1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga thừa nhận sử dụng Su-35 sai lầm dẫn tới tổn thất tại Ukraine

Minh Phượng

(Dân trí) - Chuyên gia quân sự Nga Alexey Lenkov đã thừa nhận việc sử dụng sai mục đích chiến đấu cơ Su-35 của Không quân Nga trên bầu trời Ukraine khiến dòng tiêm kích này bị thiệt hại nặng.

Nga thừa nhận sử dụng Su-35 sai lầm dẫn tới tổn thất tại Ukraine - 1

Đội hình tiêm kích Su-35, Su-34 và Su-30SM duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moscow năm 2020 (Ảnh: AFP).

Chiến thuật sai lầm của Không quân Nga thời kỳ đầu

Khi bắt đầu cuộc xung đột tại Ukraine, máy bay chiến đấu Su-35 của Nga đã vượt qua sự mong đợi của họ trong các trận không chiến. Các nguồn tin của Nga thậm chí còn nhận định rằng, một chiếc Su-35 đã giành được ít nhất 7 chiến thắng trước máy bay Ukraine.

Nhưng cách đây vài tuần, người phát ngôn chính thức của nhà sản xuất Su-35 ở Komsomolsk-on-Amur thừa nhận rằng, hiệu suất của loại chiến đấu cơ này trong không phận Ukraine không đạt được kỳ vọng.

Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cung cấp những hiểu biết sâu sắc có giá trị về tình huống có vẻ mâu thuẫn này. Chuyên gia Leonkov giải thích rằng, những hạn chế trong thiết kế ban đầu của Su-35, có thể là yếu tố góp phần tạo nên những thất bại không đáng có này.

Nó ban đầu được thiết kế để chiếm ưu thế trên không, hoặc tấn công các mục tiêu mặt đất bằng bom hay tên lửa không đối đất. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi chứng kiến hiệu suất tăng vọt khi một chiếc Su-35 bắn rơi nhiều máy bay Ukraine.

Với khả năng cơ động vượt trội, tốc độ tối đa Mach 2,5, vũ khí ấn tượng, hệ thống radar - điện tử hàng không hiện đại, Su-35 đương nhiên vượt trội hơn MiG-29 hay Su-27 của Ukraine.

Tuy nhiên, trước sức nóng của mặt trận, nhiều lần Su-35 buộc phải hạ độ cao xuống thấp hơn dù nó là loại chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không. Việc thiếu vũ khí dẫn đường tầm xa, buộc loại chiến đấu cơ thế hệ 4+ của Nga phải làm nhiệm vụ ném bom thường, đôi khi còn sử dụng phương pháp ném bom bổ nhào như hồi thế chiến 2.

Chính việc phải ném bom thường theo phương pháp cổ điển này, đã đưa Su-35 trực tiếp vào vùng tiêu diệt của các loại vũ khí phòng không cố định hay di động của Ukraine, đặc biệt là tên lửa vác vai Stinger mà Mỹ viện trợ.

Nga thừa nhận: "Mạng lưới dày đặc các hệ thống phòng không tầm thấp của Ukraine, đã đặt ra thách thức ghê gớm, ngay cả đối với các máy bay ưu việt như Su-35".

Đến tháng 11/2023, tổng cộng 5 chiếc Su-35 đã bị phòng không Ukraine bắn hạ. Ngoài ra, đầu năm 2024 còn có thông tin về việc tên lửa Patriot của Ukraine bắn hạ thêm 2 chiếc khác.

Một yếu tố khác cần lưu ý là khả năng lỗi của con người. Việc điều khiển loại tiêm kích 1 người lái này không hề đơn giản bởi nó là một chiếc máy bay cực kỳ phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ năng và kinh nghiệm sâu rộng để vận hành trơn tru. Việc đào tạo không đầy đủ hoặc thiếu kinh nghiệm có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả chiến đấu của phi công, sau đó là của máy bay.

Hơn nữa, điều quan trọng cần lưu ý là hiệu suất của máy bay phụ thuộc vào sự hỗ trợ, bảo trì chất lượng cao, đồng bộ chuyên sâu. Việc không cung cấp dịch vụ bảo trì cần thiết hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng của Nga, có thể gây ra các sự cố kỹ thuật làm suy giảm khả năng chiến đấu của chúng.

Ngoài ra, việc chiến đấu cơ Ukraine không hoạt động thường xuyên trên chiến trường Ukraine, khiến số Su-35 "thất nghiệp", làm một số người cho rằng nó là một thất bại.

Điều thú vị là các nhà phân tích cho rằng, chỉ huy không quân Nga có thể đã nhận ra mối đe dọa của Su-35 đối với các loại tên lửa phòng không của Ukraine như Patriot, IRIS-T, NASAMS hoặc S-300.

Những yếu tố đã phân tích ở trên, bắt buộc không quân Nga phải thay đổi cách tiếp cận của loại chiến đấu cơ chủ lực số 1 của họ ở Ukraine từ đầu năm 2023, khi cho Su-35 bay xa chiến tuyến, sẵn sàng chế áp lực lượng phòng không đối phương bằng tên lửa chống radar và tiêu diệt các máy bay chiến đấu Ukraine (nếu có) bằng tên lửa không đối không tầm xa.

Nga thừa nhận sử dụng Su-35 sai lầm dẫn tới tổn thất tại Ukraine - 2

Tiêm kích Su-35 Nga khai hỏa (Ảnh minh họa: Telegram).

Với chiến thuật mới này, chuyên gia Ashish Dangwal cho rằng, Su-35 đã "buộc các máy bay chiến đấu Ukraine phải hoạt động ở độ cao thấp hơn". Hậu quả là máy bay quân sự Ukraine trở nên dễ bị bắn hạ như chính Su-35 trước kia.

Tuy nhiên, không giống như Nga, Ukraine gần như không chịu tổn thất, đơn giản là họ ít máy bay chiến đấu, bên cạnh đó, số máy bay quý giá đó được sử dụng để phóng vũ khí tầm xa do phương Tây viện trợ, chứ không phải đi thả bom thường như Su-35 của Nga trong giai đoạn đầu cuộc xung đột.

Su-35 hay Su-57 sẽ là tương lai của Không quân Nga?

Sau một phân tích gần đây được thực hiện tại Mỹ vào năm 2024, người ta đã nhận thấy có sự thay đổi đáng kể trong sản xuất máy bay chiến đấu của Nga. Có vẻ như Moscow đang chuyển trọng tâm sang việc sản xuất hàng loạt chiến đấu cơ tàng hình Su-57, do đó dường như đã hạ Su-35 xuống vai trò thứ yếu.

Tuy nhiên, việc này không khiến Su-35 hoạt động kém hiệu quả. Trên thực tế, nếu loại bỏ sự tuyên truyền từ cả Nga lẫn Ukraine, nó nổi lên như một chiến đấu cơ ưu việt được xếp ở đâu đó giữa máy bay thế hệ thứ tư và thứ năm.

Xem xét số lượng đáng kể thông tin sai lệch được lưu hành bởi cả hai bên, việc xác định chính xác tính hiệu quả hoặc thiếu thông tin về hoạt động của dòng tiêm kích này trên chiến trường Ukraine là khá khó khăn.

Các nhà phân tích Mỹ cho rằng, danh tiếng suy giảm của Su-35 ở Ukraine là chất xúc tác khiến các khách hàng dường như chắc chắn mua loại máy bay này "lăn tăn". Tuy nhiên, tình hình thực tế có thể hoàn toàn khác.

Rõ ràng là Washington đang nỗ lực hết sức để ngăn chặn các nước như Ai Cập hay Indonesia mua Su-35 thông qua việc Mỹ thực thi luật CAATSA (Đạo luật chống lại kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt), có thể gây ra hậu quả kinh tế cho những khách hàng tương lai của dòng tiêm kích ưu việt này.

Nga thừa nhận sử dụng Su-35 sai lầm dẫn tới tổn thất tại Ukraine - 3

Su-35 Nga sẽ là đối thủ chính của F-16 trên bầu trời Ukraine (Ảnh: Artileri-news).

Su-35 không chỉ là "hổ giấy"

Su-35 là máy bay chiến đấu đa năng, hiện đại, được sản xuất bởi Cục Thiết kế Sukhoi nổi tiếng ở Nga. Đây cũng là phiên bản nâng cấp cuối cùng của dòng Su-27 Flanker trứ danh của Liên Xô, được Không quân Nga phân loại thuộc thế hệ máy bay 4++.

Thiết kế của nó là chiếm ưu thế trên không tầm xa, có tính linh hoạt đặc biệt.

Về mặt công nghệ, máy bay sở hữu nhiều tính năng tiên tiến, khi được trang bị hai động cơ AL-41F1S, tạo ra lực đẩy tối đa 142 kN khi kích hoạt bộ đốt sau, giúp đạt tốc độ tối đa Mach 2,25 ở độ cao lớn và có thể đạt tới trần bay tới 18.000m.

Phạm vi hoạt động của Su-35 khá đáng kinh ngạc. Chỉ riêng với nhiên liệu bên trong, nó có bán kính chiến đấu là 1.600 km. Khi được trang bị thùng dầu phụ gắn ngoài, phạm vi hoạt động sẽ mở rộng lên tới hơn 4.500km. Điều này cho thấy nó thực sự là một máy bay chiến đấu tầm xa, có thể thực hiện các nhiệm vụ ở xa căn cứ.

Khi nói đến hệ thống điện tử hàng không, nó vượt trội với một loạt hệ thống công nghệ cao như điều khiển bay bằng phần mềm kỹ thuật số tiên tiến, buồng lái kính hiện đại chứa đầy màn hình và mũ phi công gắn hệ thống ngắm mục tiêu. Ngoài ra, nó còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử nhằm mục đích tự vệ.

Khả năng phát hiện mục tiêu của Su-35 được hỗ trợ bởi radar quét mảng pha điện tử thụ động Irbis-E, có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên tới 400km và theo dõi đồng thời tới 30 mục tiêu, tấn công tối đa 8 mục tiêu cùng lúc. Ngoài ra radar Irbis-E có chế độ lập bản đồ mặt đất và có thể phát hiện và giám sát máy bay tàng hình.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hệ thống vũ khí của Su-35 rất đa dạng và mạnh mẽ; máy bay có 12 giá treo có thể hỗ trợ nhiều loại vũ khí, bao gồm tên lửa không đối không, tên lửa không đối đất, tên lửa chống hạm và bom. Nó còn được trang bị pháo tự động GSh-30-1 cỡ nòng 30mm cho các tình huống chiến đấu tầm gần.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm