iran vào ngày 17/5. (Ảnh: Reuters)

Nỗi lo sợ về nguy cơ xảy ra chiến tranh bao trùm suốt một tuần qua khi chính quyền Mỹ rò rỉ thông tin về kế hoạch triển khai 120.000 binh sĩ tới Iran và giới tình báo tiết lộ việc Iran đưa các tên lửa lên tàu cỡ nhỏ để tấn công các tàu chiến Mỹ. Bối cảnh “căng như dây đàn” khiến nhiều người dự đoán về một kịch bản chiến tranh Iraq có thể lặp lại với nước láng giềng tại khu vực Trung Đông.

Sau động thái hạ nhiệt tạm thời, Tổng thống Donald Trump tiếp tục thổi bùng căng thẳng khi bình luận trên Twitter hôm 19/5 rằng: “Nếu Iran muốn chiến đấu, đó sẽ là cái kết chính thức của Iran. Đừng bao giờ dọa Mỹ thêm một lần nữa!”.

Theo nhà phân tích Max Boot của Washington Post, những người ủng hộ Tổng thống Trump dường như cũng thuộc nhóm hiếu chiến. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cảnh báo “Tấn công = đáp trả quyết đoán”, trong khi Thượng nghị sĩ Tom Cotton tuyên bố: “Nếu Iran tấn công quân sự Mỹ hay các đồng minh của Mỹ trong khu vực, tôi chắc chắn sẽ nghĩ tới một đòn đáp trả hủy diệt nhằm vào Iran”.

Cận cảnh dàn tàu chiến, máy bay Mỹ phô diễn sức mạnh gần Iran

John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, không đưa ra bình luận chính thức, thay vào đó ông có vẻ thích bí mật ủ mưu. Tuy vậy, cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump cũng không “lãng quên” bài bình luận ông từng viết hồi năm 2015 trên New York Times với tiêu đề: “Để ngăn Iran ném bom, hãy ném bom Iran”.

“Lời dọa dẫm của những nhân vật cứng rắn trên dường như không căn cứ trên tình hình thực tế. Tôi đã dành suốt cả tuần qua để nghiên cứu về năng lực của Iran, và tôi không nhận thấy có bất kỳ phương án quân sự nào đáp ứng được tiêu chuẩn dứt điểm hay chi phí thấp. Thay vào đó, những gì tôi thấy là viễn cảnh “mẹ của mọi cuộc sa lầy” (tại Iran): đó là cuộc xung đột mà nếu đem ra so sánh thì có thể thấy cuộc chiến Iraq, một cuộc chiến mà tôi vô cùng hối tiếc vì đã ủng hộ, chỉ là một chiến dịch “dễ như ăn kẹo””, Max Boot nhận định.

Tất nhiên Mỹ vẫn có thể ném bom Iran mặc dù điều đó không hề ít rủi ro như khi Mỹ ném bom Iraq hồi năm 2003. Iran sở hữu mạng lưới phòng không hiện đại nhất mà máy bay Mỹ từng thấy, đó là hệ thống S-300 do Nga chế tạo. Lực lượng không quân và hải quân Mỹ chắc chắn sẽ chiếm ưu thế hơn so với Iran, nhưng không dễ để Washington giành được ưu thế đó. Thậm chí, Mỹ có thể đối mặt với thiệt hại lớn hơn về phi công cũng máy bay so với các cuộc xung đột trước đây.

Sau khi vô hiệu hóa các hệ thống phòng không, Mỹ có thể tiếp tục tấn công hạ tầng quân sự và kinh tế của Iran. Tuy nhiên, nếu mục tiêu cuối cùng của Mỹ là ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, có lẽ Washington nên nghĩ đến phương án quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà nước này vừa rút ra, thay vì ném bom Iran.

Năm 2012, một nhóm các cựu nhân viên ngoại giao và tướng lĩnh ước tính các cuộc không kích của Mỹ sẽ làm thụt lùi chương trình hạt nhân của Iran “tới 4 năm”. Trong khi đó, nếu duy trì thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ có thể hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của Tehran lên tới 15 năm, từ đó dẫn tới việc xóa bỏ 97% kho nguyên liệu phân hạch của nước cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy vậy, chính quyền Trump đã đặt ra mục tiêu tham vọng hơn đối với Iran. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Iran phải dừng phát triển tên lửa, dừng đe dọa các đồng minh của Mỹ và dừng ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực.

Thế khó của Mỹ

Nguy cơ sa lầy của quân đội Mỹ nếu “động binh” với Iran - 2

Thủy thủ Mỹ kiểm tra bom trên tàu sân bay tại biển Ả rập (Ảnh: Reuters)

Theo nhà phân tích Max Boot, nếu chỉ ném bom Iran, Mỹ rất khó có thể khiến Tehran phục tùng mọi yêu cầu của Washington. Mỹ từng ném bom 3 nước Đông Dương trong nhiều năm với số lượng bom thả xuống nhiều gấp 3 lần so với tất cả các nước trong chiến tranh thế giới thứ hai cộng lại. Nhưng rốt cuộc, Mỹ vẫn thua cuộc. Hơn nữa, các cuộc không kích thường chỉ mang lại kết quả nếu được kết hợp với các cuộc tấn công trên mặt đất.

Đối với trường hợp của Iran, Mỹ thiếu một phương án tấn công mặt đất khả thi. Iran lớn hơn nhiều so với Iraq, xét cả về diện tích và dân số (Iran có 83 triệu dân với diện tích 617.000 dặm vuông, trong khi Iraq thời điểm năm 2003 chỉ có 30 triệu dân với diện tích 170.000 dặm vuông).

Xét đến bài toán quân sự với công thức ước tính khoảng 20 binh sĩ trên 1.000 dân, đồng nghĩa với việc Mỹ và các đồng minh cần khoảng 600.000 quân tại Iraq. Cũng với công thức này, để kiểm soát Iran, Mỹ cần hơn 1,6 triệu quân. Con số này nhiều hơn gấp đôi số quân thường trực của Lục quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ cộng lại, trong khi rất ít đồng minh có thể giúp đỡ được Mỹ.

Mỹ có thể lật đổ chính quyền Iran với số lượng quân ít hơn. Tuy nhiên, nếu Mỹ rời khỏi Iran ngay lập tức, như cách cố vấn John Bolton từng ủng hộ đối với trường hợp của Iraq, kết quả sẽ là tình trạng hỗn loạn theo kiểu Libya hoặc sự xuất hiện của một chế độ chống Mỹ mới tại Iran.

Ngay cả trong trường hợp Mỹ không triển khai quân trên mặt đất mà chỉ trông cậy vào các cuộc không kích, cuộc chiến tại Iran cũng không phải là bài toán “dễ thở” đối với Washington. Báo cáo từ năm 2011 của Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược đã cho thấy cách Iran phản công như thế nào bằng các chiến thuật.

Quân đội Iran phô diễn sức mạnh trong lễ duyệt binh

Iran có thể sử dụng kết hợp tên lửa hành trình chống hạm, máy bay không người lái, tàu ngầm, tàu cỡ nhỏ và ngư lôi để đánh chìm các tàu hải quân Mỹ tại các vùng biển vốn co cụm ở vùng Vịnh. Iran cũng có thể nhắm mục tiêu tới các căn cứ của Mỹ trong khu vực bằng cách triển khai kho vũ khí gồm 2.000 tên lửa của mình.

Ngoài ra, Iran cũng có thể làm tê liệt mạng lưới máy tính của Mỹ bằng các cuộc tấn công mạng. Iran có thể thuê các tay súng Hezbollah và các nhóm khác để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố ở nước ngoài. Iran thậm chí có thể triển khai lực lượng dân quân địa phương được trang bị tên lửa và xe bom để tấn công 19.000 lính Mỹ tại Iraq, Syria và Afghanistan. Iran cũng có thể nhắm tới các đồng minh của Mỹ trong khu vực khi lệnh lực lượng Houthis ở Yemen trút tên lửa vào Ả rập Xê út hay chỉ đạo lực lượng Hezbollah nã 150.000 quả rocket và tên lửa vào Israel.

Đáp lại, Mỹ có thể làm gì? Washington chỉ có thể phóng thêm vài quả tên lửa hành trình hay thả thêm vài quả bom? Trong khi đó, Tổng thống Trump khó có thể ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân để “xóa sổ” Iran.

““Hãy nói cho tôi biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”, Tướng David H. Petraeus từng đặt câu hỏi trong cuộc chiến năm 2003 của Mỹ vào Iraq. Chính quyền George W. Bush khi đó không có câu trả lời. Tương tự, những tiếng nói diều hâu cứng rắn với Iran cả ở trong và ngoài chính quyền Trump bây giờ cũng không biết cuộc chiến với Iran sẽ kết thúc như thế nào. Do vậy trong trường hợp này, tốt hơn hết là không nên liều lĩnh để xảy ra chiến tranh”, nhà phân tích Max Boot kết luận.

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm