1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện ít biết về đội “cảnh vệ bay” bảo vệ Điện Kremlin

(Dân trí) - Để bảo vệ dinh tổng thống trước nguy cơ từ loài quạ, Điện Kremlin đã sử dụng các loài chim săn mồi được huấn luyện chuyên nghiệp và dành sự chăm sóc đặc biệt cho “đội cảnh vệ bay” này.

Binh sĩ huấn luyện chim săn quạ bảo vệ Điện Kremlin (Ảnh: Sputnik)
Binh sĩ huấn luyện chim săn quạ bảo vệ Điện Kremlin (Ảnh: Sputnik)

“Vào những năm 1960, trung đoàn bảo vệ Điện Kremlin có một đơn vị đặc biệt có tên gọi “biệt đội săn quạ”. Các binh sĩ thuộc đơn vị này có nhiệm vụ đuổi những con quạ ra khỏi mái các tòa nhà của Điện Kremlin, đóng các khe hở và các cửa sổ để ngăn không cho quạ chui vào hoặc làm tổ bên trong. Đó thực sự là một cuộc chiến!”, Kirill Voronin, nhà điểu học hàng đầu của Điện Kremlin, nhớ lại.

Chim bồ câu, quạ gáy xám, đặc biệt là quạ đen xuất hiện rất nhiều ở Moscow. Chúng trở thành nỗi ám ảnh đối với những người được giao nhiệm vụ bảo vệ Điện Kremlin - “pháo đài” lâu đời nhất ở châu Âu và là dinh tổng thống nằm ở trung tâm thủ nước Nga. Ngoài phá hoa, lấy hạt từ các khu vườn trong khuôn viên Điện Kremlin, những loài chim và quạ này còn phát tán các loại dịch bệnh.

Một vấn đề phiền toái khác do chim và quạ gây ra đối với các công trình thuộc Điện Kremlin là chất thải của chúng. Các tòa tháp tại Kremlin có kiến trúc trang trí rất phức tạp, cùng các mái vòm dốc được phủ bằng đá lát, trên có gắn những ngôi sao đỏ. Việc làm sạch những cấu trúc này là công việc rất khó khăn, do vậy đội bảo vệ Điện Kremlin phải tìm cách xua đuổi những con quạ khỏi khu vực này.

Chim săn mồi được Điện Kremlin tuyển dụng từ những năm 1980 (Ảnh: Sputnik)
Chim săn mồi được Điện Kremlin "tuyển dụng" từ những năm 1980 (Ảnh: Sputnik)

Từ thập niên 1980, các loài chim săn mồi đã được “tuyển” vào đội ngũ bảo vệ Điện Kremlin với nhiệm vụ xua đuổi các loài chim và quạ xuất hiện ở đây.

Ban đầu, lính gác bảo vệ Điện Kremlin sử dụng băng thu âm tiếng rít và gào của chim ưng để đuổi quạ. Tuy nhiên, theo nhà điểu học Voronin, những con quạ đã nhanh chóng “quen tai” với loại âm thanh này, buộc họ phải sử dụng chim thật để đuổi chúng. Trong thời gian đầu, đội bảo vệ Điện Kremlin sử dụng chim ưng, sau đó chuyển sang dùng diều hâu.

Khi chim ưng săn mồi, chúng thường bay vút lên rất cao, sau đó lao thẳng xuống, nhắm mục tiêu và dùng móng vuốt giết chết con mồi. Nếu bỏ lỡ mục tiêu, chim ưng sẽ lặp lại đúng các động tác này. Tuy nhiên thói quen đó áp dụng trong điều kiện tự nhiên. Còn khi ở trong thành phố, cách săn mồi như vậy có thể khiến chim ưng bị vuột mất con mồi, thậm chí đâm đầu vào các tòa nhà hoặc xuống nền đất và chết.

Chim ưng cũng có thể bị lạc đường hoặc cảm thấy sợ hãi khi bay trong thành phố, đặc biệt ở khu vực trung tâm đông đúc với tiếng còi xe inh ỏi như Điện Kremlin. Ngoài ra, giá của chim ưng cũng rất cao, có thể lên tới hàng chục nghìn USD, và đây cũng là loài chim khó chăm sóc.

“Biệt đội” diều hâu

Ngày nay, Điện Kremlin thay thế chim ưng bằng diều hâu để phục vụ cho công tác bảo vệ. Việc sử dụng diều hâu được cho là hiệu quả hơn so với chim ưng vì con mồi tự nhiên của diều hâu là quạ, trong khi chim ưng chủ yếu săn các loài gặm nhấm.

Không giống chim ưng, diều hâu thường nấp trong lùm cây để săn mồi. Chúng chờ cho tới khi con mồi xuất hiện, sau đó sẽ lao xuống với vận tốc cực nhanh ở khoảng cách từ 20-30m. Thói quen săn mồi này phù hợp với một nơi có không gian giới hạn như bên trong Điện Kremlin. So với chim ưng, diều hâu cũng dễ chăm sóc hơn. Chúng thân thiện hơn với những người chăm sóc và có giá thấp hơn nhiều so với chim ưng, từ 15.000.20.000 rúp (khoảng 170-260 USD)/con.

Theo ông Voronin, khi lực lượng bảo vệ Điện Kremlin nhìn thấy quạ, họ sẽ cho diều hâu xuất kích để xua đuổi.

“Khi diều hâu bắt được một con quạ, chúng tôi sẽ chạy đến và tặng cho chúng một thứ gì đó ngon hơn, chẳng hạn như thịt chim cút”, ông Voronin cho biết.

Quạ có thể truyền các dịch bệnh nguy hiểm cho diều hâu, do vậy điều quan trọng là phải đảm bảo rằng chúng không được ăn thịt những con quạ này sau khi chúng bắt được. Diều hâu bảo vệ Điện Kremlin luôn được kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Các thiết bị định vị GPS sẽ được gắn vào đuôi của chúng, còn những chiếc chuông sẽ được gắn vào chân.

Chim săn mồi được Điện Kremlin chăm sóc sức khỏe định kỳ để kéo dài thời gian làm việc (Ảnh: Sputnik)
Chim săn mồi được Điện Kremlin chăm sóc sức khỏe định kỳ để kéo dài thời gian làm việc (Ảnh: Sputnik)

Việc gắn chuông vào chân diều hâu nhằm mục đích báo động cho quạ - loài chim chủ yếu giao tiếp bằng âm thanh. Khi quạ nghe thấy tiếng chuông này, chúng hiểu rằng một con chim săn mồi đang kiểm soát khu vực của chúng và sẽ tự động rời đi. Mục đích chính của “đội cảnh vệ bay” Kremlin là đuổi quạ tránh xa Điện Kremlin, chứ không phải tiêu diệt quạ.

Mỗi con diều hâu sẽ trải qua 6 tháng huấn luyện trước khi được đánh giá xem có đủ năng lực để bảo vệ Điện Kremlin hay không. Do được chăm sóc kỹ lưỡng, cho ăn thường xuyên và giữ ấm đầy đủ nên tuổi thọ của diều hâu bảo vệ Điện Kremlin dài hơn so với diều hâu hoang dã.

Thông thường, biệt đội diều hâu sẽ làm việc cho Điện Kremlin từ 10-15 năm, sau đó sẽ nghỉ hưu. “Alpha”, con diều hâu mái già nhất tại Điện Kremlin, đã làm việc được hơn 20 năm.

“Loài chim cũng thay đổi theo tuổi tác. Alpha đôi khi bị khó thở và mỏ của nó phải được chăm sóc thường xuyên. Tuy nhiên, Alpha vẫn bắt được quạ. Có thể không phải nhờ tốc độ mà do kinh nghiệm của nó”, ông Voronin nói.

Ngoài diều hâu, Điện Kremlin cũng nuôi thêm cú mèo. Đây cũng là loài săn quạ và thường săn mồi vào ban đêm. Sử dụng cú mèo giúp xua đuổi quạ tránh xa Điện Kremlin khi trời tối.

Thành Đạt

Theo RBTH