Người Turk Syria tạm biệt, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng cô độc
Ngoài người Kurd ở trong nước và ở Syria, Iraq, lãnh đạo người Turkmen ở Syria đã công khai phản đối Ankara và trông đợi vào sự giúp đỡ của Nga.
Người Turk Syria sẽ “tuyệt giao” với Thổ Nhĩ Kỳ?
Ngày 7-3, các nhà lãnh đạo cư dân người Turkmen (Turks) ở Syria đã bày tỏ sự tiếc thương về cái chết của trung tá phi công Oleg Peshkov, cơ trưởng chiếc Su-24 Nga bị máy bay F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi, đồng thời phản đối chính quyền Erdogan và chờ sự giúp đỡ của Nga.
Các nhà lãnh đạo người Turkmen bày tỏ sự đáng tiếc về cái chết của phi công Nga trên đất làng quê họ và hy vọng vào sự giúp đỡ của Nga trong việc duy trì hòa bình cũng như trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, trước sự hiếu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đó là thông báo của trưởng lão Mustafa Kafi - người đứng đầu chính quyền khu dân cư Al-Aisauie của người Turks.
Khu dân cư này nằm cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 20 km, đã được cung cấp khoảng 5 tấn hàng viện trợ nhân đạo của chính quyền Nga và Syria. Đồng thời, chính quyền Damascus cũng đã cho xây dựng một trạm y tế dã chiến ở đây.
Phát biểu trước giới truyền thông, Trưởng lão Mustafa Kafi đã bày tỏ sự cảm tạ đối với Liên bang Nga về sự cứu giúp mà cư dân nơi đây nhận được, đồng thời cũng thẳng thắn nói lên một sự thật là Nga đang đem hòa bình tới cho toàn thế giới.
Ông cho biết, trước khi Syria xảy ra nội chiến, người dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở nước này từng có cuộc sống hạnh phúc và bình yên, trong mối quan hệ láng giềng thân thiện với tất cả các dân tộc xung quanh. Người Turks luôn hy vọng cuộc sống tốt đẹp trước đây sẽ trở lại.
“…Toàn thể chúng tôi là người Turks, nhưng chúng tôi là công dân Syria và chúng tôi muốn được tiếp tục sống trong thanh bình và hòa hợp. Chúng tôi chống lại sự hiếu chiến của Erdogan và không muốn giúp ông ta, đó là con người rất xấu xa" - trưởng lão Kafi nói.
Hiện nay, trong cộng đồng người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria, nhóm lớn nhất là người Kurd, chiếm khoảng 9% dân số (1.800.000 người). Đa số người Kurd sống ở khu vực phía bắc của Syria, ví dụ như Aleppo hay al-Hakasha. Những nhóm người Kurd khác cũng sống tại hầu hết các thành phố lớn của Syria.
Cộng đồng người gốc Thổ lớn thứ 2 ở Syria là người Turkmen, sinh sống chủ yếu tại Aleppo, Damascus và đặc biệt là Latakia. Người Turkmen đã sống ở Tây Bắc Syria kể từ thời Trung cổ, khi họ tìm tới đây để tham gia chiến dịch của người Hồi giáo chống lại những kẻ thập tự chinh tới từ châu Âu.
Hiện chưa có con số chính xác nhưng các ước tính trước nội chiến cho thấy, có khoảng 300.000 người Turkmen từng sống ở tỉnh Latakia. Trước đây, ít ai biết đến tộc người Turkmen, họ chỉ trở nên “nổi tiếng” sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay Su-24 Nga vào ngày 24-11-2015.
Trước đây, nhóm vũ trang được tuyên bố là của người Turkmen được cho là nằm dưới quyền chỉ huy của lực lượng phiến quân “Quân đội Syria Tự do” (FSA), đã bắt tay hợp tác cùng với các nhóm khủng bố Jabhat al-Nusra (Mặt trận al-Nusra - chi nhánh al-Qaeda tại Syria).
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, ông Mustafa, chủ tịch Hội người Turkmen ở Syria, đại diện dân tộc thiểu số này lại phủ nhận điều này và cho biết, nhóm khủng bố bắn chết phi công Nga không phải lực lượng vũ trang trong khu vực của họ.
Ông Fawaz Gerges, một chuyên gia về Trung Đông và là Giáo sư trường Kinh tế London (LSE) đã từng rằng, cộng đồng nhỏ này trước đây trông chờ Ankara viện trợ và bảo vệ cũng là lẽ tự nhiên, vì họ vẫn mang nguồn gốc và giữ gìn bản sắc văn hóa và ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ.
Paul T. Levin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đại học Stockholm nhận xét, người Turkmen - cũng như nhiều nhóm vũ trang khác do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - được chính phủ Erdogan cần đến để duy trì an ninh dọc biên giới như một vùng đệm.
Sự kiểm soát của họ đối với các dải đất dọc biên giới phía bắc Syria, giáp phía nam Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng chiến lược đối với Ankara, nhằm ngăn chặn khả năng người Kurd Syria áp sát biên giới và bắt tay với người Kurd trong nước (PKK) thành lập khu tự trị xuyên biên giới.
Thổ Nhĩ Kỳ hết sạch đồng minh?
Đối với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người Turkmen là đồng minh tự nhiên, không chỉ bởi nguồn gốc về dân tộc, văn hóa và ngôn ngữ mà còn bởi vì họ có kẻ thù chung là Tổng thống Syria Bashar al-Assad, vốn không quan tâm đến cuộc sống của các tộc người thiểu số.
Theo ông Gerges, các nhóm nổi dậy Turkmen đã cầm vũ khí đứng lên chống chính quyền Assad ngay từ đầu cuộc xung đột ở Syria, dù họ không phải nếm trải những gì người Kurd phải chịu đựng, chủ yếu do “nể nang” sự hỗ trợ của chính quyền Erdogan.
Về bản chất, các nhóm vũ trang Turkmen do những người Thổ Nhĩ Kỳ ở trong nước sang lãnh đạo, ví dụ như Alparslan Celik, được coi là Lữ đoàn phó Lữ đoàn duyên hải số 1 của lực lượng vũ trang Turkmen đã bắn chết Trung tá, anh hùng không quân Nga Oleg Peshkov, cơ trưởng của chiếc Su-24 bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên bầu trời Latakia.
Alpaslan Celik là công dân Thổ Nhĩ Kỳ chính gốc, có thân thế không hề đơn giản. Hắn ta chính là con trai cựu thị trưởng thành phố Keban, thuộc tỉnh Elazığ (Thổ Nhĩ Kỳ). Chính vị thị trưởng này đã đồng ý cho con trai mình sang chiến đấu ở Iraq và sau đó là Syria.
Sau vụ Su-24, các nhóm vũ trang người Turk đã trở thành kẻ thù trực tiếp số 1 của Nga nên Moscow đã tăng cường đánh phá tan hoang khu vực do nhóm này kiểm soát ở phía bắc tỉnh Latakia của Syria, sau đó hỗ trợ quân đội Syria quét sạch các khu vực này đến tận biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, đuổi tàn quân Turkmen sang biên kia biên giới.
Sau khi bị cắt đứt liên lạc và mất hết các khoản viện trợ từ phía “chính quốc” sang, người Turk Syria sống rất vất vả. Trong bối cảnh đó, Moscow và Damascus đã thực hiện chính sách “thu phục nhân tâm”, tăng cường viện trợ và xây dựng trường học, bênh viện ở khu vực này.
Có vẻ như những hành động này đã có tác dụng. Sau khi bị đánh tơi tả, cùng với những “tai tiếng” quá lớn của chính quyền Erdogan, rất có thể người Turk Syria đã “hồi tâm chuyển ý”. Như vậy là sau người Kurd, đến lượt người Turk đã nói lời tạm biệt với “chính quốc”.
Chính quyền Erdogan đã khốn lại thêm khó. Hồi tuần trước, cựu Cục trưởng Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là ông Ismail Hakki Pekin đã tuyên bố rằng, chính sách của Ankara về Syria làm không ít tướng lĩnh quân sự nước này bất mãn.
Ông Pekin nhấn mạnh mưu đồ lật đổ ông Assad và đưa một chính phủ người Sunni lên nắm quyền ở Syria là do ý kiến chủ quan của một mình Tổng thống Erdogan. Bề ngoài, có cảm giác là lực lượng vũ trang nước này đồng thuận với kế hoạch của chính phủ, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Ông này tin rằng, ban chỉ huy các lực lượng vũ trang sẽ đưa lên Chính phủ những đề xuất phù hợp, bởi nhiều tướng lĩnh hiểu rằng, thay vì nhảy vào một cuộc chiến tranh vô ích, tốn kém và kéo dài, tốt hơn hết là để Damascus tự củng cố và đẩy các hoạt động quân sự ra xa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Như vậy là chính quyền Erdogan đã tự đẩy mình vào thế cô lập cả về đối nội và đối ngoại. Trong nước thì giới quân sự nhen nhóm sự bất mãn, phe đối lập chống đối dữ dội, lực lượng vũ trang của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nổi dậy tấn công dữ dội ở khu vực miền nam.
Tất cả các quốc gia láng giềng xung quanh, những tộc người gốc Thổ ở các nước lân cận đều đã biến thành kẻ thù. Mỹ và NATO tuyên bố không ủng hộ hoạt động quân sự ở Syria và không can dự nếu nước này gây ra chiến tranh với Nga và Iran, thậm chí đã xuất hiện ý kiến đòi đuổi Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO.
Có vẻ như trong tình huống này, nếu không có Saudi Arabia thì Ankara không còn nhận được sự trợ giúp của bất cứ ai trong chiến lược ở Syria.
Theo Toàn Thắng
Đất Việt