1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

“Vũ khí lợi hại” giúp Iran đối phó sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù lép vế hơn hẳn Mỹ về sức mạnh quân sự, song “tài sản” lớn nhất của Iran tính đến thời điểm hiện tại là mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và dân quân có khả năng đe dọa ưu thế quân sự của Washington trong khu vực.

Quân đội Iran phô diễn sức mạnh trong lễ duyệt binh
“Vũ khí lợi hại” giúp Iran đối phó sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ - 1

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được Mỹ triển khai tới biển Ả rập gần Iran trong tháng 5. (Ảnh: Reuters)

Khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Iran có xu hướng tăng lên khi các quan chức Mỹ cảnh báo mối đe dọa ngày càng tăng nhằm vào các binh sĩ của nước này tại Iraq và Syria cũng như các tuyến vận tải dầu mỏ tại vịnh Ba Tư.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump dẫn các nguồn tin tình báo chưa được xác nhận cho biết các dân quân nhóm Shiite do Iran hậu thuẫn có thể tấn công các lực lượng quân sự Mỹ tại Iraq và Syria.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Washington đã “chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào”. Trong khi đó, Tổng thống Trump ngày 19/5 cảnh báo: “Nếu Iran muốn chiến tranh, đó sẽ là dấu chấm hết chính thức của Iran. Đừng bao giờ dọa Mỹ thêm một lần nữa”.

Theo Fox News, Iran có thể không sở hữu sức mạnh quân sự “khủng” như Mỹ - một siêu cường hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, Tehran vẫn có thể đe dọa sức mạnh quân sự của Washington trong khu vực.

Theo số liệu của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, Iran sở hữu một trong những kho tên lửa đạn đạo được triển khai lớn nhất tại Trung Đông với gần 1.000 tên lửa tầm ngắn và tầm trung.

Nước Cộng hòa Hồi giáo ở khu vực Trung Đông cũng duy trì lực lượng với tổng số khoảng 850.000 quân nhân và xấp xỉ 523.000 binh sĩ thường trực. Iran chi khoảng 14,5 tỷ USD cho quốc phòng.

Trong khi đó, Mỹ có tổng cộng hơn 2 triệu quân nhân và khoảng 1,3 triệu binh sĩ thường trực. Washington chi hơn 600 tỷ USD cho quốc phòng, nhiều hơn cả Nga và Trung Quốc cộng lại.

Mỹ được cho là nắm thế thượng phong, kiểm soát cả vùng trời và vùng biển. Mỹ có hơn 13.000 máy bay, trong khi Iran chỉ có 500 máy bay đã lỗi thời. Washington có tới 11 tàu sân bay, trong khi Tehran không có chiếc nào.

Thế mạnh của Iran

“Vũ khí lợi hại” giúp Iran đối phó sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ - 2

Lực lượng vệ binh cách mạng hồi giáo Iran diễu hành (Ảnh: Time)

Fox News nhận định “tài sản” lớn nhất của Iran tính đến thời điểm hiện tại là mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm và dân quân trong khu vực.

“Khi muốn trực tiếp tác động tới các lợi ích của Mỹ, các mục tiêu lớn nhất mà Iran nhắm tới là các lực lượng quân sự Mỹ triển khai tại Trung Đông, và thương mại. Iran có rất nhiều cách để tấn công trực tiếp vào các mục tiêu này. Tuy nhiên, nếu tính đến các lực lượng ủy nhiệm được (Iran) sử dụng để tấn công (Mỹ), lực lượng nổi dậy Houthi tại Yemen, Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF) tại Iraq có lẽ là những lực lượng nổi bật hơn cả”, Sim Tack, nhà phân tích về quân sự toàn cầu tại Stratfor, nhận định.

Tại Iraq, Mỹ và các lực lượng liên minh chiến đấu bên cạnh lực lượng dân quân Shiite do Iran hậu thuẫn, hay còn gọi là lực lượng PMF, trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Iran có ảnh hưởng lớn tới các đơn vị của PMF tại Iraq với gần 50.000 thành viên, so với con số 5.200 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Iraq. PMF có thể trở thành "bàn đạp" để Iran lật đổ các lực lượng nước ngoài khỏi Iraq và bình ổn hóa quốc gia Trung Đông này.

Iran cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến tại Syria thông qua việc ủng hộ nhóm dân quân Hezbollah của Lebanon và hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Iran cung cấp cho Hezbollah khoảng 200 triệu USD mỗi năm. Ước tính có khoảng 7.000 tay súng Hezbollah tại Syria đang hoạt động trực tiếp dưới sự chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Ước tính Iran có khoảng 2.500 thành viên của IRGC hoạt động tại Syria và hậu thuẫn cho từ 8.000 - 12.000 tay súng Shia nước ngoài trên khắp khu vực. Các phiến quân Houthi, những người muốn lật đổ chính quyền được quốc tế công nhận tại Yemen, là một lực lượng ủy nhiệm khác của Iran và là nhóm được tiếp nhận vũ khí, bao gồm tên lửa đạn đạo, từ IRGC.

Khi cuộc nội chiến tại Yemen leo thang vào năm 2016, Iran cũng tăng cường hỗ trợ phiến quân Houthi, cung cấp các tên lửa dẫn đường chống tăng, ngư lôi, máy bay không người lái, rocket và các khí tài quân sự khác. Với tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran tại Yemen và việc phổ biến thiết bị quân sự, lực lượng Houthi có thể gây ra mối đe dọa đáng kể đối với các tàu thuyền đi lại tại vịnh Aden và biển Đỏ.

“Vũ khí lợi hại” giúp Iran đối phó sức mạnh quân sự áp đảo của Mỹ - 3

Tên lửa Iran trong một vụ phóng. (Ảnh: RT)

Trong bối cảnh căng thẳng tăng cao, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã đệ trình một kế hoạch lên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, bao gồm đề xuất đưa 120.000 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông để đối phó với các cuộc tấn công từ Iran hoặc trong trường hợp Iran tái khởi động chương trình hạt nhân.

Theo Reuters, sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Iran Hassan Rouhani thông báo nước này sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận, tuy nhiên Tổng thống Trump vẫn kiên quyết rút Mỹ khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran khiến nền kinh tế nước này ngày càng đình trệ. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận với Iran cũng khơi dậy sự ngờ vực sâu sắc giữa hai nước.

Các lãnh đạo của Iran có thể không mong muốn tìm kiếm khả năng đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ - một lực lượng quân sự áp đảo hơn nhiều. Tuy nhiên, Iran cũng tuyên bố rõ ràng với chính quyền Trump rằng nước này sẽ không phục tùng trước những yêu sách vô lý của Washington hay khuất phục trước những lời đe dọa của quan chức Mỹ.

Mặc dù Tổng thống Trump tỏ ra không hào hứng với các cuộc phiêu lưu quân sự ở nước ngoài và vẫn muốn giữ cam kết cốt lõi từ chiến dịch tranh cử trước đây của ông về việc không can dự vào khu vực Trung Đông, song các cố vấn “diều hâu” của ông chủ Nhà Trắng như John Bolton hay Ngoại trưởng Mike Pompeo từ lâu vẫn giữ lập trường đối đầu với Tehran.

Mối đe dọa thực sự về cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran hay một cuộc chiến tranh theo kiểu Iraq trước đây có lẽ đã bị “thổi phồng”. Tuy nhiên, chỉ cần một tính toán sai lầm cũng hoàn toàn có thể dẫn tới một cuộc giao tranh hoặc thậm chí một kịch bản tồi tệ hơn thế.

Cận cảnh dàn tàu chiến, máy bay Mỹ phô diễn sức mạnh gần Iran

Thành Đạt

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm