1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mâu thuẫn Mỹ - Trung tác động thế nào tới hợp tác chống biến đổi khí hậu?

Ninh Vân

(Dân trí) - Mâu thuẫn giữa 2 nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra thảm họa đối với các mục tiêu chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Mâu thuẫn Mỹ - Trung tác động thế nào tới hợp tác chống biến đổi khí hậu? - 1

Trưởng đoàn đàm phán khí hậu Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Trung Quốc Xie Zhenhua tại Cop 26 ở Glasgow, Anh (Ảnh: AFP).

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp nhằm trả đũa Mỹ sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Theo đó, Bắc Kinh sẽ ngừng hợp tác với Mỹ về chống biến đổi khí hậu, cùng với các vấn đề quan trọng khác.

Quyết định của Bắc Kinh ngừng hợp tác với Mỹ nhằm đối phó cuộc khủng hoảng khí hậu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Các nhà ngoại giao khí hậu nhiều kinh nghiệm đã thúc giục hai bên nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán để giúp ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu, vốn đang diễn biến ngày càng tồi tệ.

Mặc dù chưa rõ mức độ mà Trung Quốc rút lui khỏi các cuộc thảo luận về khí hậu, động thái trên có nguy cơ làm trật hướng sự hợp tác vốn đã mong manh giữa hai quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới, khi chỉ còn vài tháng nữa là diễn ra hội nghị quan trọng của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu - Cop 27 - tại Ai Cập vào mùa thu này. Các chuyên gia cho rằng có rất ít hy vọng tránh được thảm họa nóng lên toàn cầu nếu không có hành động mạnh mẽ của Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia chiếm tổng cộng khoảng 40% lượng khí thải nhà kính trên thế giới.

Sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa hai "ông lớn" xảy ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều thảm họa do biến đổi khí hậu trong mùa hè năm nay, với những đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng càn quét Mỹ và châu Âu, nhiệt độ tăng cao ở Ấn Độ và Trung Quốc, và lũ lụt tàn phá tại Mỹ, Nam Á và châu Phi.

Mỹ đang chuẩn bị thông qua luật khí hậu mang tính bước ngoặt ở trong nước, nhưng nhìn chung các chính phủ trên thế giới vẫn chưa hành động đủ mạnh để tránh vi phạm các mục tiêu khí hậu đã được thỏa thuận. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres hồi tháng trước đã cảnh báo, mục tiêu giới hạn tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C đang rất mong manh.

"Quan hệ Mỹ - Trung thường giống một tàu lượn siêu tốc và chúng ta thường xuyên chứng kiến những đợt bùng phát. Bạn có thể đóng băng các cuộc đàm phán nhưng không thể đóng băng các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu", Laurence Tubiana, giám đốc điều hành của Tổ chức Khí hậu châu Âu và là kiến trúc sư chủ chốt của thỏa thuận khí hậu Paris, nhận định.

Bà Laurence nói thêm, vì lợi ích của chính Trung Quốc và Mỹ, việc hành động về vấn đề khí hậu và tái khởi động đối thoại là cần thiết. Trung Quốc nhận ra lợi ích để hành động và nước này cam kết với thỏa thuận khí hậu Paris và đang tiến tới các cam kết trong nước về giảm than đá, mê tan.

Cần phối hợp hành động

Mâu thuẫn Mỹ - Trung tác động thế nào tới hợp tác chống biến đổi khí hậu? - 2

Lũ lụt nghiêm trọng làm hơn 1.000 người chết tại Pakistan hồi tháng 8. Các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, cháy rừng đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới trong năm 2022 (Ảnh: Reuters).

Mỹ và Trung Quốc đã cáo buộc nhau không hành động đủ để cắt giảm lượng khí thải đang đốt nóng hành tinh ở nhiều thời điểm khác nhau trong những năm gần đây. Trung Quốc đã công kích "sự ích kỷ" của Mỹ khi cựu Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm các biện pháp bảo vệ môi trường vào năm 2017. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden, người kế nhiệm ông Trump, năm ngoái cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mắc "sai lầm lớn" khi không tham dự hội nghị thượng đỉnh Cop 26 ở Scotland.

Tuy nhiên, hai cường quốc đã đạt được một bước đột phá trong các cuộc đàm phán ở Glasgow, Anh vào tháng 11 năm ngoái, khi hai bên bất ngờ đồng ý một kế hoạch phối hợp cùng nhau khẩn cấp về cắt giảm lượng khí thải. Ông Xie Zhenhua, người đứng đầu phái đoàn của Trung Quốc, cho biết cả hai nước phải "đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh và carbon thấp". Ông John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Mỹ, thừa nhận rằng các quốc gia luôn có những khác biệt nhưng "hợp tác là cách duy nhất để hoàn thành công việc này".

Theo ông Nate Hultman, cựu trợ lý của ông Kerry và hiện là giám đốc Trung tâm Bền vững Toàn cầu tại Đại học Maryland, sự phối hợp về khí hậu đã giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức của Mỹ và Trung Quốc, cũng như dẫn dắt vai trò lãnh đạo cho các quốc gia khác.

"Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau là một khía cạnh quan trọng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Điều đó có thể thúc đẩy các quốc gia khác hành động nhiều hơn nữa", ông Hultman nói.

Theo ông Hultman, mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc rất phức tạp, nhưng cả hai nước đều hiểu biến đổi khí hậu không chỉ là một vấn đề song phương, mà có một khía cạnh toàn cầu đối với vấn đề này. "Đó là điều mà tôi hi vọng sẽ đưa họ hợp tác cùng nhau. Hi vọng rằng, sự gián đoạn hiện này chỉ là tạm thời và họ có thể trở lại bàn đàm phán càng sớm càng tốt", ông nói.

Ông Hultman nói thêm, Cop 27 sẽ không thành công nếu Mỹ và Trung Quốc không thu hẹp các khác biệt của họ. "Chúng ta sẽ phải tập trung vào những vấn đề có thể hành động với tư cách là một cộng đồng quốc tế", ông nhấn mạnh.

Theo Guardian