Nga vẫn "vững như bàn thạch", Ukraine đối mặt với bóng ma thất bại quân sự
(Dân trí) - Truyền thông phương Tây thừa nhận không còn hy vọng Nga sẽ sụp đổ mà thực tế là chính Ukraine đang phải đối mặt với bóng ma thất bại quân sự.
Người châu Âu đã đánh giá thấp khả năng quân sự của Nga
Bài phân tích của Le Figaro cho biết, sau thất bại trong cuộc phản công mùa hè, các đồng minh đang băn khoăn làm cách nào để giúp đỡ Kiev về lâu dài.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Ukraine thua trong cuộc xung đột với Nga? Câu hỏi này là điều cấm kỵ đối với người dân chính nước này và các đồng minh phương Tây của họ vì nó chứa đựng nhiều ẩn ý. Tuy nhiên, sau 21 tháng xung đột, khi các mặt trận quân sự đã bị đóng băng kể từ khi cuộc phản công của Kiev thất bại, một số người đã kín đáo đặt câu hỏi.
Trong vài tuần qua, tin xấu về Ukraine đã dồn dập kéo tới, khiến mọi luồng gió đen tối về chính trị và ngoại giao bắt đầu thổi vào.
Một số người tin rằng cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị làm rung chuyển Điện Kremlin có thể dẫn đến sự sụp đổ của quân đội Nga trong trung hạn nhưng giờ đây hy vọng này đã bị tan biến.
Alyona Getmanchuk, giám đốc Viện nghiên cứu Trung tâm Châu Âu mới tại Kiev, tóm tắt: "Người châu Âu đã đánh giá thấp khả năng quân sự của Nga".
Người Nga một lần nữa đã chứng minh rằng họ có khả năng phục hồi phi thường, được rèn giũa qua những thăng trầm, kể cả trong Thế chiến thứ hai, và trước đó là giai đoạn khó khăn của thời kỳ Sa hoàng.
Moscow cũng đã thể hiện khả năng thích ứng trong lĩnh vực quân sự, họ đã sửa đổi chiến thuật của mình cho phù hợp với chiến thuật của đối thủ, chẳng hạn bằng cách sử dụng ngày càng nhiều UAV.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga được thiết kế để phục vụ nền kinh tế chiến tranh 24 giờ một ngày và sản xuất đạn dược với số lượng lớn. Trong khi chờ nó hoạt động hết công suất, các nước thân thiện với Nga như Iran, Triều Tiên được cho là đã tiến hành giúp đỡ để vá các lỗ hổng.
Phương Tây ngoảnh mặt với Kiev
Sự sụp đổ kinh tế của Nga mà người phương Tây mong đợi đã không xảy ra. Moscow lách được lệnh trừng phạt nhờ sự hỗ trợ của các đồng minh.
Đối với sự cô lập ngoại giao do phương Tây công bố, điều đó cũng chưa tới, vì các quốc gia Nam bán cầu đã thể hiện sự ủng hộ của họ hoặc ít nhất là thái độ trung lập đối với Điện Kremlin.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Economist, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Ukraine, tướng Valery Zaluzhny, thừa nhận sự "bế tắc", khi mà Kiev đang chờ vũ khí viện trợ, được cung cấp từng đợt một, thì người Nga đã tăng cường và thích nghi.
Một cựu quan chức cấp cao ở Kiev tóm tắt: "Chúng tôi giữ vững lập trường của mình, chúng tôi không thua, nhưng chúng tôi không thắng".
Chuỗi mây thứ hai phủ đen kịt bầu trời, cuộc chiến giữa Israel và Hamas, khiến Ukraine biến mất khỏi giới truyền thông và các cuộc họp chính trị trong 24 giờ, giống như một phiến đá ma thuật. Từng tập trung cho mặt trận phía Đông trong gần hai năm qua, nhưng nay, Mỹ - NATO đã ngoảnh mặt với Kiev để hướng tới thùng thuốc súng Trung Đông.
Pavlo Klimkin, cựu ngoại trưởng Ukraine nói: "Chúng tôi đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh với Israel về đạn dược của Mỹ. Và mọi chuyện sẽ còn tệ hơn khi máy bay tiêm kích F-16 của Mỹ tới, vì Israel cũng có những chiếc giống Ukraine và không chắc Mỹ đủ ngân sách để cung cấp đạn dược cho cả hai nước hay không... Thời gian đang chống lại chúng tôi".
Các quan chức Nga biết điều này. Họ say sưa với sự chắc chắn này. Trong vài tuần, họ đã tăng cường các bài phát biểu ca ngợi chiến thắng.
"Tổng thống Vladimir Putin hiện rất tích cực. Ông ấy muốn mang lại cho Nga một kết quả tốt trước cuộc bầu cử tổng thống tháng 3/2024. Nga sẽ không giảm căng thẳng ở Ukraine trước ngày này", cựu ngoại trưởng Klimkin cảnh báo.
Tổng thống Nga ngày càng gia tăng xuất hiện trước công chúng và đưa ra các tuyên bố, trong khi chủ tịch Duma khẳng định Kiev chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài "đầu hàng" hoặc "không còn tồn tại".
Những do dự của mùa hè, sau cuộc nổi loạn thất bại của tập đoàn Wagner do Prigozhin lãnh đạo, sẽ thuộc về quá khứ.
Các lực lượng tiếp sức của Điện Kremlin tại châu Âu đã lấy lại được niềm tin. Họ kiếm được "mật ngọt" từ sự xích mích giữa Tổng thống Volodymyr Zelensky và Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny. Họ tái khẳng định một cách rõ ràng rằng cuộc xung đột là "một cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu chống lại Nga thông qua Ukraine".
Theo họ, cuộc nổi loạn của Prigozhin hồi tháng 6 chẳng làm sứt mẻ gì về quyền lực.
Giới tinh hoa đã đoàn kết ủng hộ Tổng thống Putin, người mà nếu tái tranh cử sẽ chắc chắn giành chiến thắng. "Vấn đề Ukraine sẽ được giải quyết trên chiến trường. Chúng tôi sẽ không thương lượng. Một thất bại quân sự đối với Kiev đang rình rập. Nó sẽ diễn ra vào tháng 5", một trong những đại diện của họ tuyên bố.
Những người ủng hộ Điện Kremlin đang dựa vào sự "thiếu hụt" nam giới của Ukraine cũng như sự "mệt mỏi" của người châu Âu và người Mỹ. Về sự ra đi của ông Joe Biden được nhiều người mong đợi ở Moscow, một trong số họ cho biết: "Donald Trump không phải là một đối tác dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ tìm cách thỏa thuận với ông ấy".
Tổng thống Zelensky tại Hội nghị thượng đỉnh NATO (Ảnh: Twitter).
Gióng lên "hồi chuông báo tử" về viện trợ cho Kiev
Bị tê liệt trước các mối đe dọa hạt nhân của Nga, e sợ xung đột leo thang và lo ngại rằng người Ukraine sẽ lao thẳng vũ khí của họ tới Crimea, được cho là ranh giới đỏ đối với ông Putin, Mỹ - NATO đã phân phát viện trợ quân sự cho Ukraine một cách dè dặt, do dự và chậm trễ.
Sự hỗ trợ này cho phép Kiev đương đầu với Nga trong 21 tháng qua, nhưng điều đó là chưa đủ để giúp họ giành chiến thắng. Ngày nay, trong khi Mỹ thấy mình buộc phải tái đầu tư vào Trung Đông và cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo có thể gióng lên "hồi chuông báo tử" về viện trợ cho Kiev, thì vấn đề Ukraine lại quay trở lại ám ảnh người châu Âu.
Các quốc gia lục địa già đã không giảm bớt cam kết, đặc biệt là về kinh tế đối với Ukraine, kể từ khi cuộc chiến mới giữa Israel và Hamas bùng nổ.
Một quan chức Pháp cho biết, việc bảo vệ Ukraine vẫn được coi là một câu hỏi mang tính sống còn, bởi vì Nga đã đặt ra câu hỏi về trật tự an ninh của lục địa này. Tuy nhiên, lời nói khác với hành động, cử chỉ vẫn chậm rãi, do dự.
"Người châu Âu đã đánh giá thấp khả năng quân sự của Nga... Vấn đề là châu Âu không có cảm giác cấp bách. Các thủ đô lớn đang chờ cuộc bầu cử Mỹ và hy vọng rằng trong lúc đó, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra tại Ukraine. Mọi người đều tin rằng người Ukraine có thể tồn tại thêm một hoặc hai năm nữa mà chẳng cần trợ giúp thêm. Nhưng điều này là sai sự thật.
Lời hứa cung cấp một triệu quả đạn pháo vào mùa xuân 2024 cho đến nay mới chỉ thực hiện được 30%. Quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế chiến tranh, được một số quan chức châu Âu công bố, đã không diễn ra. Những lời hứa về châu Âu địa chính trị và quyền tự chủ chiến lược vẫn là những khẩu hiệu.
"Vấn đề là châu Âu không có cảm giác cấp bách. Các thủ đô lớn đang chờ cuộc bầu cử Mỹ và hy vọng rằng trong lúc đó, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra tại Ukraine. Mọi người đều tin rằng người Ukraine có thể tồn tại thêm một hoặc hai năm nữa mà chẳng cần trợ giúp thêm.
Nhưng điều này là sai sự thật. Chúng tôi không thể chiến đấu vì sự sống của người Ukraine cuối cùng", bà Getmanchuk cảnh báo.
Không giống như những người châu Âu gặp khó khăn trong việc thoát ra khỏi bong bóng hòa bình mà Chiến tranh Lạnh đã giam giữ họ, người Ukraine, trên tiền tuyến, đang tưởng tượng ra một kế hoạch B, nếu chiến thắng còn lâu mới đến.
"Gia nhập NATO mà không cần Điều 5, trong khi chúng ta khôi phục các vùng lãnh thổ bị kiểm soát bằng biện pháp ngoại giao. Chúng ta phải có tham vọng nhưng cũng phải thực tế. Chúng ta không còn kịch bản tích cực 100%. Nhưng liệu phương Tây có chiến lược với Ukraine?", một quan chức Ukraine đặt câu hỏi, trong khi những tín hiệu về hội nghị thượng đỉnh Liên minh Đại Tây Dương tại Washington vào tháng 7/2024 ngày càng kém lạc quan.
Ukraine thất bại sẽ gây hậu quả nghiêm trọng
Tuy nhiên, một thất bại đối với Ukraine do thiếu sự huy động của phương Tây sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
Không còn nhiều thời gian cho sự thức tỉnh của châu Âu. Chính quyền Mỹ hiện nay ngày càng tỏ ra khó chịu một cách công khai trước sự chậm chạp và miễn cưỡng của châu Âu trong các vấn đề quân sự và chiến lược.
Việc ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng sẽ là một điều tuyệt vời đối với Điện Kremlin.
"Thế là xong. Hôm nay chúng ta phải thức tỉnh và tái công nghiệp hóa lục địa này. Bởi vì ngay cả chính quyền Tổng thống Biden mới cũng sẽ không có cam kết với châu Âu như ngày nay", một nguồn tin tại Điện Elysee cảnh báo.
Tuy nhiên, nếu điều có khả năng xảy ra nhất được xác nhận - Ukraine không phải thắng cũng chẳng thất bại, do đó cuộc xung đột sẽ kéo dài - các nước châu Âu phải thể hiện khả năng phục hồi.
Cựu ngoại trưởng Pavlo Klimkin cảnh báo: "Với số tiền có sẵn cho Điện Kremlin, quân đội Nga sẽ tăng ngân sách quốc phòng 2024 lên 70% so với 2023".