Nga phản hồi đề xuất đàm phán, Ukraine lên kế hoạch hòa bình
(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow không quan tâm nhiều đến tuyên bố của Ukraine rằng Kiev đã sẵn sàng đàm phán hòa bình.
Phát biểu với các phóng viên hôm 27/7 tại Lào, nơi ông đang tham dự hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov được đề nghị bình luận về những tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky và Ngoại trưởng Dmitry Kuleba, rằng Kiev sẵn sàng đàm phán hòa bình với Nga.
Bình luận về phát biểu của Ngoại trưởng Kuleba, ông Lavrov cho biết "đây không phải là lần đầu tiên ngoại trưởng Ukraine nói như vậy, đôi khi ông ấy nói hoàn toàn ngược lại".
"Thành thật mà nói, tôi không nghe họ", ông Lavrov thừa nhận, ám chỉ cả ông Kuleba và ông Zelensky.
Ngoại trưởng Lavrov nói thêm rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thông báo cho ông về các cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Kuleba.
"Chúng tôi tin rằng lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi... đó là tập trung vào nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột", ông Lavrov nói.
Đầu tháng này, Tổng thống Zelensky đã ám chỉ rằng ông muốn chấm dứt xung đột "càng sớm càng tốt" và sẵn sàng đàm phán với Moscow, bất kể ai là lãnh đạo của Nga.
Điều này trái ngược với sắc lệnh do chính ông Zelensky từng ký vào mùa thu năm 2022, trong đó cấm mọi cuộc đàm phán với lãnh đạo hiện tại của Nga. Ông Zelensky đã đưa ra lệnh cấm sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine.
Vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Kuleba đã nhấn mạnh sau một cuộc họp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị rằng không ai có thể ép buộc Kiev đàm phán.
Kể từ năm 2022, Ukraine đã thúc đẩy "công thức hòa bình" do Tổng thống Zelensky đưa ra, trong đó yêu cầu Nga phải rút quân khỏi mọi vùng lãnh thổ mà Kiev tuyên bố chủ quyền. Nga đã bác bỏ công thức này, coi đây là một "ngõ cụt" và xa rời thực tế.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng, Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng nhiều vấn đề - bao gồm tính hợp pháp của ông Zelensky với tư cách là nguyên thủ quốc gia sau khi ông đã hết nhiệm kỳ tổng thống và sự can thiệp của phương Tây - cần phải được giải quyết trước khi bất kỳ cuộc đối thoại thực chất nào có thể bắt đầu.
Tổng thống Putin ngày 13/6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk (tự xưng) cũng như các khu vực Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.
Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga "không có đề xuất hòa bình thực sự".
Ukraine lên kế hoạch hòa bình
Trong cuộc phỏng vấn với đài NHK (Nhật Bản) hôm 27/7, Tổng thống Zelensky cho biết ông có kế hoạch vạch ra một kế hoạch vào cuối tháng 11 để đạt được hòa bình ở Ukraine.
"Tôi đã giao nhiệm vụ này cho chính quyền của tôi và nhóm ngoại giao của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng kế hoạch sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11", ông nói.
Ông Zelensky bày tỏ sự tin tưởng rằng việc tăng cường quân đội Ukraine, sự hỗ trợ từ Mỹ và các quốc gia khác, cùng với áp lực ngoại giao quốc tế nhằm vào Nga sẽ là "3 yếu tố đưa cuộc chiến đến hồi kết công bằng".
Tổng thống Ukraine cho biết ông đã nhận được các đề xuất không chính thức về việc đóng băng xung đột, nhưng đã từ chối các đề xuất này. Ông nói thêm rằng trọng tâm của kế hoạch sẽ là vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và chủ đề này sẽ được thảo luận với các quốc gia liên quan.
Tổng thống Zelensky đã kiên quyết không mời Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình đầu tiên diễn ra ở Thụy Sĩ hồi tháng 6, bất chấp những cảnh báo của các nước cho rằng hội nghị khó có thể thành công khi không có sự hiện diện của cả hai bên trong cuộc chiến.
Trong một động thái bất ngờ, ông Zelensky hôm 4/7 dường như đã dịu giọng trong vấn đề này khi thừa nhận khả năng có một phái đoàn Nga tham dự hội nghị hòa bình lần 2.