1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Người “dọn đường” cho chuyến đi lịch sử của ông Trump tới Singapore

(Dân trí) - Một người đàn ông với hàng chục năm kinh nghiệm làm việc cho nhiều đời tổng thống Mỹ đã chịu trách nhiệm chuẩn bị hậu cần cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều tại Singapore.

Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin (Ảnh: AP)
Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng Joe Hagin (Ảnh: AP)

Vào những ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq, Giám đốc Mật vụ Mỹ W. Ralph Basham đã được triệu tập tới Phòng Tình huống của Nhà Trắng để gặp một trợ lý thân cận của cựu Tổng thống George W. Bush - ông Joe Hagin. Ông Hagin khi đó nói rằng Tổng thống Bush muốn dành ngày lễ Tạ ơn tại thủ đô Baghdad bên cạnh các binh sĩ do chính ông điều tới Iraq để tham chiến trước đó 8 tháng.

“Một ý tưởng tồi tệ”, ông Basham nhớ lại câu đã nói với ông Hagin.

Tuy nhiên, Joe Hagin không bị nao núng trước câu nói của giám đốc Mật vụ Mỹ. Ông thậm chí còn đưa ra lời đáp trả mau lẹ.

“Tổng thống sẽ tới Baghdad. Chúng ta có thể đi cùng ông ấy hoặc gặp ông ấy khi ông ấy trở về”, ông Hagin nói.

Phong cách làm việc quyết đoán của Joe Hagin đã trở thành nét đặc trưng của người đàn ông này. Joe Hagin đã phục vụ trong chính quyền của tất cả tổng thống Cộng hòa kể từ thời Ronald Reagan. Trong hàng chục năm, ông đã chuẩn bị kế hoạch hậu cần dành cho các tổng thống, tổ chức các hội nghị thượng đỉnh, các chuyến công du nước ngoài và cả các chuyến đi bí mật tới vùng chiến sự của các nhà lãnh đạo Mỹ. Ông từng tham gia tổ chức cuộc gặp lịch sử tại Malta năm 1989 giữa Tổng thống H.W. Bush và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Sự hiện diện của Joe Hagin trong nhóm quan chức cấp cao tại Nhà Trắng đã trấn an các đồng nghiệp cũ của ông, thậm chí các đảng viên Dân chủ, những người lo lắng về số phận của nước Mỹ sau cuộc bầu cử với chiến thắng thuộc về tỷ phú Donald Trump.

“Trong bối cảnh Nhà Trắng thường cho thấy sự bất ổn như vậy, nếu không có Joe Hagin, tôi nghĩ mọi thứ sẽ còn hỗn loạn hơn”, cựu Chánh Văn phòng Bolton nhận định.

Một số quan chức cho biết ông Hagin từng tỏ ra không thoải mái với phong cách “phi truyền thống” và thói quen sử dụng Twitter của Tổng thống Trump. Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng thậm chí còn giấu các chi tiết hậu cần nhạy cảm với Tổng thống Trump, trong đó có thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Mỹ hồi năm ngoái. Ông Hagin sợ rằng tổng thống có thể sẽ tiết lộ kế hoạch chuyến thăm lên mạng xã hội.

Cuộc gặp lịch sử

Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều (Ảnh: Getty)
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều (Ảnh: Getty)

Ở thời điểm hiện tại, trên cương vị Phó Chánh Văn phòng Nhà Trắng, Joe Hagin đang được kỳ vọng sẽ tổ chức thành công một chuyến đi lịch sử đưa Tổng thống Donald Trump tới gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. Chuẩn bị mọi thứ cho hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ trong khoảng thời gian gấp rút, đây có lẽ là sự kiện đáng chú ý nhất trong sự nghiệp của Joe Hagin.

Được điều tới Singapore hồi tuần trước để đàm phán các thông tin chi tiết về hậu cần với phái đoàn quan chức Triều Tiên, ông Hagin nắm vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp từng bị hủy bỏ giữa lãnh đạo hai nước. Những gì ông Hagin làm tại Singapore có thể quyết định xem hội nghị thượng đỉnh này có khả năng diễn ra hay không. Ngay từ đầu, các mối lo ngại về an ninh đã “phủ bóng” lên kế hoạch chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh này khi các bên phải lựa chọn địa điểm tổ chức để đảm bảo rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể di chuyển an toàn ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên.

Theo các quan chức cấp cao Nhà Trắng, các cuộc thảo luận kéo dài suốt một tuần của ông Hagin với các quan chức Triều Tiên tại Singapore đã đóng vai trò quan trọng giúp Tổng thống Trump tự tin tuyên bố hôm 1/6 rằng: “Chúng tôi sẽ gặp nhau vào ngày 12/6 tại Singapore”. Một quan chức cho biết ông Hagin rốt cuộc cũng hoàn tất các chi tiết hậu cần cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Các cựu đồng nghiệp của Joe Hagin nói rằng nếu có bất kỳ ai đủ khả năng chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh có sự tham gia của một nhà lãnh đạo Triều Tiên chỉ trong vài tuần, thì đó chỉ có thể là Joe Hagin.

“Trong số tất cả những người trên thế giới có thể khiến hội nghị này diễn ra, Joe Hagin là người xuất sắc nhất”, Basham, nhà sáng lập hãng tư vấn Command Ground với ông Hagin sau khi cả hai rời chính quyền Mỹ, cho biết.

Chọn khách sạn Capella trên đảo Sentosa nổi tiếng của Singapore làm “địa bàn” chính, Joe Hagin và một nhóm các quan chức Nhà Trắng đã đi khảo sát các phòng họp, khách sạn và tòa nhà chính phủ trong suốt tuần qua để có thể chốt nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh, trong khi vẫn phải thương lượng những điểm còn chưa thống nhất về hậu cần với các đối tác Triều Tiên.

Công việc chuẩn bị này lẽ ra đã được tiến hành từ hơn 2 tuần trước nhưng Hagin và đội ngũ của ông vẫn phải chờ tín hiệu từ phía phái đoàn Triều Tiên. Trong lúc đó, Tổng thống Trump bất ngờ gửi thư cho ông Kim Jong-un tuyên bố hủy cuộc gặp. Tuy vậy, chỉ vài ngày sau, nhà lãnh đạo Mỹ lại đổi ý và kế hoạch vẫn diễn ra như ban đầu. Ngay lập tức, Mỹ và Triều Tiên nối lại liên lạc và Joe Hagin quay trở lại Singapore.

“Thông thường với những sự kiện kiểu này, bạn sẽ phải mất vài tháng để chuẩn bị. Có thể mọi chuyện sẽ không suôn sẻ như bạn muốn, nhưng sự có mặt của Joe tạo cho tôi rất nhiều sự tin tưởng”, Josh Bolten, cựu Chánh văn phòng của chính quyền Bush người quen Joe Hagin hơn 20 năm, nhận định.

Khó khăn khi đàm phán

Ông Hagin tới Singapore đàm phán với phái đoàn Triều Tiên (Ảnh: Reuters)
Ông Hagin tới Singapore đàm phán với phái đoàn Triều Tiên (Ảnh: Reuters)

Các nguồn tin thạo tin cho biết ông Hagin phải đàm phán với những người đồng cấp Triều Tiên rất nhiều vấn đề, bao gồm số lượng nhân viên an ninh được phép đi vào phòng họp cùng nhà lãnh đạo Triều Tiên, cách ông Kim Jong-un di chuyển tới Singapore bằng máy bay cũ của Liên Xô, vấn đề cấp nhiên liệu cho máy bay của ông Kim Jong-un để máy bay này có thể di chuyển qua lại giữa hai nước…

Các cuộc đàm phán của phái đoàn Mỹ Triều tại Singapore thu hút sự quan tâm rất lớn từ truyền thông. Joe Hagin thường bị hàng chục phóng viên vây kín chỉ vài phút sau khi ông rời phòng họp. Thậm chí hơn một lần, các nhà đàm phán phải thay đổi địa điểm họp vào phút chót để tránh tai mắt của truyền thông.

Các cuộc họp cũng diễn ra với tần suất chậm chạp. Một nguồn tin cho biết các quan chức Triều Tiên đàm phán tại Singapore rất thận trọng khi đưa ra quyết định. Họ phải xin ý kiến trong gần như mọi chi tiết về hậu cần với cấp trên ở Bình Nhưỡng. Mỗi lần xin ý kiến như vậy, các cuộc đàm phán với phía Mỹ bị ngắt quãng từ một đến hai ngày trước khi cả hai bên đạt được sự đồng thuận từ những vấn đề nhỏ nhất.

Trong khi đó, Nhà Trắng để ông Hagin gần như toàn quyền quyết định những phương án tốt nhất trong quá trình chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh, bao gồm cả địa điểm tổ chức sự kiện lịch sử này. Với vai trò là Phó Chánh Văn phòng, Joe Hagin giám sát gần như mọi khía cạnh trong các vấn đề hậu cần và nhân sự tại Nhà Trắng. Ông Hagin cũng tham gia vào các vấn đề liên quan tới chính sách đối ngoại nhạy cảm nhất, như chuyến đi với Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Triều Tiên hồi tháng 5 để đàm phán về việc thả 3 công dân Mỹ bị Bình Nhưỡng giam giữ.

Thành Đạt

Tổng hợp