Nga thu được xác tên lửa "Thủy thần" gần nguyên vẹn của Ukraine
(Dân trí) - Video cho thấy xác một quả tên lửa R-360 Neptune ("Thủy thần") của Ukraine trôi dạt vào bờ biển Azov của Nga trong tình trạng gần nguyên vẹn, giúp quân đội Moscow có cơ hội "mổ xẻ" loại vũ khí này.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng ngày 29/1 cho thấy một tên lửa R-360 dạt vào một bãi biển được cho là gần thành phố cảng Taganrog của Nga. Video cho thấy phần xác tên lửa gần nguyên vẹn, chỉ thiếu phần mũi.
Warhistoryalconafter - một kênh Telegram về vũ khí lịch sử chiến tranh tiếng Nga và dường như là nơi đầu tiên đăng video - cho biết tên lửa R-360 nói trên đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ. War Zone chưa thể xác minh độc lập thông tin này.
Ukraine từng tuyên bố dùng tên lửa Neptune để đánh chìm soái hạm Moskva của Nga vào năm 2022, trong khi Moscow nói con tàu chìm vì cháy. Kiev cũng được cho là đã bắt đầu dùng phiên bản tấn công mặt đất của Neptune vào năm ngoái.
Vào tháng 8/2023, ít nhất một tên lửa Neptune phiên bản tấn công mặt đất đã được sử dụng để tiêu diệt hệ thống S-400 của Nga trên Bán đảo Crimea mà Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014.
R-360 của Ukraine có nguồn gốc từ tên lửa Kh-35 thời Liên Xô và 2 loại có hình dáng bên ngoài rất giống nhau. Nhưng xác tên lửa trong video có các vây chính gấp khúc nhẹ - đặc điểm của R-360. Trong khi đó, Kh-35 có vây chính dạng đường thẳng.
Trong quá khứ, phiên bản chống hạm của Neptune có tầm bắn tối đa được cho là vào khoảng 300km. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Ukraine từng nói với War Zone rằng phiên bản tấn công mặt đất ít nhất có thể có tầm bắn lên tới 360km.
Tầm bắn 360km chắc chắn sẽ đưa Taganrog và phần lớn khu vực xung quanh tỉnh Rostov vào tầm bắn của các lực lượng Ukraine đóng ở cực đông nước này. Lực lượng Ukraine cũng đã nhiều lần nhắm vào Taganrog bằng các loại tên lửa khác trong quá khứ.
Phiên bản chống hạm cơ bản của Neptune sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính (INS) để đưa tên lửa đến khu vực có mục tiêu, sau đó nó chuyển sang thiết bị tìm kiếm chủ động bằng radar để tập trung vào mục tiêu trong giai đoạn cuối hành trình bay, giống Kh- 35.
Phiên bản tấn công mặt đất của Neptune được cho là sử dụng kết hợp INS được hỗ trợ bởi GPS và cảm biến hình ảnh hồng ngoại để đánh trúng mục tiêu.
Đoạn video về xác tên lửa Neptune ở gần Taganrog xuất hiện trong bối cảnh có lo ngại về kho dự trữ đạn dược của Ukraine.
Theo War Zone, Dù nguyên nhân gì khiến chiếc Neptune trong video rơi xuống, xác tên lửa dạt vào bờ biển Taganrog có thể cung cấp cho lực lượng Nga nhiều thông tin mới về năng lực của loại vũ khí này.