1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nga thừa nhận khó khăn do cuộc chiến kinh tế chưa từng có

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin thừa nhận Nga đang phải đối mặt tình hình khó khăn, tuy nhiên nỗ lực của các nước nhằm cô lập Moscow sẽ không có tác dụng.

Nga thừa nhận khó khăn do cuộc chiến kinh tế chưa từng có - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

"Tình hình không hề dễ dàng, thậm chí có thể coi là khó khăn do cuộc chiến kinh tế chưa từng có (từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow)", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Tass hôm 14/6 trước thềm Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg.

Tuy nhiên, ông Peskov nói rằng, tình hình khó khăn hiện nay đang tạo động lực để Nga và các nước "thân thiện" tìm kiếm những "phương thức hợp tác mới, cơ chế hợp tác mới, cơ chế thanh toán tài chính mới".

"Vai trò của các đồng tiền dự trữ như USD, Euro chắc chắn sẽ yếu đi, khi các hệ thống luật pháp, tài chính đang mất uy tín đối với nhiều quốc gia", ông Peskov lý giải.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định mọi nỗ lực nhằm bóp nghẹt Nga và loại bỏ Nga khỏi đời sống toàn cầu là "vô vọng" và "bất khả thi".

"Việc loại bỏ Nga khỏi đời sống quốc tế là hoàn toàn vô vọng và bất khả thi. Tốc độ phát triển (của Nga) trong những tháng qua đã chứng minh rõ ràng cho điều đó", ông Peskov nói thêm.

Kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với Moscow. Các biện pháp này được áp đặt trên hầu hết lĩnh vực với mục tiêu làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Theo các nhà phân tích tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga đã kéo lùi hơn một thập niên thành tựu kinh tế và 3 thập niên hội nhập với phương Tây của Nga. Các chuyên gia của IIF cũng cảnh báo, một số hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến kinh tế "vẫn chưa bộc lộ rõ".

Theo báo cáo của phương Tây, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 1/3 trong năm nay. Ngay cả khi Nga chấm dứt ngay lập tức các hoạt động quân sự tại Ukraine, Nga sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi nền kinh tế nước này. Một quan chức Mỹ cho rằng, các đòn trừng phạt của phương Tây có thể đưa Nga trở lại thời kỳ thắt lưng buộc bụng như hồi thập niên 1980.

Moscow đã đáp trả các lệnh trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp của Nga nếu không sẽ bị cắt nguồn cung. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) Vyacheslav Volodin ngày 4/6 tuyên bố, Mỹ và EU đã dùng hết "kho công cụ để kìm hãm sự phát triển của Nga", sau khi EU tung ra gói trừng phạt thứ 6 chống lại Moscow.

Tổng thống Vladimir Putin thừa nhận, các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã gây ra hàng loạt vấn đề phức tạp cho Nga, nhưng đồng thời khiến Nga trở nên mạnh hơn trong nhiều lĩnh vực. Ông Putin khẳng định Nga không có ý định cô lập nền kinh tế nước này với phần còn lại của thế giới và đã đối phó với lệnh trừng phạt bằng việc thay thế các sản phẩm nhập khẩu quan trọng bằng các sản phẩm sản xuất trong nước.

Nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở ở Phần Lan công bố hôm 13/6 cho hay, Nga đã thu về 98 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng hóa thạch trong 100 ngày đầu tiên của chiến sự ở Ukraine. Doanh thu của Nga đến nhiều nhất từ dầu thô rồi đến khí đốt vận chuyển qua đường ống, sản phẩm từ dầu khí, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.

Theo Tass
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine