Truyền thông Đức đánh giá cao cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam
(Dân trí) - Hãng truyền thông Đức cho rằng Việt Nam đã làm tốt công tác chống dịch Covid-19 mặc dù tiếp giáp Trung Quốc, nơi dịch bùng phát đầu tiên.
Trong bài viết với tiêu đề tạm dịch “Việt Nam đã chiến thắng trong “cuộc chiến” chống virus corona như thế nào” của hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW), người viết đã tìm câu trả lời cho câu hỏi: Là một quốc gia đông dân cạnh Trung Quốc, Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế trong việc đối phó với virus corona. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như vậy?
Trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành tại các nước châu Âu, khu vực cách rất xa Trung Quốc, Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch dù có khoảng cách địa lý gần Trung Quốc.
Tính đến nay, Đức ghi nhận hơn 280 ca tử vong và hơn 47.200 ca mắc Covid-19. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ có hơn 150 ca nhiễm bệnh và chưa có bất kỳ ca tử vong nào kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát hồi tháng 1.
Theo DW, cho đến nay, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống virus corona.
Trong dịp Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1, chính phủ Việt Nam đã “phát động cuộc chiến” với virus corona, mặc dù dịch bệnh khi đó mới chỉ bùng phát mạnh tại Trung Quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rằng: “Chống dịch như chống giặc”.
Theo DW, cuộc chiến chống dịch Covid-19 phụ thuộc nhiều vào nguồn ngân sách dồi dào của chính phủ và hệ thống y tế công cộng tốt.
Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, không thể phát động một cuộc chiến chống dịch theo kiểu Hàn Quốc, nơi tiến hành 350.000 xét nghiệm. Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có tới 8 triệu dân, cho biết chỉ có 900 giường chăm sóc đặc biệt để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Do vậy, nếu dịch bùng phát mạnh, hệ thống y tế của thành phố sẽ bị quá tải.
Để chống dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và tiến hành theo dõi toàn bộ những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Các biện pháp này được thực hiện sớm hơn nhiều so với giai đoạn bùng phát dịch tại Trung Quốc - nơi lệnh phong tỏa các thành phố chỉ được đưa ra như giải pháp cuối cùng để ngăn virus lây lan.
Chẳng hạn, vào ngày 12/2, Việt Nam đã cho cách ly toàn bộ một khu vực gồm 10.000 người gần Hà Nội trong 3 tuần. Vào thời điểm đó, mới chỉ có 10 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Các cơ quan chức năng tại Việt Nam cũng thu thập thông tin kỹ lưỡng về bất kỳ trường hợp nào từng tiếp xúc với người mang virus.
Các nước phương Tây như Đức chỉ thống kê những trường hợp nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Trong khi đó, Việt Nam theo dõi cả những trường hợp tiếp xúc ở cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 với người nhiễm virus. Tất cả những người này sau đó đều được kiểm soát nghiêm ngặt theo từng cấp độ về quá trình di chuyển và hạn chế tiếp xúc.
Ngay từ đầu, bất kỳ ai từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao tới Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và đại học đều phải đóng cửa từ đầu tháng 2.
Bài viết trên DW cũng đề cập tới vai trò của lực lượng an ninh quân đội khi triển khai lực lượng và trang thiết bị để đối phó với dịch Covid-19 tại Việt Nam.
“Việt Nam cũng áp dụng khẩu hiệu thời chiến trong cuộc chiến chống lại virus corona. Thủ tướng nói rằng mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là một pháo đài để ngăn chặn dịch bệnh. Điều này đã tác động đến nhiều người Việt Nam, những người luôn tự hào về khả năng sát cánh cùng nhau trong khủng hoảng và vượt qua khó khăn”, DW đưa tin.
Theo DW, truyền thông Việt Nam cũng phát động chiến dịch truyền tải thông tin rộng khắp. Bộ Y tế Việt Nam đã lan truyền một bài hát với nội dung kêu gọi phòng chống virus corona và ca khúc này đã trở nên nổi tiếng.
Thành Đạt
Theo DW