1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ngoại giao âm nhạc của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được cho là đã mang lại một bộ mặt mới và một vai trò mới cho nền âm nhạc nước nhà kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2011

ban nhac 2.jpg

Ban nhạc Moranbong do chính ông Kim Jong-un lập ra. (Ảnh: Reuters)

Ban nhạc với phong cách mới

Dưới thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, chỉ âm nhạc định hướng tư tưởng mới được phép phổ biến ở Triều Tiên. Dưới thời cố lãnh đạo Kim Chính Nhật, những dòng nhạc bị cấm trước đó, kể cả nhạc jazz, cũng đã bắt đầu được chấp nhận và khuyến khích. Tuy nhiên, phải đến khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền văn hóa âm nhạc với khuynh hướng hội nhập mới thể hiện rõ nét.

Sau khi Chủ tịch Kim Jong-il qua đời vào cuối năm 2011, ông Kim Jong-un đã lập ra ban nhạc Moranbong, một ban nhạc với toàn bộ thành viên là nữ quân nhân, phong cách biểu diễn hiện đại mang cả phong cách phương Đông và phương Tây, đặc biệt có sự ảnh hưởng lớn từ văn hóa nhạc pop Hàn Quốc. Bên cạnh những ca khúc cách mạng truyền thống, các ca khúc tuyên truyền chính sách của đảng, Moranbong cũng như nhiều nhóm nhạc hiện nay ở Triều Tiên còn thể hiện những ca khúc phương Tây như “My Way”, “Mickey and Minnie Mouse”, “Eye of the Tiger”.

Các thành viên của Moranbong được yêu cầu phải có khả năng chơi nhạc cụ và thể hiện được nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Moranbong nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa có tính mở, hội nhập của Triều Tiên và có ảnh hưởng đến mọi tầng lớp ở quốc gia này, đặc biệt là giới trẻ.

Các cô gái của Moranbong nổi tiếng đến mức không người dân nào ở Triều Tiên là không biết đến họ, thậm chí tờ tin tức chính thống của Triều Tiên - Rodong Sinmun - từng ví tầm quan trọng của Moranbong đối với đời sống tinh thần của người dân Triều Tiên giống như lúa gạo trong đời sống vật chất, và thậm chí còn hơn thế. Đối với phụ nữ Triều Tiên, phong cách của những cô gái trong ban nhạc Moranbong được coi như biểu tượng thời trang.

Ngoại giao mềm

ban nhac 1.jpg

Ban nhạc nữ Triều Tiên mang phong cách trẻ trung. (Ảnh: Foreign Policy)

Moranbong đã biểu diễn tại các sự kiện quan trọng ở Triều Tiên. Ngoài ra, giới chức Bình Nhưỡng coi Moranbong là một công cụ ngoại giao mềm và đó là lý do Moranbong gắn liền với nhiều sự kiện ngoại giao của Triều Tiên.

Triều Tiên từng cho phép ban nhạc này biểu diễn phục vụ một phái đoàn Cuba vào tháng 9/2015. Tháng 2/2016, ban nhạc lại được chú ý với buổi biểu diễn chào mừng một vụ thử tên lửa. Đầu năm nay, ngay trước chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc, một đoàn nghệ thuật của Triều Tiên cũng đã được cử đi lưu diễn tại Bắc Kinh.

ban nhac 3.jpg

Ông Kim Jong-un và phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm nhạc Hàn Quốc lưu diễn ở Bình Nhưỡng trong hoạt đông giao lưu nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều. (Ảnh: Getty)

Năm 2018, cùng với sự ấm lên trong quan hệ liên Triều, người ta nhận thấy sự xuất hiện thường xuyên hơn của các đoàn nghệ thuật Triều Tiên trong các sự kiện ngoại giao. Triều Tiên đã cử đoàn nghệ thuật gồm 140 người tới Thế vận hội mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc, và trong đó không thể thiếu ban nhạc nữ Moranbong.

Giới quan sát cho rằng, với việc cử đoàn văn nghệ trong đó có Moranbong đến Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc đầu năm ngoái, Triều Tiên muốn phô bày hình ảnh một đất nước hiện đại, ngoài sự mong đợi của cả thế giới.

Triều Tiên đã chứng kiến một cuộc cách mạng về văn hóa, âm nhạc kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Tuy vậy, điều quan trọng là chính quyền Triều Tiên vẫn không tách rời âm nhạc khỏi chính trị. Cùng với sự đổi mới về phong cách, các ban nhạc hiện nay ở Triều Tiên vẫn được đào tạo bài bản, tiếp tục "các hoạt động nghệ thuật nguyên bản theo ý thức hệ của đảng".

Minh Phương
Theo Foreign Policy, BBC