1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga thuê cảng quân sự Syria thêm 49 năm

Nghị viện Nga hôm 21-12 bỏ phiếu thông qua việc thuê một căn cứ hải quân tại Syria thêm 49 năm, chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin thông báo rút một phần lực lượng Nga ở đây về nước.

Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã bỏ phiếu về thỏa thuận (do ông Putin đề xuất) trong đó cho phép Moscow để lại 11 chiến hạm – bao gồm cả tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân Pyotr Velikiy - tại căn cứ hải quân Tartus, Địa Trung Hải thêm 49 năm.

Hôm 11-12, ông Putin tới thăm căn cứ không quân Hmeimim ở Syria, đồng thời ra lệnh rút một phần "lực lượng quan trọng" tại đây về nước. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cũng kêu gọi các nhà lập pháp thông qua thỏa thuận mở rộng cảng quân sự ở Syria và đồn trú binh sĩ thêm 49 năm.

Cách đây 3 tuần, người phát ngôn Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin nói với hãng tin TASS: "Chúng tôi sẽ làm tất cả để thỏa thuận được thông qua trước cuối năm 2017".


Ông Putin (phải) tham dự một hội nghị ở Moscow hôm 19-12. Ảnh: AP

Ông Putin (phải) tham dự một hội nghị ở Moscow hôm 19-12. Ảnh: AP


Cảng Tartus tại Syria. Ảnh: GOOGLE MAPS

Cảng Tartus tại Syria. Ảnh: GOOGLE MAPS

Nội dung thỏa thuận giữa Nga và Syria bao gồm Moscow được phép để lại 11 chiến hạm, xây dựng kho vũ khí và cải thiện cơ sở hạ tầng, với mục đích đón được các tàu chiến lớn hơn.

"Tôi hy vọng rằng về lâu dài, Tartus sẽ trở thành một căn cứ quân sự hoàn chỉnh" - Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga Franz Klintsevich nói với kênh tin RBC.

Về căn cứ hải quân Tartus, Nga lâu nay không chính thức công nhận căn cứ này là căn cứ hoàn chỉnh mà chỉ xem nó là cơ sở hạ tầng "hỗ trợ" quân đội Nga hoạt động tại Syria.

Chuyên gia William Courtney đến từ tổ chức RAND Corporation nhận định rằng ông Putin quyết tâm giúp Nga khôi phục vai trò cường quốc toàn cầu và Trung Đông là khu vực đóng vai trò quan trọng.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi tháng 11, ông Putin tuyên bố quân đội Nga đã góp phần "giải cứu Syria", trong khi Điện Kremlin coi chiến dịch không kích do Moscow phát động từ năm 2015 là hợp pháp và thành công hơn so với chiến dịch do liên quân Mỹ chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo Phạm Nghĩa

Người lao động