1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ukraine tung chiến thuật mới, phóng tên lửa "thủy thần" hạ mục tiêu tầm xa

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine được cho là đã hoán cải các tên lửa chống hạm Neptune do nước này sản xuất để tăng cường khả năng tấn công tầm xa vào các mục tiêu của Nga.

Ukraine tung chiến thuật mới, phóng tên lửa thủy thần hạ mục tiêu tầm xa - 1

Tên lửa Neptune được phóng thử năm 2019 (Ảnh: Business Insider).

Theo Ian Williams, phó giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tên lửa chống hạm Neptune được hoán cải "là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Ukraine gần đây nhằm tăng cường khả năng tấn công tầm xa".

Năm ngoái, quân đội Ukraine tuyên bố phóng tên lửa Neptune bắn hạ tàu tuần dương Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen Nga. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra trên tàu Moskva đã dẫn đến các vụ nổ kho đạn trên tàu và cuối cùng khiến con tàu bị chìm.

Neptune là tên lửa chống hạm, tuy nhiên trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiết lộ kế hoạch phát triển phiên bản tấn công mặt đất của tên lửa này.

Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết một tên lửa "mới, hoàn toàn hiện đại" đã hoạt động "hoàn hảo" để hạ gục hệ thống phòng không của Nga ở phía tây Crimea vào cuối tháng 8.

Một quan chức quốc phòng Ukraine cũng nói với The War Zone rằng, nước này đã sử dụng phiên bản hoán cải của tên lửa Neptune để tấn công hệ thống phòng không của Nga. Cuộc tấn công "được thực hiện 100% bởi tên lửa Neptune cải tiến", quan chức Ukraine xác nhận.

Các nhà phân tích nói với Newsweek rằng, do nhu cầu của Ukraine về các hệ thống vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu ở xa của Nga đã vượt quá nguồn cung của nước này, nên Kiev phải tìm cách thích ứng.

"Trong một bối cảnh hoàn hảo, các nhiệm vụ tấn công mặt đất không phải là cách sử dụng tốt nhất cho các tên lửa chống hạm hiện đại, vốn được thiết kế đặc biệt để đánh chìm các tàu chiến bọc thép hạng nặng trên biển. Nhưng Ukraine đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về các hệ thống tấn công tầm xa", chuyên gia Williams nói.

Theo ông Williams, điều này đồng nghĩa với việc Ukraine phải chuyển sang sử dụng các tên lửa chống hạm như Neptune do Kiev không được tiếp cận các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS của Mỹ hoặc tên lửa hành trình tầm xa Taurus do Đức sản xuất. Cả Washington và Berlin hiện vẫn chưa chuyển giao cho Ukraine những hệ thống tên lửa hiện đại này, mặc dù Anh và Pháp đã cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow cho Kiev vào đầu năm nay.

"Ukraine đang thích ứng và sử dụng những gì họ có trong tay, nhưng đây không nên được coi là giải pháp lâu dài cho nhu cầu tấn công tầm xa của Ukraine", chuyên gia Williams nhận định.

Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu quốc phòng Royal United Services, cho biết cuộc tấn công vào mũi Tarkhankut phía tây Crimea vào cuối tháng trước "đã chứng minh rằng Ukraine có thể sử dụng  tên lửa Neptune cho hoạt động tấn công trên bộ, khiến khí tài của Nga gặp rủi ro ở những khu vực phía sau vốn được xem là an toàn trước đây".

Theo chuyên gia Kaushal, việc tấn công một mục tiêu tương đối nhỏ có thể ngăn chặn các mối đe dọa trên không như S-400 cho thấy Ukraine có thông tin tình báo và trinh sát chất lượng cao, đồng thời tên lửa Neptune tấn công trên bộ có thể ẩn nấp sau những chướng ngại vật để tiếp cận mục tiêu mà Nga không thể phát hiện. Neptune có thể sử dụng các biện pháp đối phó để không bị phát hiện hoặc được sử dụng cùng với thiết bị gây nhiễu.

Chuyên gia Kaushal cho biết, một điểm khác biệt có thể thấy giữa phiên bản tấn công mặt đất của Neptune và biến thể chống hạm là hệ thống dẫn đường. Hiện rất khó để đánh giá có bao nhiêu tên lửa Neptune mà Ukraine có thể sử dụng, nhưng số tên lửa dự trữ có thể không nhiều.

"Rất khó để sản xuất hàng loạt loại tên lửa này ngay cả trong thời bình và Nga vẫn nỗ lực để nhắm vào cơ sở công nghiệp - quân sự của Ukraine", chuyên gia Kaushal nhận định.

Sức mạnh của tên lửa "thủy thần"

Ukraine đăng video "phá hủy soái hạm Nga" năm 2022

Theo các tài liệu do Luch, một đơn vị phát triển vũ khí thuộc sở hữu của nhà nước Ukraine công bố, Neptune là tên lửa phòng thủ bờ biển được thiết kế để tấn công tàu chiến của đối phương với tầm bắn lên tới 306 km.

Tên lửa "thủy thần" Neptune được phóng từ các ống gắn sau xe tải cỡ lớn, có thể được bắn ở vị trí cách bờ biển khoảng 25km, từ đó cho phép phương tiện này ẩn náu tốt hơn trước tàu và máy bay trinh sát của đối phương.

Mỗi xe bệ phóng có thể mang 4 tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune và có thể phóng trong vòng 15 phút kể từ khi xe vào vị trí triển khai. Sau đó, các xe tải, có khả năng di chuyển với vận tốc 64km/h trên đường bằng, có thể nhanh chóng di chuyển đến vị trí khai hỏa mới.

Mỗi tên lửa Neptune mang đầu đạn nặng khoảng 150kg và có tổng khối lượng khoảng 860kg, khiến vũ khí này lớn hơn một chút so với tên lửa chống hạm Harpoon mà Hải quân Mỹ sử dụng. Neptune có khả năng tiêu diệt các mục tiêu có lượng choán nước lên tới 5.000 tấn.

Neptune có thể được triển khai trên tàu, trên bộ và bằng các bệ phóng trên không. Tên lửa này được lực lượng vũ trang Ukraine chính thức tiếp nhận vào tháng 8/2020 và đưa vào biên chế hồi tháng 3/2021, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Dự án phát triển tên lửa Neptune được khởi động từ năm 2014 sau khi Ukraine mất gần 80% số tàu hải quân trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea. Nó được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tên lửa hành trình do Nga chế tạo có tên là Kh-35.

Để né tránh các loại vũ khí được thiết kế nhằm phát hiện và bắn hạ tên lửa chống hạm, tên lửa Neptune bay bám biển - cách đỉnh sóng chỉ khoảng 3-9m - khiến tên lửa này khó có thể bị phát hiện trên radar ở cự ly xa. Độ cao thấp cũng khiến rút ngắn thời gian phản ứng của tàu chiến đối phương.

Theo Newsweek, New York Times, BI