1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại trưởng Thái Lan đệ đơn từ chức

(Dân trí) - Ngoại trưởng Thái Lan ngày 3/9 đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Samak Sundaravej, giữa lúc Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) lần đầu tiên đưa ra tín hiệu thoả hiệp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Tờ “Dân tộc” của Thái Lan dẫn lời một quan chức ngoại giao cấp cao và các nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ khẳng định Thủ tướng Samak đang cố gắng thuyết phục Ngoại trưởng Tej Bunnag thay đổi quyết định, hay ít nhất cũng đợi đến khi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay qua đi.

 

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, hiện vẫn chưa có xác nhận chính thức từ phía ông Tej, người mới chỉ giữ chức ngoại trưởng được 40 ngày.

 

Tờ “Dân tộc” dẫn các nguồn tin cho biết ông Tej viện nguyên nhân từ chức là do vợ ốm. Nhưng giới phân tích cho rằng chính áp lực cao từ vấn đề đền Preah Vihear giáp giới Campuchia và cuộc khủng hoảng chính trị trong nước khiến ông đưa ra quyết định này.

 

Thư ký của ông Tej là Poksak Nilubol đã từ chức hôm 2/9.

 

PAD đổi tín hiệu thoả hiệp lấy gì?

 

Lãnh đạo nòng cốt của PAD Sondhi Limthongkul chiều qua đã lần đầu tiên đưa ra tín hiệu thoả hiệp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.

 

Ông Sondhi cho biết ông có kế hoạch đưa ra 4 điều kiện nhằm chấm dứt khủng hoảng, gồm: chính phủ cam kết không sửa đổi hiến pháp, tôn trọng quyết định của Toà án Hiến pháp về khu đền Pread Vihear, ngừng triển khai các dự án vĩ mô, cam kết cải cách chính trị và tăng cường sự tham gia của công luận vào chính trị. Ông sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận với các nhà lãnh đạo PAD.

 

Tuy nhiên, ông Sondhi khẳng định các điều kiện trên chỉ được thực hiện sau khi Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức.

 

Cùng ngày hôm qua, các doanh nghiệp Nhà nước bắt đầu đình công để gây áp lực đối với chính phủ. Các công đoàn, đại diện cho hơn 200.000 công nhân viên, đã kêu gọi các thành viên tham gia tổng đình công. Họ đe dọa cắt điện, nước của các cơ quan chính quyền.

 

Tuy nhiên, theo các quan sát viên tại chỗ, rất ít người hưởng ứng lời kêu gọi của các lãnh đạo công đoàn và các dịch vụ công cộng vẫn hoạt động bình thường.

 

Hôm nay, sẽ có một tuyên bố?

 

Tin về Ngoại trưởng Tej đệ đơn từ chức xuất hiện chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Samak ban bố tình trạng khẩn cấp tại Thủ đô Bangkok. “Nếu đúng, đây sẽ là một đòn mạnh nữa giáng vào chính phủ của Thủ tướng Samak”, nhà phân tích Boonyakiat Karavekphan của Đại học Ramkhamhaeng (Thái Lan) nói.

 

Ông Tej đã được Nhà Vua Thái Lan ký Sắc lệnh phê chuẩn bổ nhiệm làm Ngoại triưpửmg, chức vụ bị bỏ  trống sau khi ông Noopadon Pattama tuyên bố từ chức. Ông Tej Bunnag năm nay 64 tuổi, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng giữ chức vụ Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao và Đại sứ của Thái Lan tại các nước Trung Quốc, Pháp và Mỹ…

 

Trong khi đó, nhiều phỏng đoán cho rằng ngày hôm nay, 4/9, ông Samak sẽ đưa ra một tuyên bố.

 

Những người chỉ trích chính phủ hy vọng đây sẽ là tuyên bố từ chức, trong khi một số nhà quan sát cho rằng động thái này sẽ dọn đường cho một cuộc bầu cử đột xuất.

 

Nguyễn Viết

Theo THX, AP, Reuters

Dòng sự kiện: Chính trị Thái Lan