Nga khiến Mỹ-NATO phá sản tại Biển Đen thế nào?
Theo Forbes, việc Hạm đội Biển Đen được biên chế số lượng lớn tàu mang tên lửa Kalibr làm phá sản kế hoạch của Mỹ và NATO tại vùng biển này.
Mỹ mất dần vị thế
Thời gian gần đây, Mỹ ngày càng ra mặt cộng tác với các nước trong khu vực Biển Đen, mời họ tiến hành các cuộc tập trận hải quân và thao diễn quân sự.
Lý giải hành động như vậy, Washington cho rằng các quốc gia có chung biên giới Nga đều thể hiện nhu cầu cần thiết về việc bảo vệ chống lại "mối đe dọa" tiềm ẩn từ Moskva, tạp chí Forbes nhận định.
Đồng thời các nước phương Tây đều biết rõ rằng trong chặng dài hàng trăm năm Nga luôn xem vị thế ở Biển Đen là một trong những khâu bảo đảm quan trọng nhất cho an ninh quốc gia của mình.
Trong tương quan này, không có gì đáng ngạc nhiên khi những năm gần đây Moskva tập trung vào công tác nhằm trả lại cho Hạm đội nước mình niềm vinh quang từng sáng chói, tác giả bài viết khẳng định.
Kể từ thời điểm Crimea trở lại thành phần Nga, hệ thống bảo vệ Biển Đen đã được củng cố rõ rệt với sự hỗ trợ của các tổ hợp tên lửa siêu thanh chống hạm tầm xa 600 km, các máy bay quân sự tiên tiến, cũng như tàu nổi và tàu ngầm, tờ báo liệt kê.
Những khả năng ưu việt của Hạm đội Nga tạo điều kiện hạn chế tự do hành động của Mỹ và NATO ở Biển Đen và đòi hỏi ngành công nghiệp quốc phòng của Washington phải gia tăng chi phí cho trang bị quân sự.
Theo Forbes, thậm chí những con tàu tuần tra cỡ nhỏ của Nga cũng đủ sức giáng đòn tấn công sấm sét hơn là các tàu của Hải quân nước khác, nhờ sử dụng tên lửa hành trình loại mới "Kalibr" và các đầu đạn có điều hướng chính xác.
Biển Đen - kho tên lửa của Nga
Theo kế hoạch được Bộ Quốc phòng Nga công khai, trong khoảng thời gian 5 năm tới, Hạm đội Biển Đen sẽ được biên chế số lượng tàu mang tên lửa hành trình Kalibr.
- Tàu ngầm lớp Varshavyanka
Mỗi tàu ngầm lớp Project 06363 lớp Varshavyanka có lượng giãn nước khi lặn 3.950 tấn, được trang bị 14 ngư lôi và 4 tên lửa hành trình của hệ thống Kalibr-PL, sử dụng tên lửa hành trình chống hạm 3M-54 hoặc tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14.
Các tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu chiến hạm đến 660km và mục tiêu bờ ở cự ly 1500-2.500 km tùy thuộc phiên bản. Khi thực hiện nhiệm vụ, cũng tùy theo tính chất của nhiệm vụ mà chúng mang theo một trong 2 loại tên lửa hoặc mang mỗi loại một nửa.
Hải quân Nga hiện đang có khoảng 20 tàu ngầm Kilo trong biên chế. Ngoài ra, 6 tàu ngầm thế hệ mới nhất, hiện đại nhất thuộc Project 636 cải tiến đã và đang được biên chế cho Hạm đội Biển Đen nhằm nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho hạm đội này.
Hiện Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận 3 chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu này là chiếc B-261 Novorossiisk, B-237 Rostov-on-Don và B-262 Stary Oskol. Chiếc thứ 4 mang số hiệu B-265 Krasnodar cũng sắp được biên chế.
Theo kế hoạch, 2 tàu cuối cùng mang số hiệu B-268 Veliky Novgorod và B-271 Kolpino sẽ gia nhập Hạm đội Biển Đen vào cuối năm nay, tăng cường khả năng tấn công cực kỳ mạnh mẽ để đối phó với sự uy hiếp của chiến hạm Mỹ-NATO trong khu vực Biển Đen và ngoài Địa Trung Hải.
- Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M
Lớp tàu tiếp theo được trang bị hệ thống tên lửa này là các tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ Project 21631, lớp Buyan-M, có lượng giãn nước đầy tải vẻn vẹn 949 tấn. 3 chiếc đầu tiên được trang bị Kalibr-NK chính là 3 tàu Grad Sviyazhsk, Yglich và Veliky Ustyug.
Tuy là các tàu nhỏ nhưng chúng có khả năng mang tới mỗi tàu 8 tên lửa 3M-14T của hệ thống Kalibr-NK trong các bệ phóng thẳng đứng UKSK - một loại bệ phóng đa năng, có thể phóng cả các tên lửa chống hạm siêu âm P-800 Oniks.
Tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 Dagestan đã phóng thành công các tên lửa 3M-14T trong các đợt thử nghiệm từ năm 2011-2012, sau đó, tàu hộ vệ hạng nhẹ Byan-M là Grad Sviyazhsk là chiếc tiếp theo đã phóng thành công loại tên lửa này vào mục tiêu mặt đất vào tháng 9/2013.
Các tàu hộ vệ khác thuộc Project 21631, lớp Buyan-M đều sẽ được trang bị các hệ thống Kalibr-NK. Chiếc thứ 4 và thứ 5 của loạt tàu này là Zelyonyi Dol (107) và Serpukhov (108) đã đến căn cứ hải quân Novorossyisk vào cuối năm 2015 và được biên chế cho Hạm đội Biển Đen.
Bốn chiếc tiếp theo mang tên Vyshny Volochek, Orehovo-Zyevo, Ingushetiya và Grayvoron (lần lượt mang số hiệu từ 109 đến 112) hiện đã được khởi đóng lần lượt trong các năm 2013-2015 và dự kiến sẽ trang bị toàn bộ cho Hạm đội Biển Đen vào năm 2016 và 2017.
Như vậy, đến năm 2017, Hạm đội này sẽ sở hữu 6 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Buyan-M, có khả năng tấn công đối hạm và đối đất rất mạnh mẽ.
Trong giai đoạn 2017-2020, hải quân Nga sẽ tiếp tục khởi đóng thêm 10 tàu cỡ nhỏ thuộc dự án này, để tiếp tục biên chế về các hạm đội Thái Bình Dương và phương Bắc, nhằm nâng cao thần tốc khả năng chống hạm và tấn công mặt đất cho lực lượng tàu nổi của mình.
- Hộ vệ hạm Project 11356Р/М
Loạt tàu tiếp theo được trang bị Kalibr-NK là các tàu hộ vệ tên lửa hạng nặng thuộc Project 11356Р/М, lớp Đô đốc Grigorovich. Chiếc đầu tiên của lớp là Đô đốc Grigorovich hiện đã biên chế cho Hạm đội Biển Đen. Hải quân Nga đang triển khai kế hoạch đóng 6 tàu cùng lớp cho hạm đội này.
Các chiến hạm thuộc Project 11356Р/М lớn gấp 4 lần Byan-M nhưng cũng chỉ được trang bị 8 tên lửa hành trình, do chúng còn phải giành “đất” cho 3 tổ hợp 12 ống phóng thẳng đứng 3S90E của hệ thống phòng không Shtil-1, với 36 tên lửa 9M317E có tầm phóng đến 50km.
Hiện hạm đội Biển Đen chỉ duy nhất có tuần dương hạm Moskva thuộc lớp Slava là có khả năng phòng không hạm đội, do được trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-300F (biến thể của hệ thống S-300 trên mặt đất), có tầm phóng xa tới 150km.
Do đó, các tàu được đóng trong lớp này trang bị riêng cho Hạm đội Biển Đen buộc phải hy sinh khả năng tấn công mặt đất để nâng cao khả năng phòng không cho hạm đội.
Hiện chiếc thứ 2 thuộc lớp này là Đô đốc Essen, đang thử nghiệm ở nhà máy đóng tàu Yantar. Còn chiếc thứ ba mang tên Đô đốc Makarov, vừa được hạ thủy vào đầu tháng 9/2015. Dự kiến cả 2 tàu này đều sẽ được trang bị cho Hạm đội Biển Đen trong năm 2016.
Tuy nhiên, 3 chiếc còn lại là Đô đốc Butakov, Đô đốc Istomin và Đô đốc Kornilov chỉ mới được khởi đóng hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị nên kế hoạch bàn giao cho hạm đội này có thể sẽ vào năm 2017.
Theo Tuấn Hưng (Tổng hợp)
Đất Việt