1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ngày thứ ba trọng đại ở Mỹ

(Dân trí) - Các ứng cử viên tổng thống Mỹ đang chạy nước rút trên chặng đường đầu tiên dẫn vào Nhà Trắng trước khi Ngày thứ ba trọng đại đến gần, ngày nhiều bang đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ, quyết định xem ứng cử viên nào giành được sự đề cử của hai đảng.

 

Ngày thứ ba trọng đại bắt đầu từ khi nào?

 

Cụm từ “Ngày thứ ba trọng đại” hay “Siêu thứ ba” bắt đầu được dùng vào đầu những năm 1980 khi cả ba bang ở miền nam đồng loạt tổ chức tranh cử vào ngày thứ ba thứ hai của tháng ba. Tuy nhiên Ngày thứ ba trọng đại lớn đầu tiên lại rơi vào ngày 8/3/1988 khi Bush cha kết thúc thành công cuộc chạy đua giành sự đề cử của đảng Cộng hoà.

 

Ai có thể bỏ phiếu trong Ngày thứ ba trọng đại?

 

Ở một số bang, cử tri phải đăng ký với đảng Dân chủ hoặc đảng Cộng hoà để tham gia vào các cuộc bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên hơn một nửa số bang trong Ngày thứ ba trọng đại cho phép các cử tri độc lập đi bỏ phiếu. Trong một số trường hợp cử tri đăng ký với đảng Dân chủ hoặc Cộng hoà ngay trong ngày bầu cử. Một số trường hợp khác không cần đăng ký.

 

Có bao nhiêu bang tiến hành bầu cử trong Ngày thứ ba trọng đại năm nay?

 

Các bang tham gia bầu cử trong Ngày thứ ba trọng đại

 

Cả hai đảng: Arizona, Arkansas, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Georgia, Illinois, Massachusetts, Minnesota, Missouri, New Jersey, New York, Oklahoma, Tennessee, Utah,

 

Chỉ có đảng Dân chủ: Idaho, Kansas, New Mexico

 

Chỉ có đảng Cộng hoà: Montana, West Virginia

Tất cả có 24 bang sẽ tổ chức bầu ứng cử viên đại diện cho đảng tham gia vào cuộc đua vào tháng 11, trong đó có American Samoa.

 

Năm nay có nhiều bang tham gia bầu cử sơ bộ vào ngày thứ ba 5/2 hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đó.

 

Có ba bang chỉ có đảng Dân chủ tổ chức bầu cử, và hai bang chỉ có đảng Cộng hoà tổ chức bầu cử. Ở 19 bang khác, chiếm gần một nửa dân số Mỹ, cả hai đảng đều tổ chức bầu cử. Các cử tri đảng Dân chủ ở nước ngoài tham gia bỏ phiếu riêng qua internet.

 

Các bang quê nhà của các ứng cử viên có tham gia vào Ngày thứ ba trọng đại?

 

Có, trong đó có Arizona (của John McCain), Arkansas (Mike Huckabee), Illinois (Barack Obama), Massachusetts (Mitt Romney), và New York (Hillary Clinton).

  

Những ứng cử viên hàng đầu?

 

Phía đảng Dân chủ, Hillary Clinton và Barack Obama đang có khoảng cách “sát nút”.

 

Còn phía đảng Cộng hoà, John McCain cũng đang có vị trí dẫn đầu mong manh trước Mitt Romney. Mike Huckabee ở vị trí thứ ba.

 

Sẽ có một ứng cử viên đảng Cộng hoà và một đảng Dân chủ là người “chiến thắng”?

 

Các ứng cử viên sẽ chạy đua ở các cuộc bầu cử sơ bộ và các cuộc họp kín cấp bang. Nếu họ thành công, bang đó sẽ cử đại diện đến Đại hội đảng toàn quốc với nhiệm vụ là ủng hộ cho ứng cử viên đó trở thành người thay mặt cho đảng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng vào tháng 11 tới.

 

Ứng cử viên càng thể hiện tốt tại các cuộc họp kín và bầu cử sơ bộ thì càng có nhiều "đại biểu cam kết" như trên ủng hộ họ.

 

Có thể biết được ai là người giành chiến thắng trong Ngày thứ ba trọng đại?

 

Câu trả lời là có thể.

 

Ví dụ như ứng cử viên đảng Dân chủ John Kerry năm 2004 và năm 2000, Bush và Al Gore đều đánh bại những đối thủ chính của họ John McCain và Bill Bradley trong ngày thứ ba trọng đại. Hai ngày sau, các đối thủ tự nguyện bỏ cuộc đua.

 

Trên lý thuyết, một ứng cử viên đảng Dân chủ cần phải có sự ủng hộ của 2.025 đại biểu trong Đại hội đảng toàn quốc để có thể đảm bảo được chiến thắng trong cuộc đề cử. Ứng cử viên phía đảng Cộng hoà cần 1.191 đại biểu ủng hộ.

 

Các bang áp dụng nguyên tắc người thắng được tất cả gồm: New York, Missouri, New Jersey, Arizona, Utah, Connecticut, Montana, Delaware, West Virginia

Tuy nhiên trên thực tế không có ứng cử viên nào có thể đạt được “con số lý tưởng” trên vào ngày 5/2. Song họ có thể thiết lập được một vị trí mà đối thủ của họ không có cơ hội đánh bại.

 

Phía đảng Dân chủ, các quy định bầu cử càng làm cho “con số lý tưởng” rất khó có trở thành hiện thực, nhất là khi có hai ứng cử viên ngang sức ngang tài như Clinton và Obama.

 

Về phía đảng Cộng hoà, trong Ngày thứ ba trọng đại có 9 bang áp dụng nguyên tắc người thắng được tất cả, nghĩa là người đứng đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ của bang đó sẽ được tất cả các đại biểu của bang bầu cho trong Đại hội đảng toàn quốc.

 

Nếu kết quả vẫn chưa ngã ngũ trong “Ngày thứ ba trọng đại”?

 

Ngày quan trọng tiếp theo là ngày 4/3, khi bang Texas (bang có số dân đông thứ hai nước Mỹ) và Ohio đồng loạt tổ chức bầu cử sơ bộ. Các ngày “quyết định” khác sau đó là cuộc bầu cử sơ bộ ở Pennsylvania vào tháng 4 và của Bắc Carolina và Indiana vào tháng 5.

 

Về lý thuyết, mùa bầu cử sơ bộ có thể kết thúc mà không có ứng cử viên rõ ràng nào sẽ giành chiến thắng. Lý do bởi, cùng với các đại biểu cam kết cả hai đảng cũng có một số đại biểu không cam kết, nghĩa là họ tự do chọn ứng cử viên nào họ muốn và có thể đưa ra quyết định vào phút cuối, khi đại hội đảng toàn quốc diễn ra.

 

Chính vì vậy Đại hội đảng toàn quốc sẽ bị biến thành một cuộc tranh đua chứ không phải là một lễ lên ngôi như thường thấy.

 

Và Đại hội đảng toàn quốc “cam go” gần đây nhất là đại hội của đảng Dân chủ vào năm 1952, sau khi Harry Truman rút sớm khỏi cuộc đua. Đó cũng là năm cuối cùng cả tổng thống đương nhiệm và phó tổng thống đều không nghiêm túc tranh cử.

 

Nguyên Hạ

Theo BBC