Nghi vấn Nga đưa đoàn tàu bọc thép mang theo vũ khí đặc biệt tới Ukraine
(Dân trí) - Quân đội Nga có thể sẽ điều động đến Ukraine các đoàn tàu hỏa bọc thép được trang bị tổ hợp phòng không Pantsir-S1.
Trang Defense Express hôm 10/3 đưa tin, quân đội Nga đang lên kế hoạch đưa các đoàn tàu bọc thép được trang bị một số toa đặc biệt tới tham chiến tại Ukraine. Các toa này sẽ được gắn một số loại vũ khí đặc biệt nhằm tăng uy lực chiến đấu của đoàn tàu bọc thép, trong đó có cả tổ hợp phòng không hiện đại Pantsir-S1. Ngoài ra, một số tháp pháo xe tăng và phương tiện công binh cũng có thể được lắp đặt trên đoàn tàu hỏa bọc thép của Nga.
Việc trang bị tổ hợp Pantsir-S1 có thể xem là một bước cải tiến nhằm tăng cường năng lực phòng không cho đoàn tàu hỏa bọc thép của Nga. Trước đó, những đoàn tàu loại này thường chỉ được trang bị các vũ khí như pháo phòng không 2 nòng Zu-23-2, súng máy hạng nặng Utyos cỡ nòng 12,7mm hay súng phóng lựu.
Thời gian gần đây, Nga đã liên tục đưa các đoàn tàu hỏa bọc thép đến Ukraine nhằm bảo vệ tuyến đường hậu cần huyết mạch cho lực lượng tham chiến tại Ukraine trong bối cảnh quân đội của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang chuẩn bị cho đợt phản công lớn tại khu này trong thời gian tới.
Ngoài ra, theo Bộ Quốc phòng Nga, các đoàn tàu bọc thép này cũng thực hiện nhiệm vụ "giám sát kỹ thuật, xử lý bom mìn và khôi phục các tuyến đường sắt cũng như các công trình nhân tạo nhỏ bị hư hại nhẹ" tại Ukraine.
Về Pantsir-S1, đây là một tổ hợp tên lửa và pháo phòng không hiện đại của quân đội Nga. Tổ hợp này được phòng thiết kế KBP thiết kế và đưa vào sử dụng từ năm 2003, với nhiệm vụ chính là tiêu diệt các mục tiêu bay tầm ngắn và tầm trung của đối phương. Được đặt trên khung gầm xe bánh xích hoặc bánh lốp, Pantsir-S1 được trang bị các pháo phòng không tự động và tên lửa đất đối không để tấn công mục tiêu bay của đối phương.
Tổ hợp Pantsir-S1 được điều khiển và dẫn đường bởi các radar cực nhạy, thiết bị quang học theo dõi mục tiêu và hệ thống máy tính bên trong đài chỉ huy. Tại chiến trường Ukraine, Pantsir-S1 được sử dụng rất phổ biến nhằm bảo vệ các lực lượng Nga trước sức tấn công của tên lửa, hỏa tiễn và UAV Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga trước đó khẳng định tỷ lệ đánh trúng của tổ hợp Pantsir-S1 tại Ukraine lên tới 100%.
Trước đó, nhiều tổ hợp loại này đã được cẩu lên nóc các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Moscow, bao gồm cả trụ sở Bộ Quốc phòng Nga để đề phòng các đợt tập kích đường không của Ukraine.