1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Ukraine nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Ukraine cho rằng Nga chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận "công bằng" để đàm phán chấm dứt xung đột, trong khi Moscow cũng bác bỏ các tuyên bố của Kiev.

Nga - Ukraine nêu điều kiện đàm phán chấm dứt xung đột - 1

Lính Ukraine chiến đấu ở Bakhmut (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ukraine hôm 26/7, ông Mikhail Podoliak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev sẵn sàng đàm phán hòa bình với Moscow theo các điều khoản "công bằng".

Tuy nhiên, ông Podoliak nói rằng Nga chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận như vậy.

Quan chức cấp cao của Ukraine nhấn mạnh, Kiev đang tìm kiếm các cuộc đàm phán hiệu quả, nhưng không phải dẫn đến việc đóng băng xung đột, mà là chấm dứt hoàn toàn xung đột. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực lên Nga và tăng cường năng lực quân sự của Ukraine để đạt được mục tiêu.

Đầu tuần này, ông Podoliak nói rằng việc đóng băng cuộc xung đột sẽ cho phép Nga có thêm thời gian thực hiện các thay đổi cần thiết và hiện đại hóa lực lượng quân sự của nước này.

Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các cuộc đàm phán hòa bình hiện không thể thực hiện được do một loạt vấn đề cấp bách phải được giải quyết, bao gồm tình trạng của Tổng thống Zelensky và đạo luật do ông Zelensky ký vào năm 2022 cấm các cuộc đàm phán giữa Kiev và lãnh đạo hiện tại ở Moscow.

Ông Peskov nhắc lại rằng, Điện Kremlin không coi Tổng thống Zelensky là tổng thống hợp pháp của Ukraine vì nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào tháng 5 và các cuộc bầu cử không được tổ chức do thiết quân luật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã nói rằng tình trạng của Tổng thống Zelensky rất quan trọng đối với việc ký kết một hiệp ước hòa bình, vì bất kỳ văn bản ràng buộc nào cũng phải được ký bởi các cơ quan có thẩm quyền hợp pháp.

Ông Zelensky gần đây tuyên bố rằng Kiev muốn chấm dứt xung đột "càng sớm càng tốt", tốt nhất là "vào cuối năm nay". Ông đã nêu khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai về Ukraine để đạt được mục tiêu này.

Đầu tuần này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các tín hiệu do Tổng thống Zelensky đưa ra về thiện chí nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow không đáng tin cậy.

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, do Thụy Sĩ tổ chức, tập trung vào các yếu tố trong "công thức hòa bình" của Kiev, yêu cầu Moscow rút quân khỏi mọi lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Moscow đã bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng nó xa rời thực tế.

Nga nêu điều kiện đàm phán

Phó Đại diện thường trực của Nga tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Maxim Buyakevich ngày 26/7 cho biết Tổng thống Ukraine Zelensky và Ngoại trưởng Dmitry Kuleba đã nói dối khi tuyên bố sẵn sàng đàm phán với bất kỳ đại diện nào của Nga.

"Chúng tôi đã chú ý đến cuộc phỏng vấn gần đây của ông Zelensky với BBC, trong đó ông tuyên bố sẵn sàng tìm cách chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc xung đột vào cuối năm nay. Hơn nữa, ông còn nói dối rằng Kiev sẵn sàng đàm phán với bất kỳ đại diện nào của Nga, bao gồm cả Tổng thống Putin. Ngoại trưởng Kuleba cũng nói dối tương tự tại Bắc Kinh vào ngày 23/7", ông Buyakevich cho biết.

Tuy nhiên, đặc phái viên Nga cho biết, "các nhà lãnh đạo của chính quyền Kiev đã "quên" thu hồi sắc lệnh hành pháp do Tổng thống Zelensky ký vào ngày 30/9/2022, trong đó áp đặt lệnh cấm vô thời hạn đối với bất kỳ liên lạc nào với giới lãnh đạo Nga liên quan đến việc giải quyết xung đột".

Theo ông Buyakevich, các bước đi của Kiev "không có điểm chung nào với các nỗ lực giải quyết xung đột và đạt được một nền hòa bình lâu dài và công bằng".

"Mục tiêu của họ khác, đó là thông tin sai lệch cho cộng đồng quốc tế, kéo dài cuộc đối đầu vũ trang và đảm bảo các điều kiện cho một cuộc leo thang quân sự quy mô lớn trong những tháng và năm tới", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Ông Buyakevich tin rằng những tuyên bố như vậy của phía Ukraine là "trò gian lận" để lôi kéo ngày càng nhiều thành viên của cộng đồng quốc tế vào nhóm ủng hộ công thức hòa bình do Tổng thống Zelensky đưa ra với các điều khoản không khả thi.

Cuối năm 2022, Tổng thống Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.

Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh lập trường của Moscow về việc chấm dứt xung đột vũ trang ở Ukraine đã được Tổng thống Putin nêu rõ tại cuộc họp của Bộ Ngoại giao vào ngày 14/6. Ông Buyakevich nhắc lại rằng, bất kỳ cuộc đối thoại nào nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine "phải được tiến hành thông qua việc thừa nhận tình hình thực tế và tính đến điều đó".

"Hiện tại, Kiev đang đầu tư một cách tuyệt vọng vào việc đẩy mạnh xung đột. Không thể đảo ngược tình hình trên chiến trường, họ ngày càng sử dụng các chiến thuật tấn công", ông Buyakevich kết luận.

Tổng thống Putin vào tháng trước đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".

Theo RT, Tass