1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga từng tàng hình Điện Kremlin trước “mưa” hỏa lực của phát xít Đức thế nào?

(Dân trí) - Trong Thế chiến 2, việc Liên Xô biến Điện Kremlin “tàng hình” dưới bom đạn của phát xít Đức được coi là một trong những màn ngụy trang huyền thoại của thế giới với sự tham gia của hàng nghìn người Moscow.

Trong Thế chiến 2, Điện Kremlin đã đương đầu với 8 cuộc không kích toàn diện, 15 quả bom bay, hơn 150 quả bom cháy từ phát xít Đức. Tuy nhiên, công trình được mệnh danh là “trái tim” của thủ đô Moscow không bị một thiệt hại nào quá nghiêm trọng. Liên Xô vào thời kỳ đó đã huy động hàng nghìn người để ngụy trang biến Kremlin thành công trình “tàng hình”.

Biến điện Kremlin hòa vào một thành phố

Nga từng tàng hình Điện Kremlin trước “mưa” hỏa lực của phát xít Đức thế nào? - 1

Các tháp và tường Kremlin được ngụy trang giống như các tòa nhà chung cư (Ảnh: RBTH)

Nikolay Spiridonov, sĩ quan chỉ huy của Điện Kremlin từ năm 1938-1953, đã từng quan ngại về an ninh của công trình này từ những ngày đầu Thế chiến II. Kremlin không chỉ là thành trì của chính quyền Xô viết thời đó, mà nó còn là biểu tượng tinh thần của đất nước. Vì vậy, ông Spiridonov đã phát đi thông điệp bí mật tới ban lãnh đạo Bộ Dân ủy Nội vụ nhằm bắt đầu chiến dịch ngụy trang Kremlin.

Nhiệm vụ này không hề dễ dàng vì phải giấu đi một khoảng diện tích rất rộng lớn khỏi góc nhìn từ tầm cao, bao gồm các tòa nhà cao, như tháp Kremlin hay tháp chuông Ivan Đại Đế.

Toàn bộ phần tháp Kremlin được sơn lại bằng màu khác và được phủ bởi lều gỗ. Tất cả các mái bên trong Kremlin được sơn bằng màu nâu gỉ, màu quen thuộc của các mái nhà tại Moscow.

Phần sân Kremlin vốn được đá cuội, nay được phủ lên bằng cát. Các lều được dựng lên trông như mái nhà trải khắp khu vườn Kremlin cùng với mặt tiền cũng được sơn lại để khiến phi công Đức quốc xã bị rối loạn.

Kế hoạch táo bạo này do Boris Iofan, kiến trúc sư được mệnh danh là tài giỏi nhất thời bấy giờ, thực thi.

Một trong những mục tiêu tấn công chính của đối thủ là Lăng Lenin. Công trình được giấu dưới một lều gỗ khổng lồ tạo cảm giác đây là một tòa nhà thông thường. Thi hài của Lenin được chuyển đi nơi khác và chỉ được đưa về năm 1945.

Nga từng tàng hình Điện Kremlin trước “mưa” hỏa lực của phát xít Đức thế nào? - 2

Lăng Lenin được ngụy tranh thành nhà gỗ (Ảnh: RBTH)

Ngụy trang thành trì Moscow

An toàn của Điện Kremlin không phải là mối lo ngại duy nhất lúc bấy giờ và thủ đô Moscow cũng được đưa vào tầm bảo vệ. Hàng nghìn người Liên Xô lúc bấy giờ đã nỗ lực để bảo toàn thủ đô.

Dân số Moscow vào khi đó là 4,6 triệu người, giảm 1 nửa do đi sơ tán. Họ bắt đầu dùng băng dính che các cửa sổ, thực hiện lệnh giới nghiêm từ 12h đêm tới 5h sáng một cách nghiêm chỉnh. Hơn 200 nhà máy được di dời khỏi thành phố trong khi những cơ sở còn lại sản xuất hàng hóa, vật tư, đạn dược cho tiền tuyến.

Hơn 200.000 tình nguyện viên đã tham gia vào lực lượng cứu hỏa. Hàng trăm nghìn người khác dựng các chướng ngại vật trong thành phố. Ngoài ra, Moscow cũng thiết lập 2 tuyến phòng thủ rộng lớn ngoài thành phố.

Nga từng tàng hình Điện Kremlin trước “mưa” hỏa lực của phát xít Đức thế nào? - 3

Người Moscow xây tuyến phòng thủ trong thành phố (Ảnh: Sputnik)

Các tòa nhà giả được dựng lên khắp Moscow, trong khi các toàn nhà thật không thể nhận ra do đã được ngụy trang. Đường phố thật được sơn lại trông thật nhem nhuốc và đầy đất cát, trong khi các con phố giả, công viên giả được sơn dọc các khu vực không nguời ở. Thậm chí, đường cao tốc huyết mạch Leningrad cũng được ngụy trang bằng màn che gỗ có hình mái nhà bên trên.  

Để giấu các nhà máy chiến lược quan trọng tại khu Nizhny Novgorod, người dân đã tạo ra các bản sao làm bằng kính và thủy tinh đặt bên ngoài rìa thành phố. Mô hình nhà máy ô tô này đã đánh lừa Đức quốc xã ném bom vào đây, trong khi nhà máy thật không bị thiệt hại.

Tổng cộng, Moscow đã hứng chịu 95 vụ tấn công của phát xít Đức vào ban đêm và 30 vụ vào ban ngày. Các cuộc không kích đã phá hủy nhà máy, khu dân cư và khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, cuộc sống tại Moscow vẫn tiếp diễn. Từ năm 1941-1945, đại học Moscow vẫn hoạt động và đã cấp bằng cho 106 tiến sĩ và hàng trăm bằng cử nhân. Thư viện, nhà trẻ, rạp chiếu bóng vẫn tiếp tục phục vụ nhu cầu của người dân.

Nga từng tàng hình Điện Kremlin trước “mưa” hỏa lực của phát xít Đức thế nào? - 4

Nhà hát Bolshoi được ngụy trang thành khu căn hộ (Ảnh: RBTH)

Đức Hoàng

Theo RBTH