1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người Mỹ trở về từ Việt Nam sốc trước cách chống dịch tại quê nhà

(Dân trí) - Sau khi cùng vợ con rời khỏi Việt Nam, Paul Neville cảm thấy lo lắng trước cách chống dịch Covid-19 tại Mỹ dù số ca tử vong và nhiễm bệnh ngày càng tăng lên.

Người Mỹ trở về từ Việt Nam sốc trước cách chống dịch tại quê nhà - 1

Paul Neville cùng vợ và 2 con tại sân bay. (Ảnh: Seattle Times)

Paul Neville, sống ở Seattle, bang Washington, Mỹ, là người đồng sáng lập và vận hành một nền tảng học trực tuyến. Trước đó, anh từng có 14 năm làm việc với vị trí là nhà ngoại giao tại Bộ Ngoại giao Mỹ.

Gia đình Paul đã rời khỏi Việt Nam không lâu trước khi toàn bộ chuyến bay quốc tế bị đình chỉ. Thay vì cảm thấy nhẹ nhõm khi hạ cánh xuống Mỹ, Paul lo sợ khi chứng kiến việc thiếu các biện pháp phòng dịch an toàn, đồng thời lo ngại về cuộc khủng hoảng Covid-19 tại Mỹ so với các nước châu Á.

“Tôi vô cùng lo ngại về khả năng của Mỹ trong việc ngăn chặn một thảm kịch về kinh tế và y tế”, Paul cho biết.

Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ nâng mức cảnh báo đi lại lên cấp độ 4, kêu gọi toàn bộ người Mỹ ở nước ngoài lập tức về nước, gia đình Paul đã đã đặt chuyến bay rời khỏi Việt Nam. Mặc dù số ca mắc Covid-19 không ngừng tăng lên tại Mỹ, song Paul vẫn muốn trở về nhà vì tin rằng anh có thể tiếp cận sự hỗ trợ về y tế với chất lượng hàng đầu tại quê nhà.

“Tại Việt Nam, theo khuyến cáo của chính phủ, mọi người đều phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Trong mọi tòa nhà, doanh nghiệp, khu chung cư và nơi công cộng, các nhà chức trách đều kiểm tra thân nhiệt và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn. Chính quyền yêu cầu toàn bộ hành khách trên chuyến bay của chúng tôi từ TP HCM tới Đài Bắc phải đeo khẩu trang, thậm chí cả đứa con 2 tuổi của tôi cũng phải đeo. Việt Nam, cũng các nước khác của châu Á, coi virus Covid-19 là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”, Paul cho biết.

Trong khi đó, Paul nói rằng trên chuyến bay với phần lớn hành khách là người Mỹ từ Đài Bắc (Đài Loan) tới Seattle (Mỹ), chỉ một nửa đeo khẩu trang. Thậm chí Paul đã đứng giữa lối đi của máy bay để nhắc nhở 3 cô gái trẻ đang trở về từ chuyến du lịch ngắn ngày tới Thái Lan. Họ giả vờ ho và đùa giỡn về Covid-19. Paul đưa khẩu trang, nhưng họ từ chối với thái độ ngạo mạn bất cần.

Cách chống dịch khác biệt

Sau khi máy bay hạ cánh xuống Seattle, Paul tưởng rằng anh sẽ được gặp các nhân viên mặc đồ bảo hộ và cầm sẵn thiết bị đo thân nhiệt. Seattle là một điểm nóng của dịch bệnh tại Mỹ, tương tự Vũ Hán tại Trung Quốc hay Milan tại Italia.

Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của Paul, các nhân viên tại sân bay vẫn mặc đồ như bình thường. Khi Paul hỏi một nhân viên hải quan Mỹ về lý do cô không đeo khẩu trang, người này đã bối rối nhìn anh và nói “vì ở đây không có khẩu trang”.

“Đúng là thảm họa, khi virus Covid-19 cực kỳ dễ lây lan và có thể tồn tại trong không khí tới vài giờ đồng hồ. Chỉ cần một người nhiễm bệnh hắt hơi một lần là có nguy cơ lây nhiễm cho tất cả người xung quanh. Thảm họa này cũng đáng sợ không khác gì việc thiếu bộ xét nghiệm”, Paul nhận định.

Hàng trăm người chết mỗi ngày tại Italia vì Covid-19, bất chấp nỗ lực phong tỏa. Paul cho rằng, nếu không có những biện pháp mạnh tay như các nước châu Á, Seattle và các thành phố khác ở Mỹ sẽ chỉ mất 3 tuần để “đuổi kịp” số người chết kinh hoàng ở Italia.

"Tại Trung Quốc đại lục, Việt Nam, Hong Kong hay Singapore, nếu một người bị phát hiện nhiễm Covid-19, chính quyền sẽ phong tỏa cả tòa nhà và cách ly cả khu phố, đưa đồ ăn cho mọi người thông qua cửa sổ. Sau đó, một đội ngũ sẽ truy tìm hành trình của người nhiễm bệnh và kiểm tra cả những ai đã từng tiếp xúc với người này. Ngay cả khi thực hiện những nỗ lực đáng kinh ngạc như vậy, nhiều quốc gia vẫn đang phải chiến đấu với làn sóng bùng phát thứ hai của dịch", Paul cho biết.

Paul nhận thấy nhiều người Mỹ vẫn chưa coi Covid-19 là vấn đề nghiêm trọng. Hàng nghìn tỷ USD đã bốc hơi và hàng triệu việc làm đã bị xóa sổ. Còn cần điều gì thêm nữa để thuyết phục mọi người rằng đại dịch này thực sự rất khủng khiếp?

“Phải chăng mọi người sẽ lo sợ hơn nếu một người nổi tiếng nào đó thiệt mạng hay một người thân bị nhiễm bệnh? Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 có thể mới chỉ khoảng 1%, nhưng có tới 20% số người bị nhiễm phải nhập viện và có thể bị tổn thương phổi vĩnh viễn. Chẳng lẽ người Mỹ còn phải đợi đến khi số ca nhiễm và tử vong vượt qua cả Trung Quốc hoặc số người chết (vì Covid-19) nhiều hơn cả cúm mùa hàng năm thì họ mới coi Covid-19 là vấn đề nghiêm trọng?”, Paul đặt câu hỏi.

Tuy vậy, Paul nói rằng anh không muốn “hối hận” khi trở về Mỹ, dù Việt Nam đang “là nơi an toàn hơn”.

“Mọi người phải tuân thủ lệnh “ở trong nhà” của Thống đốc (Washington) Jay Inslee. Ngoài ra, chúng ta cũng nên hối thúc các nhà chức trách tăng cường xét nghiệm cho mọi người, đẩy mạnh việc sản xuất và phân phát khẩu trang, trước hết cho các nhân viên y tế, sau đó cho những người làm việc tại nơi công cộng như sân bay, rồi tới công chúng, đồng thời bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng, bao gồm trên máy bay”, Paul nói.

 

Thành Đạt

Theo Seattle Times