1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga phản hồi đề xuất trả lại Crimea cho Ukraine để chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố bất kỳ tiến trình hòa bình nào cho cuộc xung đột Ukraine cũng phải xuất phát từ tình hình thực địa.

Nga phản hồi đề xuất trả lại Crimea cho Ukraine để chấm dứt xung đột - 1

Cầu Crimea (Ảnh: AFP).

"Các chủ thể của Liên bang Nga không phải là đối tượng để đàm phán", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với các phóng viên hôm 11/9 khi được hỏi về phát biểu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Bà Zakharova nói thêm rằng bất kỳ ai muốn giải quyết vấn đề này đều cần phải đọc Hiến pháp Nga trước.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bất kỳ tiến trình hòa bình nào cho cuộc xung đột Ukraine cũng phải xuất phát từ tình hình trên thực địa.

Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố bán đảo Crimea, một khu vực Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2014, phải được trả lại cho Ukraine theo luật pháp quốc tế.

"Sự ủng hộ của chúng tôi đối với toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và nền độc lập của Ukraine vẫn không thay đổi. Việc trả lại Crimea cho Ukraine là một yêu cầu của luật pháp quốc tế", ông Erdogan cho biết.

"Chúng tôi chân thành mong muốn chiến tranh kết thúc bằng một nền hòa bình công bằng và lâu dài, dựa trên toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine", nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Vào tháng 3, Tổng thống Erdogan đã đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, nơi Moscow và Kyiv có thể gặp nhau để tìm cách giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.

Một tài liệu được cho là dự thảo hiệp ước hòa bình do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đã xuất hiện trên các kênh truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau đó. Kế hoạch này kêu gọi đóng băng xung đột đến năm 2040, trong thời gian đó các cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức tại tất cả các vùng lãnh thổ đang bị kiểm soát.

Vào tháng 7, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Astana, Kazakhstan. Trong cuộc gặp, ông Erdogan tuyên bố sẵn sàng "đặt nền móng" cho lệnh ngừng bắn và các cuộc thảo luận để tìm ra sự thỏa hiệp cuối cùng nhằm chấm dứt giao tranh.

Đáp lại, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow không coi Tổng thống Erdogan là người hòa giải để giải quyết cuộc xung đột với Ukraine.

Vào tháng 8, một đại diện của Tổng cục Tình báo Ukraine (HUR), Andriy Yusov, tuyên bố bộ chỉ huy Ukraine có kế hoạch phá hủy hoàn toàn cầu Kerch nối Crimea với đất liền Nga, đồng thời giành lại bán đảo này.

Bán đảo Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái và tên lửa của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử.

Cuối năm 2022, sau khi Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Zelensky cũng đưa ra công thức hòa bình 10 điểm trong đó có điều kiện yêu cầu Nga rút toàn bộ quân, bồi thường chiến tranh, khôi phục đường biên giới lãnh thổ năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Moscow nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế".

Tổng thống Vladimir Putin gần đây đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư.

Theo RT