1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nghi vấn tin tặc Trung Quốc làm tê liệt "thủ phủ tài chính" Ấn Độ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các tin tặc bị nghi là từ Trung Quốc đã tấn công mạng, làm tê liệt lưới điện, giao thông tại thành phố Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ - hồi năm ngoái.

Nghi vấn tin tặc Trung Quốc làm tê liệt thủ phủ tài chính Ấn Độ - 1

 (Ảnh minh họa: Reuters)

Gần 5 triệu hộ gia đình ở Mumbai - "thủ phủ tài chính" Ấn Độ - đã chịu cảnh mất điện hôm 13/10/2020 sau khi mạng lưới điện ở thành phố này gặp trục trặc kỹ thuật. Hệ thống đường sắt bị đình trệ trong khi thị trường chứng khoán bị ngừng hoạt động trong nhiều giờ.

Một nghiên cứu mới được công bố của công ty an ninh mạng Mỹ Recorded Future đã đặt ra nghi vấn rằng tin tặc Trung Quốc có thể đứng sau vụ việc này.

Recorded Future nói rằng có những dấu hiệu cho thấy nhóm tin tặc Trung Quốc Red Echo dường như đứng sau vụ việc. Công ty này thậm chí còn đặt ra nghi vấn các nhóm tin tặc khác nghi có liên quan tới Trung Quốc được cho đã gia tăng các vụ tấn công mạng nhằm vào các tổ chức Ấn Độ từ đầu năm 2020.  

"10 công ty điện lực khu vực, bao gồm 4/5 trung tâm điều tiết phụ tải khu vực (RLDC) chịu trách nhiệm vận hành lưới điện dường như đã trở thành mục tiêu trong một chiến dịch tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng của Ấn Độ. Hai mục tiêu khác được xác định là 2 cảng biển của Ấn Độ", báo cáo của Recorded Future cho hay.

Nghi vấn trên được New York Times đăng tải đầu tiên, vài tuần trước khi chính phủ Ấn Độ công bố báo cáo điều tra vụ việc. Nó trùng với quan ngại của Cục Không gian mạng bang Maharashtra, cơ quan cho rằng sự cố mất điện có thể là do tin tặc Trung Quốc gây ra. Nitin Raut, Bộ trưởng điện năng Maharashtra, vào thời điểm đó, nhận định sự cố mất điện là do "phá hoại".

Nghiên cứu của Recorded Future đặt ra giả thuyết về mối liên hệ giữa vụ tấn công mạng của Red Echo với cuộc xung đột Trung - Ấn ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Ladakh từ giữa năm ngoái. Công ty Mỹ cho rằng vụ mất điện quy mô lớn có thể đã được lên kế hoạch nhằm gửi thông điệp tới New Delhi rằng không nên quá cứng rắn liên quan tới các tuyên bố chủ quyền.

Căng thẳng quân sự ở Ladakh bắt đầu từ tháng 4 năm ngoái và đã leo thang sau vụ xung đột đẫm máu nhất giữa quân đội 2 nước kể từ cuộc chiến năm 1962, khi khoảng 24 quân nhân từ 2 phía đã thiệt mạng trong cuộc ẩu đả vào tháng 6/2020.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm