1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga tung “đòn nghi binh” trước cảnh báo tấn công quân sự của Mỹ tại Syria?

(Dân trí) - Giới chuyên gia đã đặt ra giả thuyết về ý đồ thực sự của Nga khi di dời 11 tàu chiến khỏi quân cảng tại Syria trước nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu căng thẳng với Mỹ tại khu vực Trung Đông.

Các tàu hải quân của Nga phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Reuters)
Các tàu hải quân của Nga phóng tên lửa trong một cuộc diễn tập (Ảnh: Reuters)

Hãng tình báo ISI của Mỹ ngày 11/4 công bố những bức ảnh vệ tinh cho thấy Nga đã di dời 11 tàu chiến, tức hầu hết số tàu chiến của nước này, tại quân cảng Tartus ở Syria. Moscow được cho là chỉ để lại duy nhất tàu ngầm lớp Kilo tại Tartus - một trong hai căn cứ quân sự quan trọng nhất được Nga thuê lại của Syria.

Động thái trên của Nga diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo Moscow “hãy sẵn sàng” vì các tên lửa “mới, đẹp và thông minh” của Mỹ sắp bay tới Syria. Trước đó, Nga cũng tuyên bố sẽ bắn hạ bất kỳ tên lửa nào bay về phía Syria.

Hải quân Mỹ mới đây thông báo đã triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S Truman tới Trung Đông. Trước đó, các tàu sân bay thường được Washington sử dụng để không kích các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria và Iraq. Ngoài tàu sân bay, Mỹ hiện triển khai hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Donald Cook và USS Porter tại Địa Trung Hải.

Theo BBC, một tàu ngầm của Hải quân Hoàng gia Anh được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk cũng được triển khai tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải. So với tàu sân bay của Mỹ, các tàu chiến của Nga kém hiện đại hơn, tuy vậy các tên lửa chống hạm tối tân được trang bị trên tàu Nga vẫn có thể tạo ra mối đe dọa nhất định đối với Washington.

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời nghị sĩ Vladimir Shamanov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Nga, cho biết các tàu của Nga đã rời cảng hải quân Tartus vì lý do an toàn và nhận định đây là “hành động bình thường” khi xuất hiện các mối đe dọa về một cuộc tấn công. Trong khi đó, nhiều người lo ngại rằng việc Nga đưa hàng loạt tàu chiến rời cảng và tiến ra Địa Trung Hải có thể là dấu hiệu cho thấy sắp xảy ra trận đối đầu căng thẳng ở khu vực này.

Ảnh vệ tinh của ISI phát hiện Nga chuyển hàng loạt tàu chiến khỏi cảng Tartus (Ảnh: ISI)
Ảnh vệ tinh của ISI phát hiện Nga chuyển hàng loạt tàu chiến khỏi cảng Tartus (Ảnh: ISI)

Theo Ryan Bohl, nhà phân tích về Trung Đông tại hãng tư vấn địa chính trị Stratfor, động thái di dời tàu chiến của Nga có thể chỉ đòn nghi binh để Moscow xem xét phản ứng của Washington. Ông Bohl cho rằng Nga sẽ không triển khai các tàu chiến này đối đầu với Mỹ trong một cuộc xung đột nóng trong khu vực.

“Cả Nga và Mỹ đều không muốn xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3. Họ biết cách làm thế nào để né tránh cuộc chiến đó và vẫn duy trì đường dây liên lạc chặt chẽ”, chuyên gia Bohl cho biết.

“Bắn hạ tên lửa Tomahawk là một chuyện, nhưng bắn hạ con tàu phóng tên lửa đó lại là chuyện khác”, ông Bohl nhận định, đồng thời cho rằng động thái di dời tàu chiến của Hải quân Nga có thể chỉ là cách để Moscow đánh tiếng cho người dân Mỹ, cảnh báo họ về những nguy cơ mà Mỹ sẽ phải đối mặt nếu gây chiến với Nga, từ đó gây sức ép tới Tổng thống Trump và buộc ông phải hạ nhiệt cuộc tấn công sắp tới.

Cũng theo chuyên gia Bohl, việc đưa 11 tàu chiến đồng loạt tiến ra biển cùng một lúc có thể là cách để Nga phô diễn sức mạnh trước Mỹ và các đồng minh. Trước đó một số nguồn tin nói rằng Hạm đội Biển Đen của Nga cũng được đặt trong tình trạng báo động cao nhất sau những cảnh báo cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông Bohl nhận định các bên nhiều khả năng sẽ không để xảy ra xung đột tại Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng dâng cao như hiện nay.

Tổng thống Trump hôm 10/4 tuyên bố sẽ đưa ra quyết định quan trọng về Syria trong vòng từ 24-48 giờ để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Washington cho là chính quyền Damascus gây ra khiến hàng chục người thiệt mạng ở thị trấn Douma, Đông Ghouta. Nhà lãnh đạo Mỹ để ngỏ nhiều biện pháp mạnh tay với Syria, bao gồm cả phương án tấn công quân sự.

Thành Đạt

Theo BI