1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga lên tiếng về đề xuất đàm phán hòa bình của Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Nga cho rằng cả Ukraine và phương Tây đều không có ý chí chính trị để giải quyết cuộc xung đột hiện nay.

Nga lên tiếng về đề xuất đàm phán hòa bình của Ukraine - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Tass).

"Về sự sẵn sàng đàm phán của Ukraine, chúng tôi thấy rằng cả Kiev và phương Tây đều không có ý chí chính trị cho hòa bình. Họ tiếp tục suy nghĩ theo hướng chiến tranh. Họ hoảng loạn vì sợ Ukraine thất bại, bởi điều đó có nghĩa là sự kết thúc của trật tự thế giới dựa trên luật lệ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Andrey Nastasyin cho biết khi bình luận về triển vọng đàm phán Nga - Ukraine hôm 31/7.

Trước đó, ông Mikhail Podolyak, cố vấn cho người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, tuyên bố Kiev đã sẵn sàng đàm phán với Moscow, nhưng với các điều kiện dựa trên "khái niệm luật pháp quốc tế". Ông nêu rõ rằng điều này chủ yếu đồng nghĩa với sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nhà nước Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết ông không quan tâm những gì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba nói về triển vọng đàm phán giải quyết xung đột, vì cả hai quan chức Ukraine thường đưa ra những tuyên bố mâu thuẫn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm nay cho biết, tuyên bố của chính quyền Ukraine về việc sẵn sàng đàm phán với Nga chỉ mang tính lý thuyết và thiếu giải thích chi tiết.

"Chúng tôi đã nghe các tuyên bố (của Kiev) ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng chúng tôi chưa nghe bất kỳ giải thích chi tiết nào trong trường hợp này. Chủ đề này đôi khi được đề cập, nhưng không có thông tin cụ thể nào", ông Peskov nói thêm.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định "phía Nga vẫn cởi mở với quá trình đàm phán".

Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ám chỉ rằng ông muốn chấm dứt xung đột "càng sớm càng tốt" và sẵn sàng đàm phán với Moscow, bất kể ai là lãnh đạo của Nga.

Điều này trái ngược với sắc lệnh do chính ông Zelensky từng ký vào mùa thu năm 2022, trong đó cấm mọi cuộc đàm phán với lãnh đạo hiện tại của Nga. Ông Zelensky đã đưa ra lệnh cấm sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine.

Kể từ năm 2022, Ukraine đã thúc đẩy "công thức hòa bình" do Tổng thống Zelensky đưa ra, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân khỏi mọi vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền. Nga đã bác bỏ công thức này, coi đây là một "ngõ cụt" và xa rời thực tế.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng nhiều vấn đề - bao gồm tính hợp pháp của ông Zelensky với tư cách là nguyên thủ quốc gia sau khi ông đã hết nhiệm kỳ tổng thống và sự can thiệp của phương Tây - cần phải được giải quyết trước khi bất kỳ cuộc đối thoại thực chất nào có thể bắt đầu.

Tổng thống Putin ngày 13/6 cũng đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm