Nghịch lý từ tình yêu của người dân Singapore dành cho điều hòa không khí
(Dân trí) - Tình yêu lâu năm của người dân Singapore đối với máy điều hòa không khí lạnh càng cho thấy rõ nghịch lý "Catch 22" của biến đổi khí hậu mà tất cả các quốc gia dựa vào điều hòa không khí phải đối mặt.
Vào tháng trước, khi nhiệt độ tăng vọt lên hơn 37 độ C, Chee Kuan Chew chỉ thấy duy nhất một lựa chọn: hủy bỏ tất cả các kế hoạch ra ngoài và ở trong nhà với điều hòa không khí mát lạnh thoải mái.
"Bạn không thể sống thiếu điều hòa mát lạnh ở Singapore. Không thể chịu nổi cái nóng này", Chee nói.
Chee, sinh viên 20 tuổi, sống cùng gia đình trong căn hộ 4 phòng ngủ ở Ang Mo Kio, khu phố sôi động ở đảo quốc này và từng gây chú ý khi nhiệt độ nơi này đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm qua trong đợt nắng nóng gần đây.
Với Chee, việc nhà anh có 5 máy điều hòa, gồm 4 chiếc cho 4 phòng ngủ và một ở phòng khách là điều thật may mắn. "Tôi đã uống nhiều nước, tắm nước lạnh và bật điều hòa suốt cả ngày cuối tuần. Đó là cách tôi kiểm soát cái nóng", Chee nói.
Nằm cách đường xích đạo khoảng 140km về phía bắc, đảo quốc sư tử nổi tiếng nóng và ẩm, với nhiệt độ kéo dài trên 26 độ quanh năm, một loại khí hậu đã biến Singapore trở thành một trong những quốc gia có nhiều điều hòa nhiệt độ nhất trên thế giới. Tỷ lệ điều hòa trên đầu người cũng cao hơn bất kỳ nước nào ở khu vực Đông Nam Á.
Thật vậy, tại quốc đảo này, điều hòa không khí gần như đã trở thành một lối sống không thể thiếu. Một văn phòng hoặc trung tâm mua sắm mà không có điều hòa gần như là điều không tưởng. Có tới 99% chung cư tư nhân được trang bị điều hòa, và phần lớn các chung cư nhà ở công cộng cũng vậy.
Cố thủ tướng Lý Quang Diệu từng gọi điều hòa không khí là "phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20" và ghi nhận nó đã giúp hòn đảo này trở thành một trong những trung tâm tài chính ưu việt của thế giới.
Nhưng tình yêu của người dân Singapore cũng đi kèm với hệ quả rất lớn.
Nó đã "nhốt" quốc gia vốn đã nóng bức ngày càng nóng hơn, điều mà chuyên gia gọi là "vòng luẩn quẩn nguy hiểm".
Đó là nghịch lý Catch 22 (đề cập đến một tình huống hoặc quy tắc mâu thuẫn như kiểu con gà-quả trứng) của biến đổi khí hậu mà tất cả các quốc gia dựa vào điều hòa không khí phải đối mặt để làm cho cuộc sống trở nên dễ chịu hơn một chút.
Nói một cách đơn giản: thế giới càng ấm lên thì càng có nhiều người chuyển sang sử dụng điều hòa nhiệt độ. Và họ càng sử dụng điều hòa, thế giới càng ấm lên.
Nghịch lý ấm nóng lên toàn cầu
So với những chiếc ôtô ngốn xăng và chăn nuôi bò, máy điều hòa không khí thường ít bị các phương tiện truyền thông đề cập đến khi nói về thủ phạm gây nóng lên toàn cầu. Nhưng chính nó là một lực lượng mạnh mẽ trong việc đẩy nhanh biến đổi khí hậu.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã ước tính rằng, nếu không được kiềm chế thì khí thải nhà kính liên quan đến điều hòa không khí có thể gây ra mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên tới 0,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Ảnh hưởng của chúng đối với sự ấm nóng lên toàn cầu là gấp đôi.
Thứ nhất, giống như tủ lạnh, nhiều máy điều hòa không khí ngày nay sử dụng một loại chất làm mát được gọi là hydrofluorocarbons (HFC), là loại khí nhà kính độc hại.
Thứ hai, và có lẽ thậm chí còn có nhiều vấn đề hơn, máy điều hòa không khí có xu hướng tiêu hao lượng lớn điện năng, được tạo ra từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính điều hòa không khí và quạt chiếm tới 10% tổng lượng tiêu thụ điện toàn cầu.
Là một đảo quốc nhỏ bé, Singapore, với dân số khoảng 5,4 triệu người và diện tích nhỏ hơn một chút so với thành phố New York của Mỹ, chỉ đóng góp một phần nhỏ lượng HFC và tiêu thụ điện giúp thúc đẩy sự nóng lên toàn cầu.
Ví dụ, ngay cả với mức sử dụng bình quân đầu người cao, tổng lượng khí thải của nó vẫn không thể so với Nhật Bản và Mỹ, nơi có khoảng 90% hộ gia đình sử dụng điều hòa không khí, theo WEF.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Singapore sẽ không phải gánh hậu quả của một thế giới đang ấm lên mỗi ngày. Theo dữ liệu chính phủ công bố năm 2019, đảo quốc đã nóng lên nhanh gấp đôi so với phần còn lại của thế giới trong 6 thập kỷ qua. Nhiệt độ tối đa hàng ngày có thể lên mức 37 độ C vào năm 2100.
Nhưng nhiệt độ tăng ở Singapore không chỉ là do sự ấm lên toàn cầu. Một nguyên nhân khác là hiệu ứng "đảo nhiệt đô thị", tức là các khu vực đô thị hóa cao có nhiệt độ cao hơn so với các khu vực xung quanh.
Matthias Roth, giáo sư Đại học Quốc gia Singapore, cho biết khó xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của điều hòa với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Nhưng trong các khu vực sầm uất, giao thông đông đúc và nhiều nhà cao tầng sử dụng điều hòa, "sự nóng lên cục bộ có thể góp phần làm tăng 1-2 độ C".
Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) đã cấm cung cấp chất làm lạnh có GWP (tiềm năng nóng lên toàn cầu) cao kể từ tháng 10/2022 và cho biết họ khuyến khích các hộ gia đình sử dụng quạt thay vì điều hòa nhiệt độ nếu có thể.
Cơ quan chính phủ này cũng đã khuyên người dân nên hẹn giờ và nhiệt độ không thấp hơn 25 độ C cũng như bảo trì thường xuyên để duy trì hiệu quả.
Cân nhắc đến những lo ngại về môi trường, một trường đại học địa phương đã xây dựng cái mà họ gọi là "tòa nhà sử dụng năng lượng ròng bằng không" đầu tiên của đất nước.
Họ tự hào với các không gian mở được thông gió tự nhiên và một sáng tạo về "hệ thống làm mát hỗn hợp cung cấp 100% không khí trong lành được làm mát trước".
Đi vào hoạt động từ năm 2019, tòa nhà SDE 4 gồm 6 tầng tại khuôn viên Trường Thiết kế và Môi trường của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là minh chứng cho thấy tiện nghi khí hậu mát mà "không cần phải đánh đổi bằng môi trường", các kiến trúc sư của tòa nhà nói với CNN.
"Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng đây sẽ là một tòa nhà có năng lượng ròng bằng không", Phó hiệu trưởng của trường Heng Chye Kiang nói.
Ở đây, quạt trần được sử dụng thay thế cho các thiết bị điều hòa. Cảm biến thông minh đo lường và quản lý các biến số từ nhiệt độ, độ ẩm và carbon dioxide đến các hạt không khí, ánh sáng và âm thanh để "thúc đẩy giảm mức tiêu thụ năng lượng".
Nhà trường hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho các tòa nhà và nhà thiết kế khác đạt và giảm sử dụng năng lượng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.