Nghi ngờ gia tăng quanh vụ máy bay rơi tại Hy Lạp
Giới chức quốc phòng Hy Lạp hôm qua tiết lộ, có một người đã cố gắng điều khiển chiếc máy bay của hàng không Síp, trước khi nó lao xuống sườn núi phía bắc Athens. Nhưng việc có nhiều thông tin chưa được công bố gây mâu thuẫn khiến nghi ngờ quanh thảm kịch này ngày càng tăng.
Chính phủ và quân đội Hy Lạp từ chối bình luận chi tiết về thông tin trên vì cho rằng cuộc điều tra vụ tai nạn chưa kết thúc. Điều này càng làm tăng những phỏng đoán về nguyên nhân bí ẩn làm rơi chiếc phi cơ của hãng Helios Airways, đang trên đường từ thành phố Larnaca, thuộc đảo Síp, tới thủ đô Athens.
Trong khi đó tại London, Hiệp hội các phi công dân dụng Anh hối thúc chính phủ Hy Lạp phải công bố những phát hiện ban đầu trong vụ tai nạn, vì lợi ích của ngành công nghiệp hàng không. Người đứng đầu hiệp hội là cơ trưởng Mervyn Granshaw bày tỏ: "Có một số báo cáo rõ ràng là mâu thuẫn với nhau và những tuyên bố không đầy đủ. Chúng ta cần phải biết được chuyện gì đã xảy ra càng nhanh càng tốt, cứ trì hoãn quá lâu thì việc đoán già đoán non càng tăng".
Ban đầu, chính phủ Hy Lạp cho biết nguyên nhân tai nạn là do trục trặc kỹ thuật chứ không phải một hành động khủng bố. Nhưng với quá nhiều câu hỏi xung quanh thảm kịch này chưa được trả lời thoả đáng, các chuyên gia trong ngành công nghiệp hàng không cho rằng, mọi chuyện hãy còn quá sớm để khẳng định điều này.
Hai chiếc phi cơ chiến đấu F-16 của không quân Hy Lạp được lệnh cất cánh ngay sau khi chiếc máy bay của hãng Helios Airways mất liên lạc tại khu vực trên biển Aegean. Các phi công lái F-16 báo cáo, họ nhìn thấy chiếc ghế của phi công chính trên máy bay trống không, còn phi công phụ thì gục xuống bảng điều khiển, có thể là đang bị bất tỉnh.
Chính phủ Hy Lạp cũng cho hay, các phi công F-16 của họ nhìn thấy hai người chưa được nhận diện trong buồng lái và đang cố tìm cách điều khiển chiếc máy bay. Nhưng giới chức Athens không công bố bản báo cáo của các phi công chiến đấu về những gì họ nhìn thấy trong 23 phút bay cuối cùng của chiếc máy bay dân dụng của Síp và việc nó bị rơi như thế nào.
Các hãng truyền thông của Hy Lạp thì trích lời một số quan chức quốc phòng giấu tên cho biết, phi công F-16 có nhìn thấy một ai đó trong buồng lái, có thể là một người đàn ông. Người này điều khiển chiếc máy bay khi nó đang bay theo chế độ tự động và hạ dần độ cao theo đường hướng dẫn hạ cánh. Lúc đó máy bay đang ở độ cao khoảng 11.200 mét và tiến gần về phía sân bay Athens.
Sau đó, người đàn ông nói trên bẻ lái để chiếc máy bay không hướng về thành phố Athens, rồi hạ xuống độ cao còn khoảng hơn 600 mét. Tiếp theo nó lại bay trở lại lên độ cao 2.133 mét trước khi bị hết nhiên liệu và lao xuống đất. Thông tin này khiến các chuyên gia nhận định, có ai đó biết cách điều khiển máy bay trong buồng lái và người này không muốn liên lạc với đài kiểm soát không lưu.
Theo giới truyền thông, người đàn ông nói trên cố gắng cho máy bay hạ cánh xuống vùng đồi núi. Lúc đó máy bay đã bay quá giờ theo lịch trình khoảng một tiếng rưỡi, dài gấp đôi thời gian bình thường từ Síp tới Athens. Một số nguồn tin cho biết, người này là phụ tá trên chuyến bay có tên Andreas Prodromou, 25 tuổi, và có bằng phi công.
Trước đây từng có nhiều vụ phi công tự sát và cố tình cho máy bay bị rơi. Ngày 31/10/1999, một phi công của hãng EgyptAir thực hiện chuyến bay từ New York tới Cairo đã điều khiển máy bay lao xuống Đại Tây Dương, ngoài khơi Nantucket làm 217 người chết.
Nhiều chuyên gia hàng không cũng tin rằng, một phi công có ý định tự sát là nguyên nhân vụ tai nạn ngày 19/12/1997 tại Indonesia. Trong thảm kịch đó, một chiếc Boeing 737-300 của hãng hàng không Singapore SilkAir rơi gần thành phố Palembang, làm toàn bộ 104 người trong khoang thiệt mạng. Chính phủ Indonesia kết luận, họ không biết nguyên nhân khiến chiếc máy bay này bị rơi.
Theo Đình Chính
Vnexpress/AP, Reuters