1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Nga tuyên bố sẽ không cho phép bất cứ ai phá hủy cầu Crimea

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nghị sĩ cấp cao Nga tuyên bố nước này sẽ không để cho bất cứ bên nào gây hại tới cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga, trong bối cảnh Ukraine trước đó cảnh báo có thể tấn công công trình này.

Nga tuyên bố sẽ không cho phép bất cứ ai phá hủy cầu Crimea - 1

Cầu Crimea nối liền lục địa Nga với bán đảo Crimea (Ảnh: Sputnik).

Phó chủ tịch Hội đồng Quốc gia Nga (Thượng viện) Konstantin Kosachev ngày 15/8 tuyên bố: "Chúng tôi chắc chắn sẽ không để ai phá hủy cầu Crimea trong bất cứ hoàn cảnh nào".

Theo nhận định của ông Kosachev, bất cứ cuộc tấn công tiềm năng nào vào cầu Crimea dường như sẽ liên quan đến vũ khí nước ngoài viện trợ cho Kiev "vì Ukraine hiện không có loại vũ khí (phù hợp) để nhằm mục tiêu vào cây cầu". Trước đó, các chuyên gia nói rằng, Ukraine chưa sở hữu bất cứ vũ khí nào có tầm tấn công đủ để bắn tới cầu Crimea. 

Tuyên bố của nhà làm luật Nga được đưa ra trong bối cảnh nghị sĩ Ukraine Aleksey Goncharenko tuần trước cho biết, ông từng bàn bạc với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 6 về kế hoạch phá hủy cây cầu Crimea.

Trước đó, Nga từng tuyên bố nắm được nguồn tin về nghi vấn Bộ trưởng Wallace dường như tham gia vào việc lên kế hoạch phá hủy cây cầu huyết mạch kết nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Nghị sĩ Goncharenko cuối tuần trước đã xác nhận thông tin nói trên: "Ông Ben Wallace và tôi đã thảo luận về kế hoạch phá hủy Cầu Crimea vào tháng 6".

Cầu Crimea được xây dựng bắc qua eo biển Kerch sau khi vùng bán đảo sáp nhập vào Nga dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014. Công trình bao gồm 1 cây cầu đường bộ và 1 cây cầu đường sắt, đảm bảo lưu thông hành khách và hàng hóa từ bán đảo sang lục địa Nga và ngược lại.

Trong chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cầu Crimea đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Moscow lập tuyến tiếp tế hậu cần cho lực lượng đang kiểm soát khu vực nam Ukraine.

Ông Vadim Skibitskiy, người phát ngôn Cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, hồi giữa tháng trước tuyên bố Kiev coi bán đảo Crimea là mục tiêu hợp pháp cho vũ khí tầm xa của phương Tây.

"Hiện nay, bán đảo Crimea đã trở thành một trung tâm vận chuyển tất cả trang thiết bị và vũ khí từ Nga về phía nam Ukraine. Một trung tâm khí tài, đạn dược và thiết bị quân sự được tập trung ở Crimea, sau đó được chuyển đi để cung cấp cho lực lượng Nga", ông Skibitskiy cho biết.

Sau đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho hay, một số người đã đưa ra những tuyên bố đe dọa Moscow, trong đó đe dọa "tấn công Crimea và hơn thế nữa". Ông Medvedev cảnh báo Ukraine rõ ràng sẽ đối mặt với hậu quả nếu hành động như vậy.

"Nếu bất cứ điều gì tương tự xảy ra, họ sẽ ngay lập tức đối mặt với ngày phán xét, rất nhanh chóng và dữ dội. Không thể né tránh điều này. Tuy nhiên họ vẫn tiếp tục kích động tình hình chung bằng những tuyên bố như vậy", ông Medvedev nhấn mạnh.

Với chiều dài 19 km, cầu Crimea là cây cầu dài nhất châu Âu và có chi phí xây dựng khoảng 4 tỷ USD.

Nga đã triển khai những lực lượng tinh nhuệ và các khí tài tiên tiến như tổ hợp phòng không S-400 tới khu vực xung quanh cây cầu, nhằm bảo vệ công trình huyết mạch trước những mối đe dọa bị lực lượng bên ngoài tấn công.

Gần đây nhất, Nga cũng đưa các thiết bị phản xạ radar hình chóp và phun khói tại khu vực cầu Kerch nhằm đánh lừa hệ thống radar đối phương để tạo thêm một lớp bảo vệ cho cầu Crimea. 

Theo RT, Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm