Nga tính tiêm đại trà vắc xin Covid-19 vào tháng tới
(Dân trí) - Nga dự kiến sẽ có thể tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19 trong tháng tới sau khi trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vắc-xin chống lại virus SARS-CoV-2 trên thế giới.
Sputnik dẫn lời giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Gameleya Alexander Ginzburg đưa tin, Nga có thể sẽ bắt đầu tiêm chủng đại trà vắc xin Sputnik V trong vòng một tháng tới, sau khi sản xuất đủ số lượng cần thiết.
Trước đó, ông Ginzburg tiết lộ vắc xin Sputnik V của Nga sẽ trải qua nghiên cứu hậu đăng ký trong vòng từ 7-10 ngày tới. Hàng chục nghìn người dự kiến sẽ tham gia thử nghiệm.
“Tiêm chủng đại trà có thể sẽ bị chậm trễ, vì phần chính của lượng vắc-xin sẽ phải trải qua bước nghiên cứu hậu đăng ký. Sau đó, phần còn lại của lô vắc xin mới được bán để phục vụ mục đích dân sự. Chậm trễ có thể vào khoảng 2-3 tuần hoặc 1 tháng”, ông Ginzburg lý giải.
Theo giới khoa học, quá trình nghiên cứu hậu đăng ký vắc xin Sputnik V có thể kéo dài tới 6 tháng.
Sputnik V dự kiến được sản xuất ở 2 địa điểm là viện Gamaleya và công ty Binnopharm.
Theo RT, quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) cũng công bố trên trang web chính thức một đoạn video mô phỏng Sputnik V tấn công vào vi rút SARS-CoV-2 khổng lồ đang bao quanh quả địa cầu và vô hiệu hóa mầm bệnh, mà cho tới nay đã khiến 21,6 triệu người mắc và hơn 769.000 người tử vong trên thế giới.
Trước đó, vào ngày 11/8, Nga đã đăng ký vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Bộ Y tế Nga cho biết Sputnik V đã trải qua tất cả các bước kiểm tra cần thiết và đã chứng minh khả năng hình thành miễn dịch chống lại vi rút.
Vắc xin Sputnik V có 2 liều tiêm riêng rẽ, liều thứ 2 phải được tiêm sau liều thứ nhất 3 tuần. Các liều vắc xin này được kỳ vọng sẽ giúp người được tiêm có khả năng miễn dịch bền vững chống SARS-CoV-2.
Trả lời RT, ông Alexander Gintsburg, lãnh đạo Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học quốc gia Gamaleya ở Moscow - nơi phát triển vắc xin Sputnik V, cho biết kinh nghiệm quý giá từ việc nghiên cứu vắc xin ngừa dịch Ebola và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) đã giúp Nga tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 nhanh hơn nhiều so với kỳ vọng.
Ngày 15/8, Nga thông báo đã bắt đầu sản xuất vắc xin Sputnik V. Theo các quan chức Nga, nước này có khả năng sản xuất 500 triệu liều vắc xin Covid-19 trong 12 tháng tới.