1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại giao thân tình trong cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập

Minh Phương

(Dân trí) - Nhắc lại kỉ niệm, gửi lời chúc sinh nhật, dành lời khen cho người đối diện là những cử chỉ thân tình giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp mới đây.

Ngoại giao thân tình trong cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: EPA).

Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến điền trang Filoli ở California hôm 15/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chờ đón sẵn ở đó. Sau màn bắt tay chào hỏi, ông Biden rút điện thoại ra và cho nhà lãnh đạo Trung Quốc xem bức ảnh một người đàn ông đang tạo dáng ở Cầu Cổng Vàng - biểu tượng của thành phố San Francisco.

Ông Tập Cận Bình lập tức mỉm cười và nói: "Tôi biết. Đó chính là tôi 38 năm trước". Chủ nhân Nhà Trắng cười và đáp lại: "Ngài không thay đổi mấy".

Cuộc hội đàm kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ của hai nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc mở đầu bằng câu chuyện rất gần gũi như thế. Trong cuộc hội đàm, ông Biden thậm chí gửi lời chúc mừng sinh nhật đến Đệ nhất Phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện (20/11).

Kết thúc phần đầu hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ăn trưa, sau đó tản bộ cùng nhau trong khuôn viên của điền trang mà không cần đến phiên dịch viên.

Cuối buổi hội đàm, khi ông Tập Cận Bình tiến đến chiếc limousine Hồng Kỳ do Trung Quốc sản xuất để chuẩn bị ra về, ông Biden đã khen chiếc xe đẹp và giống chiếc "Quái thú" chuyên dùng để chở Tổng thống Mỹ. Ông Tập Cận Bình mỉm cười và ra hiệu để một trợ lý cho ông Biden xem nội thất của chiếc xe.

Đó là một vài trong số những chi tiết về ngoại giao cá nhân trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc.

Ông Biden khen xe của ông Tập (Video: Phoenix).

Phó giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận định, ông Tập Cận Bình đang xây dựng một hình ảnh gần gũi. "Nhưng liệu ông ấy có thể thuyết phục người Mỹ rằng Trung Quốc không phải mối đe dọa hay không lại là chuyện khác", giáo sư Wu nói.

Quan hệ Mỹ - Trung vốn căng thẳng càng thêm căng thẳng sau khi Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc hồi đầu năm nay. Washington cũng đưa ra loạt hạn chế, lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp Trung Quốc, ngăn các doanh nghiệp này tiếp cận công nghệ cao của Mỹ do lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.

Cuộc hội đàm hôm 15/11 nhằm tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa hai nước bất chấp những khác biệt. Tại cuộc hội đàm này, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận trong đó có nối lại liên lạc giữa quân đội với quân đội.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, ông Biden nhấn mạnh: "Tôi và ông ấy vẫn còn những khác biệt, nhưng ông ấy rất thẳng thắn". Chủ nhân Nhà Trắng cho biết, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ nhấc máy nếu người kia gọi.

Rorry Daniels, Giám đốc điều hành tại Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á, nhận định đó là một cam kết cá nhân ủng hộ việc phối hợp giải quyết khi có vấn đề phát sinh.

Tuy nhiên, các chuyên gia và giới chức hai bên cũng thừa nhận rằng những khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc không thể biến mất trong một sớm một chiều.

"Ông Tập nhiều lần cho rằng Mỹ đang tìm cách kiềm chế Trung Quốc. Quan điểm này không thể nhanh chóng thay đổi", Stephen Olson, học giả tại Hinrich Foundation, bình luận.

Theo Phó Giáo sư Dylan Loh tại Đại học Công nghệ Singapore Nanyang, cuộc hội đàm cho hai bên cơ hội làm rõ hơn "lằn ranh đỏ" với bên còn lại để hướng tới một mối quan hệ ít đối kháng và thù địch hơn.

Phát biểu với phóng viên sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Mỹ và Trung Quốc có thể là đối tác thay vì đối thủ của nhau và có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Lãnh đạo Mỹ - Trung nói gì trong cuộc gặp thượng đỉnh?

Theo Straits Times