1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Ngòi lửa" Marawi vẫn âm ỉ

Thành phố Marawi ở miền Nam Philippines đang bị tàn phá khủng khiếp bởi các phần tử khủng bố Hồi giáo. Cảnh tượng các đường phố, tòa nhà và khu vực lân cận bị phá hủy hoàn toàn ở ngay giữa nơi từng là khu thượng lưu ở đảo Mindanao này khiến người ta liên tưởng đến tình hình ở thành phố Aleppo và các thành phố khác đang chìm trong giao tranh ở Trung Đông.

Sau 3 tuần lễ giao tranh, 58 binh sĩ đã thiệt mạng, trong đó có một đơn vị gồm 13 lính thủy đánh bộ đã ngã xuống hôm 10-6 vừa qua trong một vụ đấu súng dữ dội nhất từ trước đến nay. Khoảng 40 binh sĩ khác đã bị thương trong cái mà quân đội Philippines miêu tả là “cuộc chiến sử dụng các kỹ năng cận chiến” chống lại các tay súng Hồi giáo ở ngôi làng Madaya.

Hàng trăm kẻ khủng bố, trong đó có các tay súng từ Indonesia, Malaysia và một số quốc gia khác, được cho là vẫn đang chiếm đóng ít nhất 10% thành phố này. Các cuộc nã đạn pháo, tấn công trên bộ và trên không trong 2 tuần qua không thể đánh đuổi chúng khỏi các điểm ẩn náu, dù quân đội nói rằng 138 tay súng đã bị tiêu diệt. Trong khi đó, 29 dân thường đã thiệt mạng.


Thành phố Marawi đang bị các cuộc giao tranh tàn phá từng ngày

Thành phố Marawi đang bị các cuộc giao tranh tàn phá từng ngày

Vì sao là Marawi?

Trước khi xảy ra cuộc bao vây của các phần tử khủng bố, Marawi từng là một cộng đồng kiểu mẫu với sự chung sống hòa hợp giữa những người Hồi giáo và Cơ đốc giáo. Hiện tại, gần như toàn bộ 200.000 cư dân tại đây đã phải rời bỏ nhà cửa do cuộc giao tranh.

Theo trang mạng philstar.com, dường như có hai kịch bản mà nhóm phiến quân Maute hy vọng sẽ đạt được. Thứ nhất, có thể là nhóm này hy vọng việc chiếm giữ thành phố Marawi sẽ kích động toàn bộ khu vực và truyền cảm hứng cho các nhóm thánh chiến khác tiến hành những vụ nổi dậy tương tự hoặc ít nhất là huy động sự ủng hộ của họ. Nếu đây là mục tiêu của chúng, thì rõ ràng chúng đã thất bại. Hiện vẫn chưa có bất kỳ cuộc nổi dậy nào khác. Trên thực tế, các nhóm Hồi giáo khác đã đề nghị hỗ trợ Chính phủ Philippines nhằm chấm dứt sự bao vây tại Marawi.

Một động cơ khác có vẻ hợp lý hơn đó là vụ tấn công này là nỗ lực tuyên truyền lớn tương tự chiến lược của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Đây có thể là một nỗ lực để thu hút các thành viên trẻ hơn và thiếu kiên nhẫn hơn của các nhóm thánh chiến và Hồi giáo khác. Giống như IS, cũng có thể nhóm Maute đang cố gắng thuyết phục các phần tử cực đoan trong số các nhóm khác rằng bạo lực - thay vì tìm kiếm giải pháp chính trị - là công cụ tốt hơn để đạt được mục tiêu mong muốn.

Có thể thấy rằng nhóm Maute sẽ cố gắng kéo dài cuộc bao vây càng lâu càng tốt để tận dụng hơn nữa nỗ lực tuyên truyền và cố gắng thu hút thêm nhiều thành viên. Về viễn cảnh sẽ xảy ra, nhóm Maute có thể bị lực lượng chính phủ bắt giữ hoặc tiêu diệt các phần tử nổi dậy còn lại. Một khả năng nữa là chúng cố trốn thoát hoặc sử dụng các con tin làm “vật trao đổi” để có thể rời khỏi Marawi mà không phải đầu hàng.

Sự hiện diện của Mỹ

Ngày 14-6, người phát ngôn quân đội Philippines, Chuẩn tướng Restituto Padilla, cho biết các binh sĩ Mỹ đang có mặt trên chiến trường ở thành phố Marawi - nơi quân đội Philippines đang chiến đấu chống lại các tay súng Maute có liên hệ với IS để giành quyền kiểm soát. Đây là lời khẳng định chính thức về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Marawi. Các quan chức Mỹ đã khẳng định sự giúp đỡ này là một phần của kế hoạch chống khủng bố trong dài hạn và nhấn mạnh trong một tuyên bố đưa ra hôm 12-6 rằng các binh sĩ của Lực lượng Đặc nhiệm đã “cung cấp hỗ trợ và viện trợ ở miền Nam Philippines trong nhiều năm qua”.

Sự hiện diện của Mỹ ở Marawi là rất phức tạp, không chỉ bởi khả năng quân đội Mỹ có thể bị sa lầy vào cuộc chiến. Hiến pháp Philippines ngăn cấm sự hiện diện của các binh sĩ chiến đấu nước ngoài và Tổng thống Rodrigo Duterte, người thường tranh cãi với Mỹ - một đồng minh quân sự của Philippines, đã đe dọa trục xuất các lực lượng của Mỹ khỏi quốc gia Đông Nam Á này.

Ngày 11-6, ông Duterte phát biểu với báo giới rằng ông “chưa bao giờ đặt vấn đề với Mỹ” để yêu cầu giúp đỡ và không biết về sự trợ giúp quân sự của Mỹ ở Marawi. Các phát biểu này cho thấy quân đội Philippines, vốn có mối quan hệ từ lâu với quân đội Mỹ, dường như đã không tham vấn ông Duterte.

Ngày 14-6, Chuẩn tướng Padilla nói: “Vấn đề duy nhất ở đây là khi chiến dịch quân sự bắt đầu ở Marawi, Tổng thống đã chỉ đạo Tham mưu trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng làm tất cả những gì có thể để dập tắt mối đe dọa này”. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ và Philippines chịu sự ràng buộc của Hiệp ước quốc phòng chung năm 1951 trong đó kêu gọi các bên phải viện trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra cuộc xâm lược bởi bên thứ ba.

Đe dọa an ninh khu vực

Theo báo Liên hợp buổi sáng của Singapore, tình hình khủng bố tại Philippines đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, thậm chí còn đe dọa tới an ninh toàn bộ khu vực. Báo này dẫn lời chuyên gia nghiên cứu Rohan Gunaratna thuộc Trung tâm nghiên cứu bạo lực chính trị và chủ nghĩa khủng bố quốc tế ở Singapore cho rằng đảo

Mindanao đã trở thành căn cứ địa của các phần tử khủng bố khu vực. Một số phần tử sau khi được huấn luyện hoặc từng có kinh nghiệm khủng bố ở nước ngoài đã trở về hoạt động tại khu vực này. Do vậy, Tổng thống Duterte trên thực tế đang phải đối mặt với một tổ chức khủng bố xuyên quốc gia.

Ông Gunaratna nhấn mạnh vấn đề của Philippines cũng là vấn đề của Đông Nam Á, đường đi của các phần tử Hồi giáo cực đoan tại khu vực này tới Trung Đông và gia nhập IS cho đến nay vẫn chưa bị chặt đứt. Miền Nam Philippines đang trở thành một chiến trường khác của các phần tử khủng bố từng được huấn luyện và có kinh nghiệm chế tạo bom cũng như thực chiến.

Thêm vào đó, IS hiện đã công khai mục tiêu thiết lập chi nhánh của chúng tại khu vực Đông Nam Á. Về tổng thể, lực lượng khủng bố tại Philippines, Indonesia và Malaysia có thể sẽ phát triển và hình thành thế “chân vạc” tại khu vực Đông Nam Á. Theo ông Gunaratna, một trong những thách thức nguy hiểm nhất mà thế giới đang phải đối mặt trong năm 2017 là IS sẽ mở rộng mạng lưới cũng như hoạt động của chúng ra phạm vi toàn cầu, trở thành lực lượng khủng bố quốc tế.

Điều này cũng giống như tình trạng của mạng lưới khủng bố al-Qaeda trong khoảng thời gian từ năm 2001-2002, từ các căn cứ địa thiết lập tại Afghanistan và Pakistan đã nhanh chóng phát triển ra tất cả các khu vực trên toàn thế giới.

Ông Ernesto Abella, người phát ngôn cho Tổng thống Philippines

"Ngòi lửa" Marawi vẫn âm ỉ - 2

Philippines biết trước kế hoạch tấn công Marawi

Theo một quan chức của Chính phủ Philippines, chính quyền Manila đã nhận được thông tin tình báo ít nhất 5 ngày trước khi phiến quân mở cuộc tấn công đẫm máu tại thành phố Marawi hôm 23-5. Giải thích lý do Chính phủ không ngăn chặn được cuộc đánh chiếm này cho dù biết trước được âm mưu này, ông Ernesto Abella, người phát ngôn cho Tổng thống Philippines khẳng định rằng do thông tin tình báo phải qua quá trình thẩm định song quân đội Chính phủ đã hành động kịp thời khi lên kế hoạch truy kích nơi ẩn náu của đối tượng Isnilon Hapilon - thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf, đồng thời là phần tử phụ trách IS tại Philippines.

Indonesia, Malaysia, Philippines họp chống khủng bố

Việc hàng trăm phiến quân xâm chiếm thành phố Marawi của Philippines đã cảnh báo các Chính phủ ở Đông Nam Á - những quốc gia vốn lo ngại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể mang tới làn sóng bạo lực cực đoan ở khu vực này sau khi mất đi lãnh thổ ở Iraq và Syria. Do vậy, các Bộ trưởng Quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao của Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ tổ chức họp tại thị trấn Tarakan trên đảo Borneo (Indonesia) vào ngày mai 19-6 để bàn thảo về các mối đe dọa cũng như những biện pháp phối hợp tốt hơn để đối phó với khủng bố.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm